NHỮNG CHÍNH SÁCH BHYT CẦN BIẾT
BP - “Chi phí khám, chữa bệnh hiện nay rất cao. Nếu không có bảo hiểm y tế (BHYT), người bệnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi chi trả tiền khám, chữa bệnh. Chúng tôi thường xuyên tăng cường thanh - kiểm tra các cơ sở khám chữa bệnh để khắc phục thiếu sót nhằm đáp ứng tốt nhất cho người tham gia BHYT. Bản chất của BHYT là sự chia sẻ của cộng đồng. Sự chia sẻ ấy được thể hiện cụ thể nhất là giấy chứng nhận không cùng chi trả của cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH)” - Phó giám đốc BHXH tỉnh Lăng Quang Vinh chia sẻ.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Bình Phước đã có cuộc trao đổi với ông Lăng Quang Vinh, Phó giám đốc BHXH tỉnh.
PV: Ông cho biết tỷ lệ cũng như tình hình người dân tham gia BHYT trên địa bàn hiện nay và những thuận lợi, khó khăn trong công tác này?
Ông Lăng Quang Vinh: Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đã coi việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách BHYT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện chính sách, pháp luật về an sinh xã hội. Cùng với quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020, tốc độ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh tăng qua các năm. Hằng năm đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu BHYT toàn dân được Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết HĐND tỉnh giao. Cụ thể: Năm 2017 tham gia BHYT có 781.152 người/781.874 dân số, độ bao phủ 81,16%, vượt 3,02% chỉ tiêu được giao. Năm 2018 tham gia BHYT có 811.698 người/813.008 dân số, độ bao phủ 84%, vượt 1,8% chỉ tiêu được giao. 6 tháng đầu năm 2019 tham gia BHYT là 827.820 người/964.960 dân số, độ bao phủ 85,8%, đạt 99,52% (chỉ tiêu được giao cả năm 86,2%. Tuy nhiên, trong phát triển đối tượng tham gia BHYT vẫn còn một số khó khăn như: Một số nhóm đối tượng còn phụ thuộc vào hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và các nguồn hỗ trợ khác. Xét về lâu dài, khi nhóm ngân sách nhà nước hỗ trợ giảm do người dân thoát nghèo, thoát vùng khó khăn, thoát cận nghèo thì tỷ lệ tham gia BHYT thiếu tính bền vững. Do nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động về chính sách BHYT chưa đầy đủ, trách nhiệm thực thi pháp luật chưa nghiêm; người lao động còn thiếu thông tin về quyền lợi BHXH, BHYT hoặc ít hiểu biết về chính sách BHXH, BHYT nên không dám đấu tranh đòi quyền lợi hoặc không muốn tham gia vì sợ ảnh hưởng tới thu nhập, việc làm; tổ chức công đoàn ở nhiều nơi chưa thực hiện tốt chức năng bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động theo quy định pháp luật.
Bệnh nhân chờ khám ngoại trú tại Bệnh viện đa khoa tỉnh
Đối với người thuộc đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình, vẫn còn một bộ phận người dân chưa thấy hết lợi ích, ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm tham gia BHYT. Bên cạnh đó, đời sống của người dân, nhất là ở vùng sâu, xa còn gặp nhiều khó khăn nên chưa có điều kiện tham gia BHYT. Đối tượng học sinh, sinh viên do mức phí hiện nay còn cao trong khi phần hỗ trợ 30% từ ngân sách nhà nước còn thấp nên những gia đình có đông con theo học gặp khó khăn; công tác tuyên truyền, vận động còn hạn chế chưa thuyết phục được phụ huynh tham gia BHYT cho con em mình. Mặt khác, theo Luật BHYT thì học sinh, sinh viên là những đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT, nhưng thực tế thì lại không có chế tài để bắt buộc nên nhà trường không thể bắt buộc học sinh, sinh viên tham gia.
PV: Ông đánh giá thế nào về sự hiểu biết của người dân đối với các chính sách cũng như quyền lợi của người tham gia BHYT? Vì sao phần lớn người dân nói chung và người tham gia BHYT nói riêng hiện nay vẫn chưa hiểu hết các chủ trương, chính sách cũng như quyền lợi khi tham gia BHYT?
Ông Lăng Quang Vinh: Trong quá trình thực hiện trên địa bàn tỉnh cho thấy, chính sách BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống, nhận thức của phần lớn người dân được nâng lên. Thể hiện qua số người tham gia BHYT ngày càng tăng, năm sau luôn cao hơn năm trước. Hằng năm đều hoàn thành vượt mức chỉ tiêu phát triển BHYT toàn dân được giao.
Tuy nhiên, hiện nay còn 14,2% dân số chưa tham gia BHYT, một phần là do nhận thức của người dân về chính sách BHYT còn hạn chế. Nguyên nhân do việc phổ biến, quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT ở một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa sâu rộng, có nơi, có lúc chưa được quan tâm đúng mức, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan. Việc tuyên truyền, giải thích chưa rõ ràng, đầy đủ, chi tiết chính sách, pháp luật BHXH, BHYT cho từng đối tượng, từng hộ gia đình. Bên cạnh đó, do tâm lý chủ quan của người dân, chỉ tham gia BHYT khi có bệnh đã gây khó khăn rất lớn cho việc vận động tuyên truyền. Chất lượng phục vụ tại một số cơ sở khám chữa bệnh BHYT chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân. Mức phí BHYT hiện nay còn khá cao, do đó những gia đình hoàn cảnh khó khăn, đông con nhưng không được hưởng chính sách của Nhà nước rất khó để tham gia BHYT các thành viên trong gia đình.
PV: Công tác tuyên truyền về quyền lợi khám, chữa bệnh khi tham gia BHYT 5 năm liên tục trên địa bàn tỉnh thời gian qua và BHXH tỉnh đánh giá thế nào về kết quả thực hiện chính sách này, thưa ông?
Ông Lăng Quang Vinh: Theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 22 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014, từ ngày 1-1-2015, người bệnh được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến.
Khi đã đáp ứng đủ điều kiện, đối tượng tham gia BHYT mang hồ sơ chứng từ thanh toán và thẻ BHYT trực tiếp liên hệ với cơ quan BHXH nơi cấp thẻ làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả theo quy định tại Khoản 1, Điểm d, Điều 9 Quyết định số 1399/QĐ-BHXH, ngày 22-12-2014 của BHXH Việt Nam để được hưởng quyền lợi 100% chi phí khám, chữa bệnh cho những lần khám, chữa bệnh tiếp theo.
Để người dân hiểu rõ hơn về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm khi tham gia BHYT nói chung và quyền lợi khám, chữa bệnh khi tham gia BHYT 5 năm liên tục nói riêng, thời gian qua BHXH tỉnh đã đổi mới tuyên truyền chính sách, pháp luật BHYT bằng nhiều hình thức như tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp với nhân dân về chính sách BHYT, phát hành tờ gấp, tờ rời, in băng rôn, áp phích, phối hợp Báo Bình Phước, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước mở chuyên trang, chuyên mục về BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh đã ký kết nhiều quy chế phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan truyền thông để tuyên truyền về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.
BHXH tỉnh đã thực hiện đúng quy định trong việc cấp, đổi thẻ BHYT đối với những đối tượng tham gia BHYT 5 năm liên tục, cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh đầy đủ, kịp thời, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT 5 năm liên tục. Thời gian qua chưa có khiếu kiện, khiếu nại về việc không đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT 5 năm liên tục.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Đông Kiểm (thực hiện)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065