Nghe câu này, chị thấy buồn cười. Khi đó, cả hai đều đang là sinh viên. Chị đã phân tích câu hỏi này một cách rất chữ nghĩa: “Còn” nghĩa là đã giảm dần, một tí xíu cũng đáng được gọi là còn. Từ “còn” khiến câu nói có hàm ý vớt vát, nhất là nó đi cùng động từ “thương” chứ không phải động từ “yêu”. Anh cười cười, không phản đối cách diễn giải của chị, nhưng cũng không thay đổi. Mỗi lần giận hờn, anh vẫn nói: “Em có còn thương anh không?”.
Ngày chị mới về làm dâu, chưa quen với gia đình bên chồng, đôi khi chị khóc thầm, trong phần dỗ dành của anh thế nào cũng có câu nói đó. Thật lòng, có khi nó khiến chị nổi cáu. Thương làm sao khi người ta đang chỉ muốn thoát ra.
Khi đã ra riêng, mỗi khi chị giận hờn, anh vẫn hỏi câu đó. Nếu đã hết giận, câu trả lời của chị là một cái lườm dài. Nếu vẫn còn giận, chị quay lưng lại và anh sẽ lăng xăng làm mọi việc, cứ như cơn giận của chị là vì anh lười việc nhà, rồi anh sẽ lặp lại câu hỏi cho tới khi nhận được cái lườm dài mới thôi.
Rồi không cần giận hờn làm lý do nữa, những khi vui vui, đang hôn lên tóc chị, đang lấy giùm chị cái mũ, hay vợ chồng đang ngồi trước ti vi, anh cũng bật hỏi: “Em có còn thương anh không?”. Trêu chọc anh, có khi anh chưa kịp nói thì chị đã vọt miệng: “Có còn thương anh không, phải không?”, cả hai vợ chồng cười vang.
Đứa con nhỏ tới tuổi tập nói thì anh có câu mới: “Con thương ba nhiều không?”. Chị phì cười nhận ra chồng mình rất... con nít. Anh là kỹ sư xây dựng, những khi cùng anh đi ngang qua tòa nhà do đội của anh thi công và nghe anh giải thích vì sao mái vòm như vậy, rồi hình dáng của tòa nhà có ý nghĩa gì, chị thấy tự hào về công trình của anh, thấy anh mạnh mẽ và là chỗ dựa vững vàng cho mình và con. Nhưng khi anh thốt những câu hỏi kia, chị thấy anh yếu đuối.
Có thể vậy không, rất mạnh mẽ và đồng thời rất yếu đuối, sợ một điều gì đó vô hình? Chị tự hỏi có phải mình đã vô ý tỏ ra điều gì khiến anh thấy hạnh phúc là mong manh?
Có lần chị vọt miệng trả lời một tiếng dứt khoát: “Không”. Là chị chỉ đùa thôi, nhưng vẻ mặt anh ngỡ ngàng đến nỗi chị hối hận vô cùng. Chị nhận ra câu hỏi đó không còn là câu hỏi nữa. Xuyên qua lớp vỏ ngôn ngữ, nó là thông điệp anh dành riêng cho chị, là câu tỏ tình anh dành cho tình yêu của mình.
***
Khi cu Tý nói sõi, câu ngọng nghịu “con thương ba nhiều lắm” đã được phát âm rõ ràng hơn thì anh có câu hỏi mới: “Con thương ba nhiều hơn hay thương má nhiều hơn?”.
Chị vừa buồn cười, vừa bực mình. Anh thường xuyên đi theo công trình xa nhà, việc dạy dỗ con giao cho chị. Cu Tý thích ngậm kẹo thì chị cấm, sợ sâu răng. Cu Tý thích chạy chân không ra đường thì chị bắt phải mang dép. Cu Tý thích ăn vặt hơn ăn cơm thì chị bắt phải ăn cơm. Cu Tý thích coi hoạt hình thì chị nhắc đã tới giờ ngủ...
Nhưng khi anh từ công trường về, mọi ý thích của cu Tý đều được đáp ứng với câu năn nỉ của anh: “Cho cha con anh được tùy ý một lần đi mà em”. Một lần đó thường xuyên được lặp lại mỗi khi anh về nhà, nếu chị có phản đối thì nó cũng sẽ được thực hiện sau lưng chị, khi chị đi chợ chẳng hạn. Vậy nên, dĩ nhiên trả lời cho câu hỏi “Con thương má nhiều hơn hay thương ba nhiều hơn” luôn là “Thương ba nhiều hơn”. Nói xong, cu Tý chờ đợi chị phì cười để lặp lại một lần nữa, thật to: “Con thương ba nhiều hơn”.
***
Năm mới, công ty sắp xếp lại nhân sự, chị lên chức trợ lý cho sếp, thành ra hay tháp tùng sếp đi công tác xa. Mỗi chuyến đi, chị sắp xếp gửi cu Tý cho bà ngoại. Bây giờ thì chị cũng như chồng, hay nói chuyện với con qua điện thoại vào buổi tối. Bình thường thì không sao, nhưng khi nghe tiếng ho của cu Tý và giọng trả lời nghèn nghẹt: “Con nói chuyện đau cổ họng quá má ơi”, chị thấy như mình có lỗi vì không ở bên cạnh con trong lúc này.
Biết là có bà ngoại chăm sóc chu đáo, nhưng chị vẫn dặn dò con đủ thứ, rồi chị buột miệng: “Má nhớ con lắm, con có nhớ má không?”. Bên kia đầu dây im lặng, là cu Tý giận vì mình bị bệnh mà má đi lâu quá chưa về. Chị lặp lại câu hỏi, bên kia đầu dây vẫn nín thinh, rồi tiếng ống nghe đặt xuống, khiến trái tim chị thắt lại.
Chị hiểu ra vì sao anh muốn được nghe một tiếng “Có”.
Nhớ con, mất ngủ, chị gọi điện thoại cho anh. Lần đầu tiên chị hỏi mà không trêu chọc: “Anh có còn thương em không?”. Anh không trả lời mà hỏi lại đầy lo lắng: “Em sao vậy?”.
Nguồn PNO
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065