Con người là một trong những tác nhân chính làm cho thiên tai có chiều hướng gia tăng và sức tàn phá ngày càng nặng nề hơn. Trong đó, hoạt động tàn phá rừng tự nhiên đã làm mất cân bằng hệ sinh thái nghiêm trọng, từ đó dẫn đến biến đổi khí hậu gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường. Những năm qua, các hiện tượng thời tiết phức tạp, bất thường có xu hướng gia tăng cả về cường độ và tần số, trong đó đáng chú ý là các đợt mưa lớn gây úng lụt, lũ quét; hay những đợt nắng nóng làm khô hạn kéo dài; các trận mưa đá kèm dông, lốc xoáy,... quét qua nhiều địa phương để lại hậu quả khó lường.
Từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường ở diện rộng hơn. Trên cả nước đã xảy ra 11 trận động đất; 7 đợt dông lốc, mưa đá; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng và nhiều vụ sạt lở bờ sông, bờ biển, lún sụt tại đồng bằng sông Cửu Long... Đến hết tháng 4 năm nay, thiên tai đã làm 11 người chết, mất tích; hơn 44 ngàn căn nhà bị sập đổ, hư hại, tốc mái và hơn 100 ngàn ha lúa, hoa màu bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại tài sản gần 3.183 tỷ đồng.
Tại Bình Phước, từ đầu năm đến nay, nhiều địa bàn trong tỉnh cũng bị thiên tai “ghé thăm” như Phú Riềng, Đồng Xoài, Bù Đăng... Điển hình, chiều tối 24-4-2020 xảy ra trận mưa lớn kèm gió lốc kéo dài khoảng hơn 1 giờ, làm hư hỏng nhà ở và gãy, đổ nhiều diện tích điều, gây thiệt hại nặng cho người dân 2 xã Bình Tân và Phước Tân, huyện Phú Riềng. Hậu quả làm 3 căn nhà bị tốc mái hoàn toàn, một số căn nhà khác bị ảnh hưởng nhẹ; thiệt hại 22 ha điều, chủ yếu là cây điều già đang cho thu hoạch bị trốc gốc và gãy ngang thân... Ở những nơi bị thiên tai hoành hành, không những đời sống và sản xuất của người dân bị ảnh hưởng nặng nề mà còn tác động xấu đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược giảm nghèo bền vững của địa phương.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến cuối năm 2020, xuất hiện khoảng 10-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn bão đổ bộ trực tiếp vào đất liền thuộc khu vực Trung bộ và phía Nam. Vì vậy, phòng chống thiên tai luôn là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, trọng yếu của cấp ủy, chính quyền các cấp và mọi tầng lớp nhân dân; trong đó chú trọng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, năng lực chủ động ứng phó của mỗi cá nhân và cả cộng đồng xã hội. Và phương án “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) cần được áp dụng triệt để, kịp thời nhằm tận dụng tối đa nguồn lực xã hội, đồng thời chủ động các tình huống đối phó với thiên tai, không để bị động, bất ngờ.
Trước diễn biến khó lường của thiên tai, mỗi tổ chức, cá nhân luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, nỗ lực chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả nhằm đẩy lùi thiên tai - giặc “tiên phong của đói và nghèo” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói. Từ đó góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước ngày càng bền vững, an toàn.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065