Thấy cổng không khóa, tôi chạy xe máy thẳng vào sân nhà của già làng Điểu Lên ở thôn 1, xã Bình Minh (Bù Đăng). Già làng Điểu Lên đang nằm trên chiếc võng trước hiên nhà, thả hồn theo khói thuốc. Tôi cất giọng chào chú. Già làng Điểu Lên ngồi dậy, nheo mắt nhìn tôi từ đầu tới chân rồi mới mở lời: “Có việc gì mà nhà báo tìm đến đây?”.
VĂN VÕ SONG TOÀN
Già làng Điểu Lên pha trà, tiếp tôi trên bộ bàn được làm bằng gốc cây gõ đỏ chạm trổ khá công phu. Tay nâng chén trà, già làng Điểu Lên trầm tư nói. “Chú làm già làng đến nay đã 22 năm, bây giờ muốn nghỉ cho người khác làm. 15 tuổi, chú đã theo bộ đội chống Mỹ, chuyện về già làng chú biết cũng rất ít. Tất nhiên có một chuyện mà bất kỳ người con nào trong các buôn, sóc của người Xêtiêng cũng biết đến quyền uy của già làng trước đây là tục chém ma lai. Để làm được già làng, trước hết phải thật giỏi, phải có quyền uy, phải biết săn bắn, đánh cồng chiêng, tập hợp, bảo vệ và biết cách hướng dẫn mọi người trong cộng đồng chống lại thú dữ và tồn tại nơi đầu nguồn hay cuối suối...”
Nhà dài - một kiểu kiến trúc truyền thống của người Xêtiêng xưa, được già làng Điểu Đố (ảnh nhỏ) lưu giữ tại sóc Bù Môn, thị trấn Đức Phong (Bù Đăng)
QUYỀN UY MỘT THỜI
Cộng đồng người Xêtiêng chưa có chữ viết. Để quản lý tộc người của mình, trên mái nhà dài của già làng người Xêtiêng thường có những thanh tre gấp khúc với nhiều đoạn dài, ngắn khác nhau. Mỗi thanh tre đại diện cho một hộ gia đình. Mỗi đoạn trên thanh tre là một thành viên. Đoạn dài nhất của thanh tre là người trụ cột hoặc là người lớn nhất trong gia đình ấy. Mượn những vật dụng hết sức giản đơn và gần gũi đời sống thường ngày như thế, già làng có thể biết được số lượng từng thành viên lớn nhỏ trong buôn sóc.
Quyền uy tối thượng của già làng là được quyền chém ma lai và có quyền cho phép một người nào đó trong cộng đồng chém hoặc không chém ma lai. Theo người Xêtiêng, ma lai là những người cầm đến cần rượu thì cần rượu gãy làm đôi, cầm đến ly thì ly bể làm đôi, là những người thường xuất hiện trong những giấc mơ của người khác hoặc âm mưu giết người nhưng bị phát hiện.
|
Trong quan hệ ứng xử, già làng có quyền tiếp hoặc từ chối bất kỳ người lạ mặt nào bước vào buôn sóc. Để được già làng tiếp đón, khách phải biết hát hoặc đối đáp theo nội dung của già làng đưa ra. Khi đối đáp được, già làng sẽ đánh cồng chiêng để tiếp đón và người ấy được xem là vị khách chính thức của buôn sóc. Khi trao đổi kinh nghiệm làm ăn, phân chia lãnh thổ hoặc đối phó với thiên nhiên, già làng của những buôn sóc gần nhau thường có buổi nói chuyện thâu đêm suốt sáng. Sau những cuộc nói chuyện, hai bên cảm thấy tâm đầu ý hợp thì sẽ tổ chức lễ ăn thề để chia sẻ hoạn nạn có nhau. Nghi thức ăn thề thường có máu gà, máu trâu và rượu cần được ủ trong xà lung ít nhất hơn một năm. Trước khi ăn thề, hai người lấy dao côi tự cắt máu của mình hòa với máu trâu và rượu cần để uống. Sau khi ăn thề, các thành viên trong cộng đồng của hai buôn sóc cũng theo đó mà sống hòa hiếu.
Trong quan hệ vợ chồng, nếu người nào ngoại tình thì phải nộp phạt gấp đôi hay ít ra bằng tất cả số lượng lễ vật khi tổ chức lễ cưới. Các hình thức trộm cắp của cải trong cộng đồng tùy theo mức độ mà già làng có thể phạt gà, heo, tố, ché, xà lung hoặc trâu bò. Những khúc mắc giữa các thành viên trong cộng đồng cũng được già làng hòa giải.
Đông Kiểm
Bài 2: Già làng hôm nay
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065