Cả nhà cùng dạy học
Nói về cơ duyên đến với nghề giáo, thầy Hoàng Kim Thởi cho biết: “Hồi học cấp 2 ở quê huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, tôi rất thần tượng một người thầy giáo dạy Toán của tôi. Người thầy này làm gì cũng giỏi, đứng lớp dạy học trò giỏi, làm chủ nhiệm lớp giỏi rồi làm quản lý giáo dục cũng giỏi. Từ đó tôi thấy đam mê nghề giáo và quyết tâm học tập chăm chỉ để sau này làm thầy giáo”.
Vợ chồng thầy Hoàng Kim Thởi và con gái - cô giáo Hoàng Thị Tuyết
Thầy Thởi đi dạy học từ năm 1965, ở tuổi 20, qua nhiều chức vụ trong ngành giáo dục. Đến khi về hưu vào 2007, tổng cộng thầy có 41 năm thăng trầm với nghề, trong đó có 17 năm đứng lớp, 11 năm làm công tác tổ chức trong ngành, 13 năm làm hiệu trưởng.
Thầy Thởi kể: “Ngày xưa nghề giáo được xã hội rất quý trọng, nhưng không giàu có gì, thậm chí là nghèo. Có những năm tháng rất khó khăn, lương chỉ “cao hơn mặt đất”, tiền một tiết dạy tính ra không đủ mua ly đá chanh, nhiều bữa ăn cơm độn khoai lang, sắn, bo bo. Có khi 3 tháng mới được nhận lương, nhận xong lại đi trả nợ, vì trước đó đi mượn để trang trải, chi tiêu hằng ngày. Do đó cuộc sống cứ đắm đuối khó khăn. Giai đoạn khó khăn nhất với người thầy là từ năm 1984 đến 1990. Giai đoạn này rất nhiều người bỏ nghề để ra ngoài làm vì không đủ sống. Tôi chứng kiến nhiều đồng nghiệp chuyên môn rất giỏi, được học trò, phụ huynh rất kính trọng, quý mến nhưng đành bỏ nghề vì cuộc sống khó khăn. Và tôi rất thông cảm cho họ. Không ai muốn bỏ nghề, vì cuộc sống mà thôi”.
“Ngoài chuyên môn, kỹ năng tốt thì phải có lòng đam mê, nhiệt huyết, phải luôn thương yêu học trò, đặc biệt phải có lập trường vững chắc và kiên định với lý tưởng đã chọn. Tôi nghĩ, người thầy không chỉ đóng vai trò người truyền lửa, nhiệt huyết mà quan trọng là phải gieo được vào tâm hồn học trò niềm say mê, tự giác trong học tập, khát vọng vươn lên”.
Thầy Hoàng Kim Thởi
|
Gia đình thầy Thởi hầu hết theo ngành giáo dục. Vợ thầy - cô Lê Thị Diệu, nay 71 tuổi, cũng có hơn 35 năm gắn bó với ngành giáo dục cho đến khi về hưu, trong đó hơn 15 năm “gõ đầu trẻ”, còn lại làm công tác văn phòng ở các trường mầm non. “Tôi vẫn xem nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề. Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn nghề giáo” - cô Diệu tự hào.
Tiếp nối truyền thống, hai người con gái của vợ chồng thầy Thởi cũng chọn nghề giáo theo cha mẹ. Cô Hoàng Thị Thanh, 44 tuổi, hiện là Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Long Phú, xã Bù Nho, huyện Phú Riềng và cô Hoàng Thị Tuyết, 41 tuổi, hiện là Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Trương Vĩnh Ký, phường Long Phước, thị xã Phước Long. Cả hai cũng đã có hơn 20 năm theo ngành giáo dục. Ngoài hai người con, thầy Thời còn có 5 người cháu theo ngành giáo dục, hiện đang dạy học tại các trường học ở thị xã Phước Long và huyện Phú Riềng.
“Hồi nhỏ chị em tôi thường được cha mẹ chở theo đến trường học. Ở nhà hai người là cha mẹ nhưng đến lớp cha mẹ chúng tôi lại là thầy. Suốt những năm tháng ấy không chỉ gieo vào lòng chúng tôi niềm đam mê của nghề giáo mà còn tự hào về cha mẹ mình. Chúng tôi tự nhiên yêu nghề giáo từ khi nào không biết và rồi khi học xong trung học, chúng tôi tiếp bước nghề của cha mẹ” - Cô Hoàng Thị Thanh chia sẻ.
Những trăn trở
Điều mà thầy Thởi trăn trở về ngành giáo dục đó là hiện nay đạo đức học sinh nhiều lúc, nhiều nơi không còn được xem trọng, có khi xuống cấp. Hình ảnh người thầy trong cuộc sống dường như không còn được tôn trọng như trước đây.
“Ngày xưa gặp thầy từ xa là học trò khoanh tay cúi đầu chào lễ phép, còn giờ có những học trò gặp thầy giáo, cô giáo dạy mình mà thiếu đi cử chỉ này tôi cảm thấy hơi buồn. Tôi nghĩ câu “Tiên học lễ, hậu học văn” không thể được xem nhẹ” - thầy Thởi nói.
Vợ chồng thầy Hoàng Kim Thởi có cuộc sống an yên, hạnh phúc
Bên cạnh đó, công tác giáo dục - đào tạo còn nặng về lý thuyết, xa rời thực tế; dụng cụ, trang thiết bị, thời gian dành cho thực hành còn thiếu, còn ít. “Nhiều học trò sau khi tốt nghiệp ra trường vào cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức làm còn bỡ ngỡ, có khi không hoàn thành công việc được giao. Điều này do các em không được va chạm với cuộc sống, thiếu kỹ năng thực hành. Đây là điều quan trọng cần sớm được thay đổi” - thầy Thởi nói thêm.
Điều tâm đắc
“Mọi lúc, mọi thời, tôi nghĩ không quốc gia, dân tộc nào không chăm lo cho giáo dục. Ngay từ lúc vào nghề tôi luôn nghĩ lớp trẻ là tương lai của đất nước. Giờ tôi cảm thấy tự hào vì có nhiều học trò của tôi thành đạt và rất thành đạt trên nhiều lĩnh vực. Từ kiến thức, bầu nhiệt huyết, ngọn lửa do mình truyền đạt, nay nhiều em đảm đương những chức vụ quan trọng trong các cơ quan nhà nước hoặc làm chủ doanh nghiệp tạo ra công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động. Một điều tốt nữa là bây giờ lương của giáo viên đã được cải thiện nhiều, có thể an tâm dạy học” - thầy Thởi tâm đắc.
Một giờ lên lớp của cô Hoàng Thị Tuyết
Kết thúc buổi gặp gỡ, thầy Thởi nói: “Tôi nhớ mãi câu nói của Bác Hồ “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa” hay “…Những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”. Và rất thấm thía với câu nói của Thủ tướng Phạm Văn Đồng “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo”.
Thanh Liêm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065