BP - Sau kỳ nghỉ hè, một số trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) không trở lại trường học mà theo cha mẹ lên nương rẫy. Ban giám hiệu các trường ở vùng sâu, xa luôn thực hiện nhiều giải pháp vận động học sinh đến lớp. Đầu năm học, giáo viên phối hợp với ban ấp, già làng và những người uy tín trong cộng đồng rà lại danh sách, đến từng nhà vận động các em trở lại lớp.
GÕ CỬA TỪNG NHÀ
Tiểu khu 67 cách xa trung tâm xã và các trường học, cách đây 5 năm, Trường tiểu học Phước Thiện (Bù Đốp) đã mở điểm lẻ tại đây để thuận tiện cho học sinh. Tuy nhiên, có nhiều nhà ở sâu trong rẫy, cách xa điểm lẻ, cha mẹ đi làm từ sớm nên không quản lý được con trong việc đi học. Chủ tịch Hội đồng già làng xã Phước Thiện Điểu Re (Tiểu khu 67, ấp Mười Mẫu, xã Phước Thiện) chia sẻ: “Tôi giải thích cho mọi người hiểu thế hệ cha mẹ do thiếu cái chữ nên làm lụng vất vả mà vẫn nghèo. Tuổi trẻ phải được học chữ thì cái đầu mới nghĩ được nhiều cách làm ăn, gia đình mới thoát nghèo”.
Già làng Điểu Nhiêm vận động gia đình cận nghèo Thị Phố cho con đi học
Trước ngày khai trường, UBND xã Phước Thiện, Hội đồng già làng và người có uy tín trong cộng đồng phối hợp với giáo viên chủ nhiệm các lớp lập danh sách những học sinh 5, 6 tuổi chưa đi học mẫu giáo; lớp 1 và học sinh lớp 5 chưa đăng ký học lớp 6. Sau đó, già làng đi tìm hiểu nguyên nhân rồi báo lên UBND xã để giúp đỡ. Đến ngày 3-9-2015, ấp Mười Mẫu còn 9 trẻ dân tộc Xêtiêng từ mẫu giáo đến lớp 5 chưa đi học. Qua vận động, đến nay, 100% trẻ em mầm mon, lớp 1, lớp 6 trong ấp đều đến trường. Các em được nhà trường cho mượn sách giáo khoa, tặng vở, viết, cặp sách, quần áo... để đi học.
Chúng tôi đến sóc 28, thôn Bình Lợi, xã Nghĩa Bình (Bù Đăng) gặp ông Điểu Nhiêm (79 tuổi), Chủ tịch Hội đồng Già làng xã Nghĩa Bình. Người lấm lem đất và ướt đẫm mồ hôi, ngồi bệt trước hiên nhà, già nói không có thời gian tiếp chúng tôi, hôm nay là ngày 4-9 rồi, phải đi nốt những nhà còn lại để trẻ nào cũng đến trường trong ngày khai giảng. Chúng tôi đến nhà chị Điểu Thị Phố - hộ cận nghèo trong xã có con là Điểu Thị Thanh Hà (đến tuổi học lớp 1) và Điểu Thị Ngọc (năm nay học lớp 6). Chị Phố nói: “Tôi vừa nhập học cho cháu lớp 6, còn cháu Hà chưa có sách vở nên chưa đi học”. Ban giám hiệu Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức đã cho Hà mượn sách giáo khoa, tặng vở, viết, cặp, gạo, mì gói... để em có điều kiện đến trường.
KẾT QUẢ TỪ SỰ KIÊN TRÌ
Mùa tựu trường này, trẻ lớp 1, lớp 6 và các lớp còn lại đều đi học đầy đủ. Đặc biệt, đây là năm đầu tiên có 100% trẻ 4 tuổi được phụ huynh cho đi học mầm non để làm quen với tiếng Việt - già làng Thị Ngân, dân tộc Mơnông (thôn Đắk Liên, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng) vui vẻ nói. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, già làng Thị Ngân tiếp lời: “Những năm trước, tôi ghi tên và số điện thoại của thầy, cô giáo làm phổ cập và xóa mù chữ của các trường vào cuốn sổ. Đối với vùng đồng bào DTTS, thời điểm có nhiều học sinh nghỉ học là sau tết Nguyên đán và bắt đầu năm học mới. Vì vậy, tôi cùng thầy, cô giáo đi vận động các em đến lớp”.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức Nguyễn Phi Long cho biết: Trường có nhân viên chuyên trách về phổ cập và xóa mù chữ. Tuy nhiên, nếu không có hội, đoàn thể, già làng, người có uy tín trong cộng đồng thì không thể vận động trẻ đi học đạt 100%.
Già làng không chỉ gương mẫu ở trong thôn, sóc mà còn có nhiều đóng góp trong vận động học sinh đến lớp, giúp hạn chế tình trạng bỏ học. Trước đây, già làng Điểu Re còn cùng đội vận động quần chúng Đồn biên phòng Đắk Quýt vận động hơn 40 người lớn tuổi bị mù chữ đến lớp học tại Trạm y tế quân dân y. Già làng Thị Ngân trăn trở: Từ lớp 1-6 còn dễ vận động, lớp 7 trở lên các em đã lớn, có sức khỏe lao động nên thường bỏ học sớm để phụ giúp gia đình. Số ít đi làm thuê kiếm thêm thu nhập nên việc vận động gặp nhiều trở ngại.
Tuyết Ly
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065