Ngày 19-5-1959, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (sau đổi tên là Đoàn 559), có nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng hóa, tổ chức đưa đón bộ đội, cán bộ từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc. Tiếp đó, tháng 7-1959, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Tiểu đoàn Vận tải thủy 603, có nhiệm vụ mở đường trên biển vận chuyển vũ khí, hàng hóa và con người chi viện cho miền Nam. Để giữ bí mật, tiểu đoàn hoạt động dưới tên gọi “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”.
Những ngày đầu hoạt động trong điều kiện khó khăn, ác liệt lại chưa có kinh nghiệm và hiểu biết nhiều về tình hình cụ thể tại các tỉnh duyên hải phía Nam, nên chuyến vượt biển đầu tiên bằng thuyền buồm của Tiểu đoàn 603 không thành công. Tiểu đoàn 603 phải tạm ngừng hoạt động trên biển để tìm giải pháp và phương thức vận chuyển phù hợp.
Sau quá trình nghiên cứu, thử nghiệm và chuẩn bị về mọi mặt, ngày 23-10-1961, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đoàn Vận tải biển 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân (với tên gọi “Đoàn tàu không số”) đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Quốc phòng. Sự ra đời của Đoàn 759 cùng với việc khai thông tuyến chi viện chiến lược Bắc - Nam trên biển là sự kiện hết sức có ý nghĩa. Từ đây, các địa phương ven biển miền Nam, chiến trường Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ (B2) đã nhận được sự chi viện trực tiếp của miền Bắc, tạo nên sức mạnh và niềm tin to lớn cho các lực lượng vũ trang trên chiến trường miền Nam.
Một trong những chiếc tàu của Đoàn tàu không số vượt đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh tư liệu. |
Cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, khi con đường chi viện trên bộ chưa thể vươn tới các chiến trường xa, sâu trong vùng địch chiếm đóng. Tháng 8-1962, Quân ủy Trung ương quyết định mở đợt vận chuyển vũ khí vào Nam. Đêm 11-10-1962 chiếc tàu gỗ gắn máy đầu tiên của Đoàn 759 do đồng chí Lê Văn Một, Thuyền trưởng và đồng chí Bông Văn Dĩa, Bí thư chi bộ chở hơn 30 tấn vũ khí đầu tiên bí mật rời bến K15 Đồ Sơn (Hải Phòng). Sau 9 ngày vượt biển, con tàu cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn đánh dấu một sự kiện quan trọng- "đường Hồ Chí Minh trên biển" đã được khai thông.
Tháng 8-1963, Đoàn 759 được giao cho Quân chủng Hải quân phụ trách và trực tiếp đảm đương nhiệm vụ vận chuyển, chi viện đường biển cho các chiến trường miền Nam. Ngày 24-1-1964, Đoàn 759 phát triển thành Lữ đoàn 125 Hải quân. Trong hơn 3 năm hoạt động (1962-1965), Đường Hồ Chí Minh trên biển đã chi viện cho các tỉnh ven biển thuộc chiến trường Khu 5, Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ 89 chuyến tàu, với gần 5.000 tấn vật chất, chủ yếu là vũ khí, đạn dược.
Sau sự kiện tàu C143 bị địch phát hiện tại Vũng Rô (Phú Yên, tháng 2-1965), địch tăng cường hoạt động tuần tiễu ngăn chặn, chống xâm nhập. Đoàn 125 phải chuyển hướng hoạt động, sử dụng các đội tàu đi theo đường hàng hải quốc tế và bí mật bất ngờ đột nhập, đưa hàng vào các bến tiếp nhận. Tháng 2-1968, do sự ngăn chặn, chống xâm nhập của địch ngày càng gay gắt, Đường Hồ Chí Minh trên biển phải tạm dừng hoạt động. Trong 4 năm (1965-1968), Đoàn 125 đã tổ chức 27 chuyến tàu, trong đó chỉ có 7 chuyến tàu tới đích, giao được hơn 400 tấn hàng quân sự cho các chiến trường.
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, tận dụng thời điểm không quân Mỹ tạm ngừng ném bom miền Bắc, Đoàn 125 vận chuyển được một khối lượng hàng lớn tới các địa điểm vùng giới tuyến, sau đó Đoàn 559 vận chuyển bằng đường bộ vào chiến trường miền Nam. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu vũ khí, đạn dược ngày càng tăng cho chiến trường miền Nam, ta còn tổ chức vận chuyển hàng viện trợ quân sự của các nước anh em bằng tàu biển quốc tế, quá cảnh qua cảng Xi-ha-núc Vin (Cam-pu-chia). Bằng cách này, Đoàn 125 đã đưa vào chiến trường miền Nam hơn 90.000 tấn hàng hóa, trong đó có hơn 20.000 tấn vũ khí, đạn dược.
Từ cuối năm 1970, tuyến đường vận chuyển qua cảng Xi-ha-núc Vin bị cắt đứt, Đoàn 125 đã chủ động tìm đường vận chuyển mới bằng cách men theo phía đông các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đến vùng biển đông bắc Malaixia, qua Vịnh Thái Lan, khu vực quần đảo Nam Du để đưa tầu cập bến. Tuy phải đi vòng rất xa và phải đối mặt với bao thách thức, cam go, nhưng bằng con đường này, Đoàn 125 đã giao được 301 tấn vũ khí, đạn dược cho Nam bộ và cực nam Trung Bộ. Đây là một cố gắng lớn của Đoàn 125 trong điều kiện địch tăng cường bao vây, ngăn chặn và đánh phá ác liệt.
Hiệp định Pa-ri được ký kết (năm 1973), thực hiện sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đoàn 125 tạm dừng nhiệm vụ vận chuyển, chi viện trực tiếp cho các chiến trường miền Nam. Đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975, các đội tàu của Đoàn 125 lại tiếp tục vận chuyển vật chất, cơ động lực lượng phục vụ cho việc giải phóng các tỉnh và các đảo ven biển miền Nam.
Bia di tích Đoàn tàu không số tại Vũng Rô |
Đường Hồ Chí Minh trên biển đã hoàn thành trọn vẹn và đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của toàn dân tộc, đánh cho Mĩ cút, đánh cho ngụy nhào, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Từ 1961 đến 1975, Đoàn 125 đã huy động được 1.879 lượt tàu thuyền, vận chuyển 152.876 tấn vũ khí trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh, 80.026 cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vào miền Nam, chiến đấu hàng trăm trận với máy bay, tàu chiến của Mỹ và quân đội ngụy Sài Gòn.
Cùng với Đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển là sự kế thừa và phát triển lên tầm cao mới truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, đồng thời vừa là sự sáng tạo độc đáo, tạo nên những giá trị nghệ thuật quân sự đặc sắc trong những thời điểm khó khăn, gian khổ, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến, trở thành biểu tượng của ý chí giải phóng dân tộc- huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta.
Thời gian sẽ qua đi, nhưng huyền thoại về Đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn mãi mãi ngời sáng trong trang sử oanh liệt của dân tộc ta như một thiên anh hùng ca bất tử, tô thắm truyền thống đánh giặc, giữ nước của dân tộc, quân đội ta.
Nguồn QĐND
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065