NƯỚC HỒ THỦY LỢI XUỐNG THẤP
Mùa khô năm nay đã kéo dài hơn 5 tháng, các hồ chứa phải cấp nước cho nhiều diện tích cây trồng nên mực nước đang xuống thấp. Tại một số hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh, mực nước thấp hơn từ 2-4m so với mực nước hằng năm. Tại huyện Lộc Ninh, hồ Tà Tê (xã Lộc Thành) giảm 3,5m; hồ Rừng Cấm (thị trấn Lộc Ninh) giảm hơn 2m. Tại huyện Hớn Quản, hồ An Khương (xã An Khương) giảm 4,2m và có khả năng cống số 2 (cống cuối cùng) không thể cấp nước tưới cho cây trồng phía hạ lưu trong một vài tuần tới; đập Bàu Úm (xã Tân Khai) mực nước giảm 3,5m. Tại huyện Bù Gia Mập, hồ Bình Hà nước dự trữ giảm hơn 4m.
Điều tiết nước chống hạn nên mực nước hồ Rừng Cấm giảm mạnh (ảnh lớn). Cánh đồng của Hợp tác xã Hưng Thành không thiếu nước trong mùa khô (ảnh nhỏ)
Hai huyện biên giới Lộc Ninh và Bù Đốp, nhiều diện tích cây trồng đang chết dần vì thiếu nước, mùa vụ có nguy cơ mất trắng. Tuy nhiên một phần diện tích cây trồng vẫn tươi tốt nhờ được tưới nước từ hệ thống hồ thủy lợi. Huyện Lộc Ninh có 11 công trình thủy lợi. Trong mùa khô hạn, nhiều diện tích cây trồng được cứu sống nhờ nước từ các hồ này. Một trong những hồ thủy lợi phát huy hiệu quả nhất là hồ Rừng Cấm trên địa phận thị trấn Lộc Ninh và xã Lộc Tấn. Ngoài cung cấp nước sạch cho 600 hộ dân khu vực trung tâm huyện Lộc Ninh, hồ Rừng Cấm còn cấp nước tưới cho các xã Lộc Thái, Lộc Hưng, Lộc Điền, Lộc Khánh.
Nước hồ Rừng Cấm được dẫn theo suối Cần Lê về đập dâng Tôn Lê Chàm, sau đó được điều tiết về các xã Lộc Hưng và Lộc Thái bằng hệ thống kênh bê tông (dài hơn 7km) và suối tự nhiên. Xã Lộc Thái đang được nước hồ Rừng Cấm tưới cho 38 ha cây lâu năm như hồ tiêu, mít, sầu riêng, măng cụt và 14 ha rau màu; cấp nước sinh hoạt cho nhân dân hai ấp 8, 9. Từ đập Tôn Lê Chàm, nước hồ Rừng Cấm tiếp tục được dẫn về xã Lộc Hưng bằng 2 nhánh kênh Đông và kênh Tây để tưới cho 104 ha lúa, 134 ha quýt, bưởi và 8 ha rau màu. Nước từ hồ Rừng Cấm còn điều tiết về đập dâng Cần Lê để tưới cho 94 ha lúa xuân hè ở xã Lộc Điền và Lộc Khánh. Mặc dù nắng hạn nhưng 94 ha lúa cơ bản được cấp đủ nước và cho năng suất đạt từ 80% trở lên so với những năm không bị khô hạn. Ngoài cung cấp nước cho cây lúa, đập dâng Cần Lê còn cung cấp nước tưới cho 14 ha hồ tiêu, nước sinh hoạt cho ấp Chà Đôn và 150 hộ đồng bào Khơme (xã Lộc Khánh).
Hệ thống kênh thủy lợi Lộc Quang dẫn nước tưới cho cây trồng mùa khô
Ngoài ra, cây trồng hằng năm và cây lâu năm ở huyện Lộc Ninh còn được đập dâng Lộc Khánh, hồ Bù Nâu, hồ Suối Can, hồ Suối Ly, hồ chứa nước Lộc Thạnh, hồ Tà Tê, đập dâng Tà Thiết, hồ Suối Phèn và đập Lộc Quang cấp nước tưới chống hạn trong mùa khô. Hiện các công trình thủy lợi cấp nước sinh hoạt, nước tưới cho gần 500 ha hồ tiêu và một số cây công nghiệp, khoảng 500 ha cây trồng hằng năm và cây lúa.
NGƯỜI DÂN TỰ QUẢN LÝ NGUỒN NƯỚC TƯỚI
Sau nhiều tháng xả nước cứu hạn, nước hồ Rừng Cấm còn khoảng 1,4 triệu m3. Hiện tại, nước đầu nguồn đổ về hồ đã cạn kiệt nên mỗi lần xả nước điều tiết cho các đập dâng khu vực hạ lưu, hồ không được bổ sung thêm nước. Theo dự báo của Công ty Thủy lợi, hồ Rừng Cấm chỉ điều tiết tưới đến khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6-2016. Nếu không mưa, hồ Rừng Cấm phải đóng cửa xả để tích nước phục vụ nước sinh hoạt cho gần 30 ngàn người khu vực trung tâm huyện Lộc Ninh. |
Như các năm trước, nước được điều tiết tưới cho cây trồng trong mùa khô trung bình 5 ngày/lần. Năm nay, khô hạn đang vào đỉnh điểm và dự báo kéo dài hơn nên lịch cấp nước được dãn ra. Ông Thiều Hữu Cơ, Trưởng trạm Thủy nông Lộc Ninh cho biết: “Căn cứ diễn biến tình hình khô hạn và mực nước tại hồ thủy lợi hiện nay, chúng tôi phải điều tiết lịch tưới thưa hơn nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu sử dụng nước của nhân dân phục vụ cây trồng, vật nuôi. Để tạo được sự đồng thuận, chúng tôi phải họp bàn với nhân dân và UBND xã sở tại. Sau khi thống nhất, chúng tôi điều tiết lịch cấp nước phù hợp với tình hình thực tế. Sau một đợt cấp nước, cán bộ trạm thủy nông huyện kết hợp với nhân dân kiểm tra lượng nước cấp về có đủ hay không, sau đó điều tiết lịch cấp nước, giờ cấp nước và lưu lượng nước những lần tiếp theo”.
Công ty thủy nông đã tham mưu UBND các xã vận động thành lập tổ dùng nước. UBND xã sẽ ký quyết định thành lập tổ dùng nước và phân công tổ trưởng, tổ phó. Những người được bầu làm tổ trưởng, tổ phó là người có uy tín và đại diện dân cư ở đầu tuyến kênh, cuối kênh và giữa kênh để điều tiết nước công bằng và hiệu quả.
Anh Lê Đình Tâm ở ấp 2, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh làm tổ trưởng tổ dùng nước ấp 2 và ấp 7, xã Lộc Hưng 3 năm nay. Mặc dù hoạt động không công nhưng anh Tâm rất nhiệt tình và có trách nhiệm với công việc. Vì anh cho rằng, điều tiết nước hợp lý, công bằng thì vườn nhà nào cũng được “giải cơn khát”, trong đó có gia đình mình. Anh Tâm cho biết: Tổ có nhiệm vụ thống kê diện tích cây trồng, xin lịch tưới khi khô hạn và điều tiết nước để hộ nào cũng có nước đầy đủ. Tôi thấy việc thành lập tổ lấy nước là giải pháp hay để phân bổ, quản lý nước hiệu quả trong mùa khô hạn.
HIỆU QUẢ RÕ RỆT TỪ NGUỒN NƯỚC THỦY LỢI
Chúng tôi có mặt tại cánh đồng Hợp tác xã Hưng Thành, xã Lộc Hưng lúc trời đứng bóng, cái nắng như thiêu đốt dường như dịu lại bởi hơi nước từ đồng lúa và hệ thống kênh nội đồng. Điều chúng tôi cảm nhận được tại đây là lúa xanh tốt, bông trĩu hạt. Trên gò đất cao hơn là những thửa đất trồng bắp xanh mướt và trái căng tròn, đầy hạt.
Qua giám sát, phát hiện nhân viên quản lý hồ Tà Tê đã lợi dụng nhiệm vụ tự ý xả nước về tuyến kênh mà nhà mình có ruộng vườn không theo lịch tưới để trục lợi nên thành viên các tổ dùng nước và nhân dân đã báo cáo sự việc với cơ quan chức năng. Để làm gương cho những trường hợp khác, Trạm thủy nông Lộc Ninh đã thu hồi chìa khóa cống cấp nước từ nhân viên này và tìm người thay thế. |
Hợp tác xã Hưng Thành có 126 xã viên canh tác chủ yếu lúa và bắp trên 76 ha đất. Nhờ có nguồn nước thủy lợi nên hằng năm toàn bộ diện tích đất của hợp tác xã đều sản xuất 3 vụ/năm. Vụ lúa xuân hè 2016, hợp tác xã được khuyến cáo sản xuất trên diện tích 40 ha lúa, số còn lại người dân trồng bắp và hoa màu. Ông Ngô Xuân Tung, Chủ nhiệm Hợp tác xã Hưng Thành cho biết: Từ khi nước thủy lợi đưa về đồng, các tuyến kênh, mương nội đồng hoàn thiện thì xã viên đã sản xuất lúa 3 vụ hoặc 2 vụ lúa, 1 vụ hoa màu. Trong 40 ha lúa vụ xuân hè thì có đến 30 ha cho năng suất tương đương các vụ khác, 10 ha còn lại năng suất đạt khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2015. Riêng diện tích bắp và rau màu không bị ảnh hưởng nhiều bởi khô hạn.
Mùa khô này, nhiều diện tích mặt nước nuôi cá trên địa bàn tỉnh cạn kiệt, người dân phải vớt cá bán dù chưa đến kỳ thu hoạch. Nhưng với những người có ao nuôi cá gần các hồ thủy lợi thì khác. Ông Bùi Văn Tư ở tổ 1, ấp Chàng Hai (xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh) có gần 5 ha đất bán ngập nằm cạnh mương thủy lợi dẫn nước từ Lộc Quang đi ngang. Để phát huy hiệu quả khu đất này, ông Tư đào 2 ha ao nuôi cá và xây chuồng trại nuôi 17 heo nái, gần 100 heo thịt. Nhờ nguồn nước thủy lợi, mùa khô này ông Tư có nước sạch tắm cho đàn heo và vệ sinh chuồng trại. Ao thường xuyên được bổ sung nước nên cá phát triển nhanh. Dự kiến vụ cá này, ông Tư xuất khoảng 40 tấn cá các loại. Sau khi trừ tiền thức ăn và công chăm sóc, ông thu lãi hơn 300 triệu đồng.
Nhất Sơn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065