Vỡ nợ
Trước khi mở đại lý thu mua nông sản, chị là giáo viên cấp 1. Cuộc sống của người làm nghề “đưa đò” những năm 80, 90 của thế kỷ XX rất khó khăn. Không bám trụ nổi bởi 5 miệng ăn trong gia đình chỉ trông chờ vào số tiền lương ít ỏi, chị tính đến con đường khác. Bấy giờ, cây hồ tiêu, điều được nông dân trồng nhiều và đang là loại nông sản có giá trị. Nhận thấy cơ hội có thể cải thiện kinh tế gia đình nên chị quyết định mở đại lý thu mua nông sản.
Chị Nguyễn Thị Huệ (phải) từ khi trở về hòa nhập cộng đồng luôn được sự động viên, hỗ trợ từ các hội, đoàn thể nên tự tin hơn trong cuộc sống
Việc làm ăn thuận lợi, chị ngày càng có nhiều bạn hàng. Từ đó lượng hàng trao đổi trong ngày cũng lớn hơn và vượt so với số vốn chị có. Những người thu mua nhỏ đến bán hàng chị phải trả tiền đầy đủ, trong khi chị xuất hàng cho đại lý lớn thì họ không trả ngay mà hẹn nợ. Dần dà số vốn xoay vòng bị đứt nên chị lao vào con đường tín dụng đen. Đến khi không còn khả năng chi trả thì vỡ nợ hơn 2,4 tỷ đồng vào năm 2003.
Trong 10 năm buôn bán, cuộc sống gia đình khấm khá hẳn lên nhưng chị lại mắc một sai lầm là vốn ít lại muốn nhanh chóng mở rộng quy mô nên đổ nợ. Ngoài toàn bộ tài sản gây dựng trong bao năm bị hóa giá, gia đình chị như một tổ chim tan tác sau cơn bão. 17 năm tù là mức án dành cho chị, con trai đầu vướng vào nghiện ngập bị đưa đi cải tạo 7 năm, con trai út phải gửi về nhà nội, ngoại, chú dì luân phiên chăm sóc. Chồng chị tuy làm lụng vất vả để nuôi con, thăm vợ nhưng cuộc sống không còn dễ dàng khi thường xuyên chịu lời khó nghe của thiên hạ và đến năm 2007, anh phải dẫn con trai thứ hai về nhà mẹ nuôi ở.
“Không có con đường nào để trở về cuộc sống cộng đồng bằng cải tạo và lao động tốt - câu nói của cán bộ trại giam là động lực để tôi phấn đấu, vì trước mắt tôi lúc nào cũng là hình ảnh gia đình” - chị Huệ ngậm ngùi. Thời gian đầu hầu như tháng nào chồng chị cũng thăm nuôi vợ. Mỗi lần như vậy chị không chỉ nhận được chút quà của người thân mà hơn thế anh đã mang vào cho chị niềm tin, niềm hy vọng để vượt qua nỗi khổ cực của những ngày không còn tự do. Chỉ cần một lời động viên, một lời cam kết “Anh và các con vẫn chờ em” là chị được truyền một luồng sinh khí mới để nỗ lực cải tạo tốt.
Điểm tựa người thân và cộng đồng
“Tôi vốn không quen làm lụng vất vả. Bao nhiêu năm không cầm đến cây cuốc, không chạm đến cây cỏ. Khi vào trại, việc nặng, việc nhẹ đều phải làm. Thời gian đầu tôi tưởng mình không thể vượt qua. Song cán bộ trại giam sâu sát, luôn động viên, hướng tôi về gia đình vì biết đó là nơi tôi mong mỏi nhất. Ngày qua ngày, mọi thứ trở thành quen, tôi lao động tốt, chấp hành nghiêm quy tắc nên được phân công làm buồng trưởng, rồi đội trưởng” - chị Huệ nhớ lại những ngày tháng cải tạo.
“Khi được tin tưởng giao việc thì lại thấy mình còn có ích - ít nhất là trong không gian nhỏ bé đó. Tôi đã cố gắng làm tốt, từ động viên tinh thần đến hướng dẫn người mới vào lao động. Có những người giống mình. Cuộc sống bên ngoài đang sung sướng, giờ phải làm việc chân tay thì không biết bắt đầu từ đâu. Nếu mặc kệ thì họ sẽ sinh ra chán nản, tiêu cực... Trong những năm thụ án, tôi chứng kiến có người chỉ mới được tự do tháng trước, tháng sau lại vào trại. Đó là họ không tu tâm dưỡng tính tốt. Tôi nhìn những gương ấy mà tự nhủ lòng cũng như nhắc nhở mọi người phải biết quý trọng sự tự do, đừng bao giờ lầm lạc một lần nữa” - chị Huệ cho biết.
Lúc thụ án chị đã 46 tuổi, đúng hạn 63 tuổi chị mới được tự do. Biết lúc đó cuộc sống bên ngoài đã xoay vần thế nào? Ở trong tù được 5-6 năm, chồng chị không còn vào thăm nuôi nữa. Chị không biết cuộc sống của anh ra sao, đã có gia đình mới hay chưa... Chị tự nhủ, nếu anh có gia đình mới thì cũng không thể trách được, song phần chị sau này sẽ thế nào nếu được tự do mà không còn hạnh phúc. Mặc dù các con có thăm nuôi song lòng chị vẫn thấy trống trải, mong ước tự do thôi thúc càng mạnh mẽ.
Sau 11 năm 6 tháng, niềm vui khôn xiết khi chị được giảm án và càng vui hơn được anh và các con đón trở về nhà. “Như một giấc mơ” là lời chị nói với anh và các con trong ngày đoàn viên. Có lúc chị hỏi anh sao không vào thăm chị nữa, anh trả lời: “Để cho các con có trách nhiệm với mẹ”. “Bây giờ giàu, nghèo không còn là vấn đề, quan trọng là được sống với những người thân yêu, sống tự do là tôi mãn nguyện rồi” - chị Huệ chia sẻ.
Hiện anh chị sống với người con trai út đã trưởng thành và có công việc ổn định. 2 con trai đầu đã lập gia đình sống ở huyện Chơn Thành. Anh chị sống trên mảnh đất 2 sào mẹ nuôi để lại. Trong vườn trồng một ít điều, chuối, chăn nuôi gà. Cuộc sống tằn tiện nên chị được các hội đoàn thể quan tâm tạo điều kiện vay vốn cải tạo vườn. Hội phụ nữ phường, thị xã thường xuyên thăm hỏi, động viên, hàng xóm không kỳ thị. “Sự giúp đỡ của mọi người là niềm hạnh phúc lớn lao đối với gia đình tôi. Tôi sẽ cố gắng sống thật tốt để không phụ ân tình đó” - chị Huệ hứa với mình!
Hồng Cúc
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065