Thỏa thuận đạt được sau các cuộc đàm phán thâu đêm ở Brussels (Bỉ) trị giá 130 tỉ USD, theo nguồn tin của AFP. Athens cần khoản cứu trợ để tránh vỡ nợ vào tháng tới, khi phải trả các khoản nợ đáo hạn.
Đổi lại, Hy Lạp sẽ phải thực hiện việc điều chỉnh nợ không nhiều hơn 120,5% GDP (Tổng sản phẩm quốc nội) của nước này vào năm 2020, chỉ cao hơn một chút so với mục tiêu 120% được Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đặt ra trước đó.
Sau 5 năm suy thoái liên tục, nợ của Hy Lạp hiện tại ở mức hơn 160% GDP.
|
Thỏa thuận sẽ dẫn đến việc cắt giảm chi tiêu ngân sách mà Hy Lạp đã lên kế hoạch thực hiện, theo BBC. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các chủ nợ của Athens sẽ được trả ít tiền hơn.
Theo AFP, sau khi có tin tức về thỏa thuận, tỷ giá đồng euro đã tăng lên 1,3291 USD/euro từ mức 1,3185 USD/euro trước đó.
Theo BBC, các biện pháp khắc khổ tài chính liên tiếp mà chủ nợ quốc tế của Hy Lạp yêu cầu đã không thể phục hồi tăng trưởng và dẫn đến các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát nước này.
Chính phủ Hy Lạp đã sụp đổ vào năm ngoái sau khi cựu Thủ tướng George Papandreou kêu gọi trưng cầu dân ý về gói cứu trợ của eurozone.
Ông được thay thế bởi Lucas Papademos, một nhà kỹ trị dự kiến sẽ lãnh đạo Hy Lạp cho đến khi bầu cử quốc hội vào tháng 4.
Vào tuần trước, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua gói cắt giảm 3,3 tỉ USD ngân sách trong các lĩnh vực tiền lương và lương hưu, y tế và chi tiêu quốc phòng.
(Theo TNO)