Thể thao là thước đo sức khỏe
Liên hoan văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Bù Gia Mập lần thứ III, năm 2019, Thị Lành (1995) cùng các chị em trong gia đình sắp xếp công việc để tham gia liên hoan. Lành cho biết: “Em là con thứ 4 trong gia đình, chơi đều các môn thể thao nhưng thích nhất vẫn là bóng chuyền. Nhà em cách nhà văn hóa thôn chỉ 100m nên chiều nào mấy chị em cùng thanh niên trong thôn cũng ra sân chơi, cả nhà ai cũng đam mê thể thao”.
Thị Lành tự hào với hàng chục tấm huy chương các loại và khẳng định thể thao là “thước đo” sức khỏe
Nói về môn thể thao sở trường, Thị Lành vui vẻ cho biết, năm học lớp 8 (năm 2012), em được chọn vào đội tuyển của tỉnh tham gia hội khỏe Phù Đổng toàn quốc và đoạt huy chương vàng môn bóng chuyền. Những năm sau đó, em liên tục được chọn vào đội tuyển của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh tham gia các kỳ liên hoan khu vực Tây Nguyên, Đông Nam bộ và toàn quốc, lần nào cũng đạt thành tích cao. Chỉ tay lên hàng chục tấm huy chương đoạt được tại các kỳ liên hoan và đại hội thể dục thể thao các cấp, treo ngay ngắn trên tường, Thị Lành nói: “Mỗi lần được treo huy chương lên là một lần em thêm tự hào, phấn khởi, bởi chơi thể thao ngoài phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng, nó còn là thước đo sức khỏe”. Thị Lành cho rằng, để chơi tốt bóng chuyền, người chơi phải luyện tập các động tác kỹ thuật cơ bản: Phát, đỡ, nêu, đập, chắn... sau đó mới nâng cao các kỹ thuật phát bóng cao tay, bật nhảy cao tấn công, đập cắm bóng trong vạch 3m, kỹ thuật bỏ nhỏ, đánh xoáy, chiến lược... tất cả phải được tập luyện bài bản.
Trong số 5 chị em thì Thị Chờ (1992) chơi giỏi nhất. Thị Chờ cao 1,69m, tham gia liên tục các giải cấp tỉnh và từ năm 2007 là thành viên đội tuyển bóng chuyền nữ DTTS của tỉnh tham gia các giải cấp quốc gia. Dù thi đấu ở cấp nào, Thị Chờ cũng là “con chim đầu đàn” trong đội tuyển. Thị Chờ sôi nổi tiếp thêm câu chuyện: “Em có lợi thế về chiều cao nên thuận lợi ở vị trí tấn công (đập bóng). Mục tiêu của người đập là làm cho trái bóng lao xuống sân đối phương mà không thể ngăn chặn. Để có kết quả ấy thì mình phải chủ động thực hiện các bước chạy tạo đà nhảy và đập bóng. Làm được như vậy, cánh tay đập phải giơ cao hết mức trên đầu, dồn sức đập thẳng vào trái bóng. Người đập quạt mạnh cánh tay xuống, gập cổ tay, đồng thời gập cơ thể xuống để lái, nhồi bóng làm cho đối phương không thể đỡ được. Đây là những kỹ thuật chúng em được học rất bài bản tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh. Khi về xã em thường chỉ cho thanh niên chơi nên phong trào thể thao ở đây rất mạnh”. Thị Chờ cho biết thêm: “Giải đấu bóng chuyền nào được truyền hình trực tiếp, em đều sắp xếp công việc để xem. Năm 2017, Bình Phước tổ chức liên hoan văn hóa, thể thao các DTTS lần thứ V, khi đó em đang nuôi con nhỏ nên mang con đi theo. Vì quá mê bóng chuyền nên cho con ăn xong em lại vào thi đấu tiếp”.
Thúc đẩy thể thao phát triển
Từ nhiều năm qua, gia đình ông Điểu Lưng đã có những đóng góp tích cực cho phong trào thể thao của huyện, tỉnh. Các cơ sở đã và đang chuẩn bị cho liên hoan văn hóa, thể thao các DTTS cấp huyện, ngoài tuyển chọn vận động viên thành lập đội tuyển thi đấu cấp tỉnh, liên hoan còn nhằm mục đích phát triển rộng rãi phong trào luyện tập thể thao tại cơ sở. Hy vọng ngày càng có nhiều gia đình yêu thể thao như hộ ông Điểu Lưng, góp phần làm cho mục tiêu “Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” ngày càng lan tỏa. Ông Trần Công Thuấn, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Bù Gia Mập cho biết. |
Là thủ lĩnh của bóng chuyền nữ DTTS tại huyện, ông Điểu Lưng, cha của 5 cô con gái chơi bóng chuyền giỏi nổi tiếng ở Bù Gia Mập luôn theo sát các con trong từng trận đấu. Rất tự hào về gia đình và thành tích chung của bóng chuyền DTTS ở địa phương, ông Lưng trò chuyện: “Thấy các con đam mê và đều chơi giỏi môn bóng chuyền nên tôi bị cuốn theo lúc nào không biết. Các con được thi đấu ở Bình Phước hoặc Gia Lai, Đắk Lắk, tôi cũng đi theo để động viên. Qua đó tôi được thỏa đam mê và hiểu biết thêm về bóng chuyền. Tôi chủ yếu cổ vũ, ở cấp cơ sở thì ủng hộ kinh phí, hướng dẫn kỹ thuật để phong trào ngày càng phát triển”.
Với niềm đam mê thể thao và sự gắn bó trách nhiệm tại cơ sở, năm 2009, ông Điểu Lưng được Ban tổ chức giải bóng chuyền huyện Phước Long tặng danh hiệu “Chỉ đạo viên xuất sắc”; Thị Chờ được tặng danh hiệu “Cầu thủ chơi hay nhất giải”. Bên cạnh đó, 5 chị em (Thị Chờ, Thị Bình, Thị Lành, Thị Khơi, Thị Mem) còn được tặng nhiều huy chương ở các kỳ thi đấu cấp tỉnh, khu vực Tây Nguyên, Đông Nam bộ và cấp quốc gia. Năm 2016, gia đình ông Điểu Lưng vinh dự được Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng giấy khen vì có nhiều thành tích đóng góp trong việc xây dựng và phát triển phong trào thể dục thể thao cơ sở.
Quang Minh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065