Với 10 năm đam mê sưu tầm cổ vật, đến nay anh Nguyễn Phương Nam, giáo viên Trường THCS Tân Tiến, huyện Đồng Phú đã sở hữu gần 1.000 món đồ mà theo anh là rất quý giá.
Là giáo viên Âm nhạc nhưng anh có thêm nghề tay trái chụp hình. Sau 10 năm gắn bó với nghề, chiếc máy chụp hình bằng phim của anh đã hết thời. Trân trọng vì nó được mua bằng tiền học bổng cả năm của anh thời sinh viên, anh để nó vào một góc của giá sách, rảnh lại lấy ra lau chùi, ngắm nghía. Khác với anh, những người bạn là thợ chụp hình lại vứt xó, anh xin đem về và so sánh sự khác nhau về cấu tạo, nhà sản xuất, năm sản xuất và nghiệm ra rằng, đó là giá trị của mỗi chiếc máy chụp hình.
Anh Nguyễn Phương Nam nâng niu từng cổ vật đã sưu tầm được
Chỉ trong thời gian ngắn sưu tầm, anh đã có vài chục máy chụp hình. Từ niềm vui đó, anh Nam bắt đầu sưu tập thêm những cổ vật khác. Lặn lội từ Nam ra Bắc, anh mang vào chiếc cối xay bột bằng đá xanh, vài chiếc cân quả tạ, một số chén sứ mẻ ố màu. Nghe một người bạn ở tỉnh Ninh Thuận khoe, tìm được cái bình tích bằng đất nung khi đào móng làm nhà, anh Nam cũng tốn cả triệu tiền xe đến thăm bạn để mắt thấy, tay sờ và dĩ nhiên là anh bạn rất cảm động nên tặng luôn cho anh Nam.
Làm thêm nghề chụp hình nên anh Nam thường xuyên được đi đây đó, gặp đồ dùng gì có tuổi, anh Nam cũng tìm mọi cách “mục sở thị”. Những cổ vật làm bằng nhiều chất liệu khác nhau: gốm sứ, đồng, sắt, nhôm, đá, gang, gốc và rễ cây; có cả cổ vật xuất xứ từ nước ngoài và trong nước.
Theo anh Nam, giá trị của cổ vật được đánh giá bằng thứ tự các tiêu chí “nhất dáng, nhì da, tam toàn, tứ tuổi”. Dáng được xếp đầu tiên để khẳng định món đồ đó có đẹp, có giá trị thẩm mỹ cao hay bình thường. Da được xếp thứ hai để xem xét phần kỹ thuật, mỹ thuật tạo ra từ bố cục, hoa văn, họa tiết, nét chạm khắc... trên món đồ và đặc biệt là “nước men thời gian” được tạo ra tự nhiên trên bề mặt của cổ vật mà không do tác động của con người. Toàn xếp thứ ba để nói lên sự lành, vỡ, sứt mẻ, mất mảnh... của mỗi món đồ. Tuổi xếp cuối cùng nhằm xác định niên đại chế tác của món cổ vật. Ngoài 4 tiêu chí này, khi đánh giá chất lượng, giá trị của các cổ vật, còn chú ý tới hai tiêu chí nữa là “độc” tức độ hiếm và “thân phận” tức xuất xứ của ai, nơi nào đã sử dụng thời xa xưa?
Khi đã thẩm định đúng giá trị của cổ vật thì bằng mọi giá người chơi phải mua bằng được. Không chỉ sử dụng để trang trí mà nhiều cổ vật còn có ý nghĩa phong thủy như đồng tiền xu bát quái, kỳ lân, ngựa, thuyền buồm, rùa đầu rồng, tỳ hươu, cóc vàng ba chân... Anh Nam chia sẻ: “Cũng là con voi nhưng giá trị của nó ở chỗ tư thế đứng và trạng thái của cái vòi”. Với anh Nam, chơi cổ vật chính là để dưỡng tinh thần.
Bùi Văn Sơn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065