BP - Khu bảo tồn biển (KBTB) Cù Lao Chàm thuộc xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An (Quảng Nam) gồm 8 hòn đảo lớn nhỏ với 5.175 ha mặt nước. KBTB được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2004. Đến tháng 5-2009, Cù Lao Chàm - Hội An chính thức được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Nơi đây được đánh giá có sự đa dạng các hệ sinh thái của vùng hạ lưu, vùng bờ và biển đảo trong tính đa dạng, thuộc loại bậc nhất Việt Nam. Trong số các khu sinh quyển thế giới tại Việt Nam thì Cù Lao Chàm - Hội An là địa điểm minh chứng rõ nét nhất về sự giao lưu, kết hợp hài hòa, sinh động giữa con người và thế giới tự nhiên. Ngoài hệ sinh thái biển đa dạng, phong phú, Cù Lao Chàm còn có nhiều dấu tích cổ của người Việt xưa như: tàu cổ bị đắm, giếng cổ, đền đài, miếu mạo... Điều đó cho thấy từ thế kỷ XV hoặc thậm chí sớm hơn, nơi đây đã từng là điểm qua lại và neo đậu của các thương thuyền quốc tế trong hành trình “con đường tơ lụa” trên biển Đông.
Quang cảnh tại bến cảng Bãi Làng (Cù Lao Chàm) - Ảnh internet
Theo kết quả nghiên cứu gần đây nhất, các nhà khoa học đã xác định được ở Cù Lao Chàm có khoảng 277 loài san hô tạo rạn thuộc 40 giống và 17 họ; 270 loài cá thuộc 105 giống, 40 họ; 5 loài tôm hùm; 97 loài nhuyễn thể và rất nhiều loài có giá trị về sinh thái, giá trị kinh tế và cảnh quan. Các rạn san hô ở Cù Lao Chàm phân bố chủ yếu ở phía tây, tây nam đảo Hòn Lao và xung quanh các đảo nhỏ với tổng khoảng 165 ha mặt nước nhưng đều bị hư hại do người dân khai thác để nung vôi. Trước thực trạng đó, khu bảo tồn đã phối hợp với các chuyên gia của Viện Hải dương học Nha Trang triển khai dự án nuôi cấy phục hồi các rạn san hô, phục vụ hoạt động du lịch và bảo tồn các nguồn gen quý hiếm tại vùng biển này. Tính đến cuối năm 2013, KBTB Cù Lao Chàm đã phát triển được 30 khung ươm trồng san hô phục vụ đắc lực việc trồng, phục hồi thành công 165 ha diện tích rạn san hô bị hư hại. Đặc biệt, từ kết quả trồng phục hồi thành công các rạn san hô bị hư hại, các nhà khoa học của KBTB Cù Lao Chàm đã thực hiện thành công việc trồng mới 146 ha rạn san hô ở khu vực biển Cù Lao Chàm, nâng tổng diện tích các rạn san hô ở đây lên 311 ha mặt nước. Thành tựu quan trọng chính của KBTB Cù Lao Chàm là hoạt động bảo tồn loài quý hiếm, phục hồi nguồn lợi thủy sản bị suy kiệt vì hoạt động đánh bắt tận diệt, hoặc do ô nhiễm môi trường. Những năm qua, các biện pháp bảo tồn khoa học nghiêm ngặt đã được đặt ra tại Cù Lao Chàm. Đó là việc giữ bãi cấm, bãi đẻ cho sinh vật biển ngay trong vùng lõi, rạn san hô. Đầu năm 2014, Cù Lao Chàm đã xây dựng thành công đảo xanh thành một địa điểm du lịch biển hấp dẫn với nhiều loại hình như: lặn ngắm san hô, tắm biển, thưởng thức ẩm thực địa phương, khám phá vẻ đẹp hoang dã của các bãi biển tự nhiên... Cù Lao Chàm hiện đã trở thành địa điểm du lịch biển nổi tiếng của Quảng Nam nói riêng và miền Trung nói chung. Vào mùa hè, có ngày hơn 3.500 khách nước ngoài ra Cù Lao Chàm tắm biển, lặn ngắm san hô. Vì thế, cứ mỗi người dân trên đảo phục vụ trên một du khách, nên nguồn thu nhập đã cao hơn nhiều so với nghề đi biển như trước đây.
Trong những năm qua, KBTB Cù Lao Chàm đã mời gọi, tiếp đón, trao đổi và thiết lập mối quan hệ hợp tác toàn diện với nhiều giáo sư, chuyên gia, các viện, nhà trường trong nước và quốc tế. Đây là chiến lược hợp tác như một đòn bẩy giúp KBTB thực hiện tốt 3 chức năng quan trọng đó là bảo tồn, hỗ trợ và phát triển. Hoạt động nghiên cứu khoa học là một trong 7 nhiệm vụ của KBTB Cù Lao Chàm. Ban quản lý KBTB đã chủ trì nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học quan trọng về bảo tồn loài quý hiếm ở Cù Lao Chàm, phấn đấu xây dựng khu bảo tồn này thành một trong những vùng biển kiểu mẫu của Việt Nam.(*)
Đức Hồng
(*) Bài viết sử dụng tư liệu của culaochammpa.com.vn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065