Ông Tiến bên vườn cây sưa trồng xen trong tiêu và những vật dụng được làm bằng gỗ sưa có giá trị hàng chục tỷ đồng
Những người tiên phong
Cách đây khoảng 10 năm, số ít hộ dân trên địa bàn tỉnh đã biết đến giá trị của cây sưa và lặn lội ra miền Bắc mua cây giống về trồng. Ông Trần Đức Tiến ở ấp Suối Nhung, xã Tân Hưng (Đồng Phú) là một trong những người tiên phong trồng loại cây này. Ông Tiến cho biết: Năm 2005, tôi ra xã Đại Đình, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) mua 2.000 cây sưa giống. Hơn một nửa tôi trồng xen trong vườn điều, tiêu. Số còn lại chia cho một số hộ trong vùng cùng trồng. Cây sưa khó trồng, phát triển không đều. Cùng trồng một thời điểm, sau gần 10 năm có cây đường kính khoảng 20cm nhưng có cây thân chỉ bằng cổ tay nên nhiều hộ trồng được vài năm thì chặt bỏ và thay thế cây khác.
Cũng trong năm 2005, anh Phạm Văn Khương ở ấp Thạnh Đông, xã Lộc Tấn (Lộc Ninh) ra Vĩnh Phúc mua 300 cây sưa giống. Sau khi đưa cây về, anh Khương cũng chia lại cho 3 hộ dân khác cùng trồng. Ông Hoàng Văn Sơn ở ấp Thạnh Trung, xã Lộc Tấn, được anh Khương chia lại 50 cây, cho biết: Lúc trồng, nhiều người nói ra nói vào và cho rằng chúng tôi đang trồng thứ cây không biết lợi nhuận thế nào. Vì vậy, người thì trồng xen trong vườn điều, tiêu... người trồng được vài năm thì chặt bỏ, còn tôi trồng làm nọc cho cây tiêu leo.
Hốt bạc...
Bẵng đi gần 10 năm, những người tiên phong đưa cây sưa vào Bình Phước trồng nay đã “hốt bạc”. Hiện những hộ có vườn cây sưa từ 7 đến 10 năm tuổi khá bận rộn vì phải tiếp thương lái. Vườn sưa của ông Tiến có khoảng 50 cây đã có lõi (lõi một cây sưa trưởng thành có đường kính 3-10cm, thậm chí có cây lõi to đến 13cm). Năm 2013, ông Tiến bán cho thương lái ngoài Bắc 10 cây có đường kính khoảng 18cm với giá 140 triệu đồng. Ông Tiến cho biết thêm, dạo này thương lái tìm vào vườn hỏi mua cây sưa ngày càng nhiều nên tôi đã nâng giá mỗi cây thêm 5 triệu đồng.
Do ngại tiếp xúc với báo chí nên chúng tôi phải vào vai thương lái tìm mua cây sưa mới tiếp cận được vườn cây của anh Nguyễn Văn Dự ở ấp Thạnh Đông, xã Lộc Tấn. Vườn cây sưa của anh được trồng xen trong vườn tiêu. Đầu năm 2014, anh Dự bán 1 cây sưa 7 năm tuổi giá 35 triệu đồng khiến nhiều người tiếc nuối vì trước đây đã chặt bỏ. Hiện trong vườn nhà anh còn 20 cây trồng cùng đợt. Nhiều thương lái tìm đến mua nhưng anh chưa bán. Khi chúng tôi thử hỏi mua thì anh Dự “hét” giá mỗi cây 50 triệu đồng. Anh Dự nói, do không biết giá trị thực của gỗ sưa nên bán cây đầu tiên bị “hớ”, bây giờ chỉ bán cầm chừng chờ giá lên.
Đầu năm 2014, ông Sơn đã bán cho thương lái 10 cây, trung bình mỗi cây có giá 16 triệu đồng. Ông Sơn cho biết, sau khi cắt một cây thấy lõi nhỏ tôi cho thương lái cắt cây trễ thêm thời gian để kiếm thêm lời.
Chuyện chỉ xảy ra với cây sưa
Sau khi thỏa thuận mua cây sưa xong, thương lái yêu cầu chủ nhà làm giấy bán cây và xin xác nhận của ấp, xã. Khi có giấy, thương lái cắt hết cành và đào lấy nguyên gốc rồi thuê xe chở ra Bắc. Một số thương lái tiết lộ, phải chở nguyên cây để tránh cơ quan chức năng bắt. Khi ra các tỉnh giáp biên giới Việt Nam - Trung Quốc, họ bóc hết phần giác của cây rồi bán sang Trung Quốc. Trung bình mỗi ký gỗ sưa đỏ có giá 5-8 triệu đồng tùy loại. Đối với những cây sưa có lõi nhỏ thì thương lái cắt lát như khoai mì rồi bán sang Trung Quốc. |
Do có giá trị kinh tế cao nên nhiều nhà có cây sưa trong vườn đều xem như là báu vật. Người thì giấu kín không cho ai biết, người thì mua lưới sắt về vây quanh để bảo vệ. Thương lái mua cây muốn thử xem có lõi hay không phải trả tiền. Thậm chí, một số người hỏi mua cây nhưng chủ nhà không bán thì tìm cách hù dọa “không bán sẽ bị cắt trộm”. Và hài hước hơn cả là hù dọa tạt axít hay thuốc diệt cỏ vào cây sưa.
Hiện nay, thương lái đi mua cây sưa thường mang theo một chiếc khoan máy chạy bằng pin, mũi khoan to bằng chiếc tăm để kiểm tra lõi cây. Bằng kinh nghiệm, mũi khoan chạm lõi là thương lái biết ngay. Anh Tiến nói, riêng thu tiền thương lái khoan thăm lõi cũng kiếm được kha khá. Mỗi lần cắm mũi khoan vào cây tôi lấy 1 triệu đồng, không cần biết họ mua được hay không. Vườn sưa của tôi có quá nhiều người biết. Vừa qua, tôi phải mua 1 tấn lưới sắt về rào lại tránh kẻ xấu vào cưa trộm. Còn anh Dự thì tuyệt đối không cho thương lái khoan thăm lõi. Nhiều thương lái chấp nhận trả 2 triệu đồng/lần khoan nhưng anh vẫn không đồng ý vì sợ hại cây. Để mua cây của anh Dự, thương lái phải chấp nhận mua “tù mù”.
Tạt axít cây sưa - chuyện tưởng chừng không tin được nhưng lại có thật tại xã Lộc Tấn. Nhà anh Dũng - chị Hà ở giáp Trường tiểu học Lộc Tấn B (xã Lộc Tấn) có 2 cây sưa trồng từ năm 2005. Năm 2013, anh Dũng bán 1 cây. Cây còn lại không bán thì bị kẻ xấu tạt axít làm cháy một phần thân. Không riêng nhà anh Dũng, nhà ông Sơn cũng bị kẻ xấu tạt thuốc diệt cỏ làm chết 1 cây.
Hé lộ bí ẩn về gỗ sưa
Việc không tìm ra lời giải vì sao mua gỗ sưa giá cao, khiến bao nhiêu lời đồn huyền bí về giá trị gỗ sưa được thêu dệt, lưu truyền trong nhân dân. Có lời đồn rằng, thương lái Trung Quốc mua gỗ sưa nghiền thành bột, pha trộn với ma túy để kiếm lời. Cũng có người cho rằng, họ mua gỗ sưa để chiết xuất ra chất ướp xác người, động vật để tránh bị phân hủy...
Qua tìm hiểu từ một người chuyên buôn bán đồ gỗ sang Trung Quốc, chúng tôi mới biết: Gỗ sưa được thương lái Trung Quốc thu mua với giá cao về đóng đồ nội thất, đồ thờ hay trang sức. Gỗ sưa được tận dụng tất cả: Những cây gỗ lớn được dùng đóng bàn ghế, khung tranh; loại gỗ nhỏ hơn thì đóng đồ thờ. Riêng loại gỗ cắt lát như khoai mì thì dùng làm tràng hạt, vòng đeo tay...
Anh Nguyễn Văn Chức, một tay chuyên buôn gỗ sang Trung Quốc cho biết: Những loại đồ nội thất được đóng bằng gỗ sưa chỉ có đại gia Trung Quốc “chơi”. Họ mua để tạo tiếng tăm trong giới làm ăn và khẳng định đẳng cấp của mình. Hiện trên thị trường Trung Quốc nhiều món đồ làm bằng gỗ sưa có giá vài tỷ đồng, cũng có những món đồ lên đến hàng trăm tỷ đồng. Riêng tại TP. Bắc Kinh có một bộ đỉnh gồm 17 món làm bằng gỗ sưa có giá 8.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, anh Chức cũng cảnh báo, một số người tung tin mua gỗ sưa về làm đủ thứ huyền bí, với giá cao, khiến người dân Việt Nam đổ xô trồng rồi bán cho họ. Thế rồi, mỗi ngày họ lại thổi giá lên cao, sau đó thì bí mật chuyển gỗ sang Việt Nam bán cho giới buôn gỗ. Khi họ ngưng mua, gỗ sưa có thể rơi vào tình trạng như ốc bươu vàng hay móng trâu, bò trước đây.
Nhất Sơn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065