Nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT cần lắng nghe ý kiến của học sinh khi lựa chọn phương án cho một kỳ thi quốc gia. Trong ảnh: Học sinh lớp 12 Trường THPT Hùng Vương, Q.5, TP.HCM
Với tư cách một học sinh, em muốn nêu lên vài ý kiến của mình về sự thay đổi này.
Phương án 1 làm khó thí sinh
Không thể không học lệch Em chọn thi A1 và D1 nên từ năm lớp 10 đã chỉ tập trung vào toán, lý, văn, Anh. Trường em cũng tăng tiết để phù hợp với nhu cầu thi của từng lớp. Mọi người có thể trách chúng em, bản thân em cũng biết việc học như vậy là sai, nhưng thật sự không thể không học lệch. Kiến thức ở chương trình THPT quá nặng và không phù hợp, nhiều nội dung không thể ứng dụng và rất hàn lâm, trong khi độ khó của đề thi ĐH là một vấn đề. |
Theo em, trong ba phương án mà Bộ GD-ĐT đưa ra, nếu xét trên thực tế việc học các môn của học sinh THPT hiện nay, thì không có phương án nào khả thi cả. Phương án đầu tiên thi theo môn có vẻ là phương án dễ chấp nhận hơn cả.
Tuy nhiên, như rất nhiều người đã nhắc đến trước đây, vướng mắc của phương án này nằm ở việc thi môn ngoại ngữ bắt buộc, mà cụ thể là tiếng Anh. Một số ý kiến cho rằng việc thi ngoại ngữ là thiếu công bằng bởi sự chênh lệch cơ sở vật chất giữa các vùng miền, địa phương.
Điều này đã được thể hiện rõ ràng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi khi một số hội đồng chỉ có vỏn vẹn một thí sinh thi môn ngoại ngữ.
Nếu như đề án thi là gồm phần nghe, nói, đọc và viết thì quả thật những học sinh ở nông thôn, vùng sâu vùng xa đã bị bỏ quên khi bộ đề xuất phương án.
Việc thi ba môn bắt buộc là toán, văn và tiếng Anh còn tạo ra một vấn đề: những người thi khối D như em rõ ràng có một lợi thế rất lớn, nhưng với những người thi khối A, B liệu có bình đẳng khi họ không hề chú trọng tiếng Anh hay ngữ văn?
Giả sử với một học sinh thi khối A1 và D, theo phương án của bộ, em chỉ cần chọn thêm một môn thi nữa. Hiển nhiên em sẽ chọn vật lý. Nhưng với bạn em, một học sinh khối A, thì bạn chỉ có thể chọn hóa hoặc lý.
Trong bốn môn thi có tới một nửa số môn bạn không hề chú trọng, liệu như vậy có đánh giá được thực chất học lực? Với bạn thi khối C, tương tự, bạn chỉ có thể chọn sử hoặc địa...
Phương án này rõ ràng làm khó phần lớn học sinh.
Chưa hình dung đề thi sẽ ra sao
Về phương án 2 và 3, thi theo bài lại càng khó chấp nhận. Liệu có phải quá ôm đồm khi gom lý, hóa, sinh vào khoa học tự nhiên và sử, địa vào khoa học xã hội không? Em vẫn chưa nghĩ ra, các bài thi này sẽ ra sao: gồm các phần riêng biệt cho từng môn hay buộc học sinh phải vận dụng nhuần nhuyễn các môn để trả lời câu hỏi?
Các môn này từ nhiều năm nay được giảng dạy riêng biệt, nếu tích hợp lại e rằng lượng kiến thức quá nhiều. Hơn nữa, cấu trúc chương trình trong sách giáo khoa nước ta làm cho các môn học tưởng chừng cùng một “thuyền” lại không hề liên quan gì tới nhau cả.
Đơn cử như năm lớp 10, trong khi môn hóa em được dạy về cấu tạo nguyên tử, cấu hình electron thì vật lý lại là cơ học và ở sinh học là di truyền học. Sang năm 11 môn vật lý lại nói về nguyên tử.
Sự so le kiến thức khiến việc tổng hợp kiến thức một cách nhất quán để làm bài thi này không hề dễ dàng. Tương tự với bài thi khoa học xã hội, lịch sử và địa lý không hề liên quan với nhau.
Hơn nữa, theo em, với chương trình địa lý hiện nay, việc phân vào khoa học xã hội có phần không phù hợp. Các nội dung như địa lý trái đất, thổ nhưỡng, địa hình có lẽ gần hơn với khoa học tự nhiên...
Một câu hỏi nữa em nghĩ cần được giải đáp là độ khó của đề như thế nào? Kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi ĐH ở nước ta hiện nay đang tồn tại một khoảng cách rất lớn. Sử dụng kết quả thi để xét tốt nghiệp và ĐH liệu có ổn thỏa?
Đề thi có thể quá khó với mục đích kiểm tra tốt nghiệp, hoặc quá đại trà để xét vào ĐH, CĐ.
Nếu phải chọn giữa ba phương án của bộ, em xin được mạn phép... chọn phương án 0, tức là bỏ thi tốt nghiệp và vẫn giữ kỳ thi ĐH. Lý do thì nhiều người đã nhắc tới rồi, em nghĩ mình không cần phải lặp lại.
Bộ Giáo dục - đào tạo nên tham khảo ý kiến của học sinh và giáo viên, cũng như các trường đại học, chính các thành phần này mới là người hiểu rõ nhất về những tác động của đề án.
Đồng thời, bộ nên xem xét cách thức thực hiện kỳ thi quốc gia ở các nước khác để điều chỉnh phương án đã đưa ra. Ít nhất thì hãy duy trì kỳ thi ĐH cho tới khi lớp học sinh sinh năm 1999 thi xong, để chúng em có thể không bị chới với vì đổi mới và các em khóa sau có thời gian thích nghi.
Nên thay đổi sách giáo khoa Một kỳ thi là để đánh giá quá trình đào tạo, nó phải tương thích với thực tế trong nhà trường chứ cớ sao lại bắt học sinh và giáo viên phải thay đổi theo phương án thi? Thành thật mà nói, chương trình giáo khoa hiện nay không phù hợp với phương hướng thi mà bộ muốn nhắm tới. Kiến thức quá nặng và thiếu thực tiễn, thiếu tính ứng dụng, sách giáo khoa không có sự liên kết giữa các môn và giữa các khối lớp, phân phối chương trình chưa hợp lý, không khuyến khích được sự tự lập trong suy nghĩ cho học sinh. Nếu muốn cải cách thì nên thay đổi từ sách giáo khoa, chứ không phải cách thức thi ĐH. |
Nguồn TTO
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065