Hiện nay, giá bán các mặt hàng thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh vẫn chưa giảm so với trước tết Nguyên đán Nhâm Thìn. Người tiêu dùng “chóng mặt” vì chủ hàng hét giá cao, nhất là mặt hàng thực phẩm. Giá tăng, bữa ăn teo đi là thực tế hiện nay ở các gia đình.
Giá các loại rau, củ, quả tăng khiến chất lượng bữa ăn của nhiều gia đình giảm
Trước tết, giá rau cải chỉ 2.000 đồng/bó, nay tăng lên 3.000 đồng/bó, rau muống từ 10 ngàn đồng nay tăng thêm 5.000 đồng/kg. Bà Nguyễn Thị Nghĩa ở phường Tân Thiện (TX. Đồng Xoài), cho biết: “Với việc tăng giá kéo dài như hiện nay thì bữa ăn hằng ngày của gia đình tôi đã bị giảm cả chất và lượng. Mọi chi tiêu trong gia đình phải hạn chế hơn”. Cùng các mặt hàng rau, củ, các loại cá cũng tăng đáng kể. Cá chép, cá lóc, cá trắm, cá điêu hồng... với đủ các loại giá. Trong đó, giá cá kèo và cá điêu hồng có sự khác biệt lớn nhất. Trước tết Nguyên đán cá điêu hồng chỉ 35 ngàn đồng/kg thì nay tăng lên 40 ngàn đồng, cá kèo từ 90 ngàn đồng/kg tăng lên 110 ngàn đồng.
Mặt hàng trái cây sau dịp tết cũng khiến người tiêu dùng ngỡ ngàng vì giá tăng. Nho đen, xoài, táo, lê đều tăng từ 5-15 ngàn đồng/kg... Trong các loại hàng thực phẩm chỉ có thịt heo không biến động, vậy mà người mua rất ít. Một chủ hàng bán thịt heo tại chợ Đồng Xoài cho biết: Thịt heo bán rất chậm, có ngày hàng bị ế nên lỗ vốn.
Chi tiêu sinh hoạt thời bão giá với những người làm công ăn lương, viên chức nhà nước gặp nhiều khó khăn. Bữa cơm tối của gia đình chị Thơm, công nhân Khu công nghiệp Tân Thành (TX. Đồng Xoài) chỉ có trứng chiên và rau muống luộc. Hai vợ chồng chị Thơm đều làm công nhân, thu nhập một tháng chỉ được 5 triệu đồng nhưng phải chi đủ các khoản cho thuê phòng trọ, điện nước, tiền sữa cho con... nay gánh thêm nỗi lo thực phẩm, giá xăng, giá sữa... đều tăng nên chuyện chi tiêu càng siết chặt hơn. Công chức, viên chức Nhà nước cũng không kém phần khó khăn. Chị Nguyễn Thị Hằng, giáo viên một trường mầm non ở thị xã Đồng Xoài, cho biết: Lương giáo viên không đảm bảo cuộc sống, trong khi mọi thứ đều đua nhau tăng giá, từ điện, xăng, gas... đến các mặt hàng thực phẩm, áo quần. Chi tiêu sao cho hợp lý đã là khó, chứ gia đình tôi không mơ đến việc làm giàu.
Chuyện các mặt hàng thiết yếu, nhất là thực phẩm tăng giá thời gian qua không chỉ gây khó khăn đối với công nhân mà ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của học sinh sinh viên sống xa nhà - đối tượng sống bằng tiền phụ cấp của cha mẹ. Giá thực phẩm tăng khiến giá cơm bình dân cũng tăng theo. Linh Phương, sinh viên trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su nói: Trước tết giá cơm bụi chỉ 10-12 ngàn đồng/suất thì nay tăng lên 15-17 ngàn đồng/suất. Để tiết kiệm, phòng em bàn với phòng liền kề nấu ăn chung. Do vậy cũng tiết kiệm được 3-5 ngàn đồng/bữa/người. Các món ăn chủ yếu của chúng em là đậu phụ, trứng, rau và... mì gói. Khi được thắc mắc về giá cả tăng, nhiều tiểu thương cho biết: Xăng tăng giá, phí vận chuyển tăng theo nên giá các mặt hàng tăng là chuyện đương nhiên.
Với giá cả leo thang như hiện nay thì việc “sắp xếp” bữa ăn trong gia đình sao cho vừa đủ dinh dưỡng, vừa phù hợp với túi tiền là việc làm không hề đơn giản đối với các bà nội trợ.
Hải Châu
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065