VỪA VÀO HIỆP HỘI ĐÃ XIN RÚT
Sau 25 năm gắn bó với cây hồ tiêu, nhà nông Nguyễn Ngọc Anh ở ấp 3, xã Lộc Tấn (Lộc Ninh) không giấu được niềm vui khi hay tin hồ tiêu Lộc Ninh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Ngay sau khi có nhãn hiệu, gia đình ông đã không chút ngần ngại đăng ký tham gia thành viên của Hiệp hội Hồ tiêu Lộc Ninh. Thế nhưng sau gần 9 tháng tham gia, giá bán mỗi ký tiêu của gia đình ông vẫn không có gì thay đổi so với trước.
Nhà nông Nguyễn Ngọc Anh đã 25 năm gắn bó với 2.000 nọc tiêu của gia đình
Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Ninh Đỗ Văn Quang cho biết: Tổng diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện Lộc Ninh tính đến hết tháng 11-2014 là 3.809 ha, tăng gần 300 ha so với năm 2013. Sau khi hồ tiêu Lộc Ninh được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, Hội Nông dân huyện đã huy động được 16 hộ trồng tiêu tham gia thành lập Hiệp hội Hồ tiêu Lộc Ninh để tạo đà phát huy giá trị nhãn hiệu. Nhưng sau gần 9 tháng thành lập, đã có 2 hộ xin rút. Nguyên nhân chủ yếu do người dân vẫn chưa tìm thấy giá trị đích thực sau khi hồ tiêu Lộc Ninh tạo dựng được nhãn hiệu.
CANH CÁNH NỖI LO
Xã Lộc Hiệp hiện có trên 500 ha hồ tiêu đang cho thu hoạch. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Tước cho biết, diện tích hồ tiêu của xã đã hình thành và phát triển khá sớm. Từ con người đến điều kiện tự nhiên như khí hậu, thổ nhưỡng đều rất thuận lợi cho phát triển hồ tiêu. Vì vậy, trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, Lộc Hiệp xác định cây hồ tiêu là nguồn thu chủ lực cần được phát triển bền vững.
Nhà nông Nguyễn Ngọc Anh sau 9 tháng tham gia Hiệp hội Hồ tiêu Lộc Ninh vẫn chưa tìm thấy giá trị thương hiệu (ảnh lớn). Nhãn hiệu hồ tiêu Lộc Ninh đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận và bảo hộ tại Việt Nam kể từ ngày 25-3-2014 (ảnh nhỏ)
Là xã có điều kiện thuận lợi nhưng những năm qua, hồ tiêu của Lộc Hiệp luôn đối mặt với tình trạng nắng hạn kéo dài. Hệ thống kênh mương nội đồng cũng như thủy lợi cung cấp nước tưới cho hồ tiêu chưa được quy hoạch. Trong khi đó, tiêu là loại cây trồng khó tính, không chịu được nắng hạn, càng không chịu được ngập úng, thậm chí rất nhiều bệnh. Việc thiếu nước tưới vào mùa khô không chỉ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng mà còn là nguyên nhân làm gia tăng dịch bệnh trên cây hồ tiêu.
Xã Lộc Hưng không đưa hồ tiêu vào định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp trong lộ trình xây dựng nông thôn mới. Nhưng trên thực tế, nhiều người dân trong xã vẫn đeo bám cây hồ tiêu để phát triển kinh tế gia đình. Gần 10 năm trước, diện tích hồ tiêu của xã có trên 160 ha. Đến nay, tổng diện tích loại cây này của xã chỉ còn 42 ha.
Với giá tiêu đen 200 ngàn đồng/kg như hiện nay, người trồng tiêu sẽ thu cao gấp 8 lần so với trồng điều, gấp 4 lần so với trồng cao su trên cùng diện tích canh tác. Thế nhưng nguồn giống sạch bệnh trên địa bàn tỉnh không có. Nguy cơ thoái hóa giống và mất giống thuần chủng của hồ tiêu Lộc Ninh đang hiện hữu trước mắt. |
15 năm gắn bó với hồ tiêu, ông Nguyễn Năng Cường ở ấp 5, xã Lộc Hưng khẳng định, hồ tiêu vừa cho thu nhập cao vừa cần ít diện tích nên rất thích hợp cho nông dân nghèo. Cái khó của người trồng tiêu hiện nay là không tìm được nước sạch để tưới cho cây tiêu. Nước giếng thì không đủ, nước thủy nông cung cấp thì nhiễm khuẩn, dễ dẫn đến dịch bệnh, nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm.
Không chỉ khó khăn về nước tưới mà ngay cả giống tiêu sạch bệnh cũng tìm không ra. Để trồng được 600 nọc tiêu như hiện nay, gia đình ông Cường phải chọn đến 3 loại giống khác nhau. Theo ông, giống tiêu Trung có từ rất lâu trên địa bàn huyện Lộc Ninh. Loại giống này cho năng suất khá ổn định so với tiêu Vĩnh Linh hay tiêu Ấn Độ. Nhưng hiện giống tiêu Trung trên địa bàn huyện đang đứng trước nguy cơ mất gốc. Và người trồng tiêu trong huyện cũng không tìm được cơ sở nào cung cấp giống sạch bệnh. Vì vậy, người dân phải tự nhân giống theo cách riêng, bất chấp mầm bệnh sẽ ảnh hưởng đến cả vườn tiêu sau này.
CHÔNG CHÊNH THƯƠNG HIỆU
Để có được “Nhãn hiệu tập thể hồ tiêu Lộc Ninh”, trung tâm phải mất gần 3 năm nghiên cứu, thu thập chứng cứ, số liệu một cách khoa học, nghiêm túc mới được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận. Việc xây dựng nhãn hiệu cho hồ tiêu Lộc Ninh giống như khai sinh cho một đứa bé. Muốn đứa bé khôn lớn, trưởng thành thì phải chăm sóc, nuôi dạy đúng quy trình kỹ thuật, nếu không sẽ còi cọc, suy dinh dưỡng. Nếu Lộc Ninh không sớm tìm ra giải pháp để quảng bá thì giá trị nhãn hiệu chỉ nằm trong ngăn kéo. Ông Lê Hữu Hòa, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ tỉnh (đơn vị xúc tiến xây dựng nhãn hiệu hồ tiêu Lộc Ninh). |
Lộc Ninh hiện có hơn 3.800 ha hồ tiêu, trong đó hơn 3.400 ha đang cho sản phẩm với năng suất bình quân 3,3 tấn/ha. Đầu ra của sản phẩm đang là vấn đề đáng quan tâm. Sản lượng bình quân đạt trên 10.000 tấn/năm nhưng hiện chưa có bất kỳ doanh nghiệp hay người dân nào ở huyện Lộc Ninh bắt tay vào việc chế biến hạt tiêu. Phần lớn người trồng chỉ biết bán thô cho thương lái nhỏ lẻ. Giá hạt tiêu đen trên thị trường hiện ngấp nghé 200 ngàn đồng/kg. Nếu là tiêu trắng, tiêu sọ giá lên đến 500 ngàn đồng/kg, tiêu đỏ không dưới 800 ngàn đồng/kg. Giá trị nhãn hiệu Hồ tiêu Lộc Ninh chưa được phát huy, chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm, không biết chế biến sau thu hoạch, nên giá trị mỗi kilôgam sản phẩm thấp hơn nhiều so với các tỉnh, thành khác cùng trồng hồ tiêu trong nước.
Theo Phó chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh Hoàng Nhật Tân, điều cốt lõi để nâng cao thu nhập cho người trồng tiêu hiện nay không chỉ dừng lại ở việc xây dựng được nhãn hiệu mà phải biết bảo vệ và phát huy giá trị nhãn hiệu đó và trở thành một thương hiệu uy tín trên thị trường. Muốn vậy thì phải quy hoạch vùng sản xuất, có giống sạch bệnh. Việc thu hoạch và chế biến sau thu hoạch cũng cần được quan tâm đầu tư nhằm giúp người dân nâng cao giá trị sản phẩm. Khó nhưng vẫn phải làm. Muốn làm được thì người trồng tiêu phải gắn kết để tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm hiệu quả.
Đông Kiểm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065