1. Quê tôi-xã Giao Lâm, nay là thị trấn Quất Lâm, nằm ở cuối huyện Giao Thủy (Nam Định). Một vùng quê giàu tiềm năng; nhưng những năm chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, rồi những ngày dài của thời bao cấp, quê nghèo vẫn hoàn nghèo do cơ chế trói buộc. Dân quê thời ấy, nhà nào sắm được cái xe gắn máy được coi là “sự kiện” và là niềm mơ ước của biết bao gia đình. Khuôn mặt người dân nếp nhăn hằn lên sự lo toan nhiều hơn nụ cười.
Thời ấy, em gái tôi tuổi mới “mười sáu”, “mười bảy” cứ tầm 3 giờ sáng cùng với cái xe đạp bó lốp, chất lên đó chừng “bảy chục” cân muối, rồi cùng với đám bạn gò lưng lên tận mạn Hà Nam, Phủ Lý để đổi hàng. Đường sá thời ấy lổn nhổn đá hộc, mặt đường nham nhở, lở loét toàn hố với hục. Ngày nào sớm thì tối nhọ mặt người, ế hàng thì mãi tận khuya mới về đến nhà. Gái quê đang tuổi ăn, tuổi lớn cứ queo quắt lại vì kế mưu sinh; thất học, rồi đơn thân cũng từ cái nghèo, cái đói mà ra cả.
Một góc thị trấn Quất Lâm
Nhắc lại một vài kỷ niệm của thời gian khó, để thấy rằng mới chỉ hơn chục năm trời, một vùng quê nghèo khó, mà ở đó người dân suốt ngày cắm mặt xuống ruộng muối mặn đắng, giờ bỗng “lột xác” trở thành một vùng quê trù phú. Ở quê bây giờ nhà cấp 4 là “loại hiếm”, dáng dấp phố thị đã thay cho chòm xóm heo hút năm nào. Điện đường lung linh tỏa sáng, đường bê tông vào tận đến sân nhà.
Một trong những đổi thay diệu kỳ nhất đấy là việc thu, chi ngân sách ở địa phương. Dù có đầu óc phong phú đến mấy, cũng chẳng nghĩ ở vùng quê nghèo giờ đây, nói theo kiểu “hạch toán kinh tế”, lấy thu bù chi đã có lãi. Trong báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ thị trấn Quất Lâm khóa XX trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020 nêu: Tổng thu ngân sách 5 năm (2010-2015) là: 52.152.468.550 đồng. Bình quân trong nhiệm kỳ mỗi năm thu ngân sách đạt 10,4 tỷ đồng = 208% so với kế hoạch Đại hội lần thứ XX đề ra (5 tỷ). Tổng chi 5 năm là: 49.565.193.659 đồng đạt 198% kế hoạch.
Cái đói, cái nghèo giờ đã lùi vào dĩ vãng. Thu nhập bình quân đầu người ở quê tôi trong năm 2015 đã đạt 26 triệu đồng (tăng 1 triệu đồng so với chỉ tiêu Đại hội nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra). Hộ nghèo chỉ còn 3,82%; hộ cận nghèo còn 3,96%; số hộ có xe gắn máy, máy thu hình chiếm từ 97,6% đến 99%. Dân quê giờ dùng điện thoại di động là phổ biến, mẹ tôi ngoài “tám chục” các em cũng sắm cho cái “di động số to” để lúc nào nhớ con cháu ở xa là “a lô” nói chuyện; đã có tới 98% hộ dân sử dụng điện thoại cố định.
Công cuộc đổi mới đã biến vùng quê heo hút trở thành thị trấn sầm uất. Dân quê tôi xưa chỉ biết làm muối, đánh bắt hải sản và trồng mầu. Giờ đây cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch, mà biểu hiện rõ nhất là thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu hộ nông thôn theo hướng ngày càng tăng thêm các hộ làm công nghiệp, thương mại và dịch vụ; giảm dần số hộ làm ngư nghiệp, nông nghiệp, diêm nghiệp thuần túy. Ngành thương mại, dịch vụ du lịch đã chiếm tới 48% so với cơ cấu kinh tế ở địa phương. Giá trị kinh doanh ngành dịch vụ, du lịch năm 2014 đã đạt 70 tỷ đồng và năm 2015 ước đạt 80 tỷ đồng. Các ngành nghề khác đều có sự “chuyển mình” ngoạn mục.
Ngày xưa, nói ngày xưa vậy thôi chứ thực ra chỉ cách đây hơn chục năm, nghề biển quê tôi chủ yếu là đánh bắt quanh bờ bằng những phương tiện thủ công; giờ thì đã có hàng trăm phương tiện công suất lớn đánh bắt xa bờ, sản lượng khai thác hằng năm đạt hơn 7 nghìn tấn. Cái thời tôi mới bước vào tuổi “cập kê”, lương thực, thực phẩm đều trông chờ vào sự phân phối của Nhà nước, có bìa phiếu thịt phải là thân quen lắm cô mậu dịch viên mới bán cho cân thịt mỡ; ăn gạo phiếu, nên quanh năm suốt tháng chẳng biết hạt “cơm mới” là gì. Nay thì hằng năm quê tôi đã sản xuất ra cả nghìn tấn sản lượng mầu quy thóc và xấp xỉ 400 tấn thịt lợn hơi xuất chuồng… Bữa ăn ở quê bây giờ đã xa rồi cái thời “cơm đen vận túng”; sự no ấm, đủ đầy hân hoan trên khuôn mặt người dân.
2. Trong báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ thị trấn nhiệm kỳ 2015-2020 xác định: Phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trước năm 2020. Hàng loạt chỉ tiêu kinh tế, xã hội đã được đề ra nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ để sớm đưa thị trấn Quất Lâm trở thành đô thị loại 4.
Đây chính là điều bất ngờ đối với những người xa quê như tôi. Cách đây chưa lâu, những ngày nông nhàn hay những ngày biển động, trời mưa là những ngày người dân lo ngay ngáy “đứt bữa” vì không làm ra sản phẩm; cái khó càng khó hơn vì không có ngành nghề phụ. Nay trong nghị quyết xác định: Tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn chiếm 10% trong cơ cấu kinh tế. Đây là điểm mới và cũng là điểm sáng; xưa nay quê tôi chưa bao giờ nghe nói đến kinh tế nông trại, gia trại; thì nay mô hình ấy đã xuất hiện và đang dần từng bước được nhân rộng. Vai trò kinh tế hộ gia đình phát triển khá mạnh mẽ, những vườn tạp đã được cải tạo, thay vào đó là những giống cây trồng có hiệu quả kinh tế cao. Ngành nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm đang được định hình theo hướng công nghiệp; với định hướng như vậy, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 500 tấn/năm không phải chờ đến năm cuối nhiệm kỳ.
Cách đây chưa xa, dân quê cần sắm cái cuốc, lưỡi cày, hoặc những nông cụ, diêm, ngư cụ… phải lặn lội sang tận huyện bên mới có. Nay thì các cơ sở cơ khí ngay tại địa phương không chỉ đủ đáp ứng nhu cầu tại chỗ mà còn cung ứng cho các địa phương lân cận. Một số ngành nghề thu hút nhiều lao động như may, xây dựng, chế biến thủy hải sản... đã hình thành, có những cơ sở đã ổn định và phát triển thành doanh nghiệp tư nhân, giải quyết một lực lượng lao động đáng kể cho địa phương.
Bức tranh quê với những gam màu sáng lấp lánh no ấm hiển hiện trong từng mái nhà. Trong năm 2015 này, bình quân thu nhập đầu người ở quê tôi đã đạt 26 triệu đồng; thì đến năm 2020 phấn đấu cán mốc 37 triệu đồng/người/năm. Đây là một chỉ tiêu khá cao, nhưng là hiện thực và ở trong tầm tay-các anh lãnh đạo thị trấn nói với tôi như vậy. Với tốc độ phát triển và nâng giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha đất canh tác lên 195 triệu đồng/năm là chuyện “cổ tích” của ngay chính người dân quê. Chỉ cách đây vài năm, nói đến thu nhập năm-bảy chục triệu đồng/1ha, dân quê tôi “bó tay”. Vậy mà bây giờ, nhiều hộ gia đình còn đăng ký phấn đấu vượt chỉ tiêu ấy. Người dân quê “cả gan” làm những điều ngay bản thân mình ngày trước không tưởng, bởi vì họ đã được trang bị kiến thức và tự trang bị kiến thức khoa học, kỹ thuật nhờ công nghệ thông tin phát triển.
Với những nhận định khoa học và phát huy thế mạnh ở địa phương, Đảng bộ thị trấn đã đề ra chỉ tiêu, thu ngân sách đến năm 2020 đạt 20 tỷ đồng/năm, nghĩa là gấp đôi nhiệm kỳ trước. Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển văn hóa xã hội. Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phấn đấu tỷ lệ lên lớp của các khối hằng năm đạt 99% trở lên. Tỷ lệ tốt nghiệp cuối cấp đạt 100%. Các ngành học đạt tiên tiến xuất sắc. Giảm tỷ lệ sinh hằng năm 0,02%; giảm hộ nghèo đến năm 2020 còn 1,5% (theo tiêu chí mới).
Tôi tìm lại tuổi thơ tôi bên chân sóng, những cồn cát chạy dài ven biển ngày nào, mỗi khi đám trẻ chúng tôi muốn vượt qua để ra biển là phải chạy cho nhanh, nếu không muốn bị bỏng rộp đôi chân. Giờ đây thay vào đó là một khu du lịch sầm uất với hệ thống nhà hàng, khách sạn có 52 nhà nghỉ; 117 ki ốt với 897 phòng nghỉ đạt tiêu chuẩn, số khách về tham quan, nghỉ dưỡng hằng năm khoảng hơn 20 vạn lượt người. Trong một vài năm tới, dự kiến khu du lịch này sẽ thu về cho địa phương từ 90 đến 100 tỷ đồng mỗi năm.
Quả là một con số ấn tượng và mang nhiều ý nghĩa. Tôi tự hỏi, nếu không có thành quả của công cuộc đổi mới, không có sự đầu tư của Nhà nước, một vùng quê nghèo heo hút như quê tôi chưa biết đến bao giờ mới “nở mặt nở mày” như hôm nay. Tôi dõi theo bóng dáng trai thanh, gái tú dập dìu trên bãi biển; rồi lại thấy cả bóng dáng của “tiếp viên” nhà hàng có những biểu hiện khác lạ; rồi lại được nghe kể về mặt trái của khu du lịch này… mà thoáng giật mình về sự lây lan của tệ nạn xã hội đang xâm nhập về vùng quê vốn bao đời nay rất đỗi thanh bình.
Dù rằng trong báo cáo chính trị có nêu “Phát động mạnh mẽ phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, an ninh tuyến biển đăc biệt là khu nghỉ mát tắm biển. Tăng cường các biện pháp quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội gắn với phát triển kinh tế-xã hội. Thường xuyên tuyên truyền giáo dục pháp luật trong nhân dân…”. Nhưng theo tôi, như vậy là chưa đủ; cần phải có giải pháp đồng bộ và mạnh mẽ; phải tuyên chiến với “cái xấu”, “cái độc hại” để đẩy lùi tệ nạn xã hội ra khỏi địa phương.
Tôi chợt nhớ, khi nói chuyện với các vị lão thành cách mạng ở địa phương, các cụ đều nói rằng, quê tôi là cái nôi của phong trào cách mạng của huyện Giao Thủy, là nơi có chi bộ Đảng đầu tiên thành lập tháng 6-1930, là đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Các cụ bảo, cần phải giáo dục cho lớp trẻ hiện nay về truyền thống của quê hương; nhưng đến bây giờ, qua nhiều thế hệ cán bộ vẫn chưa làm được một việc giàu ý nghĩa, đấy là tìm ra đúng địa chỉ nơi chi bộ đảng đầu tiên của huyện ra đời để xây dựng thành khu di tích, là địa chỉ giáo dục cho thế hệ trẻ. Nhân ý kiến của các cụ, tôi cũng đề nghị với các đồng chí lãnh đạo hiện nay cần lưu tâm và sớm có kế hoạch phục dựng cả trận địa pháo 12,7mm, nơi mà dân quân địa phương đã bắn rơi máy bay giặc Mỹ trong những năm chiến tranh. Và nữa, cần sớm đề nghị với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định khẩn trương xác định những văn bản cổ hiện đang lưu giữ tại đền thờ Triệu Quang Phục. Theo tôi ngôi đền này hoàn toàn xứng đáng được công nhận là di sản văn hóa, dù ở cấp nào.
Mấy dòng ghi chép nơi chân sóng quê hương, vừa là cảm nhận, vừa là tiếng lòng và sự mong muốn một cuộc sống tốt đẹp hơn cả về vật chất và tinh thần cho người dân quê. Tôi xin ghi ra đây như một sự ngợi ca, cùng những đề nghị tâm huyết của người con xa xứ.
Nguồn QĐND
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065