Duyên dáng nhưng cũng đầy thử thách và thậm chí là nguy hiểm, những con đèo trên dải đất hình chữ S luôn gợi lên niềm đam mê với “bước chân giang hồ” của những người yêu thú ngao du, khám phá. Những con đèo bám vào núi, “đón gió gọi trăng”, sương giăng mây phủ…
Khau Phạ - “cung đường lúa”
Thuộc “cung đường lúa” huyền thoại Tú Lệ - Mù Cang Chải - Sa Pa, đèo Khau Phạ được cho là con đèo hiểm trở và dài nhất trên tuyến quốc lộ 32, kéo dài khoảng hơn 30km, ở độ cao từ 1.200m - 1.500m so với mực nước biển. Đèo thuộc “đồng sở hữu” của hai huyện Văn Chấn và Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái).
Từ trên đỉnh đèo Khau Phạ nhìn xuống mới thấy hết vẻ đẹp của cánh đồng Cao Phạ vàng óng và mượt mà giăng nên một tấm thảm lúa đang vào vụ gặt. Nếu lấy Khau Phạ là trung tâm, thì trong vòng bán kính chừng 5km thực sự là thiên đường của đồng lúa, đẹp bốn mùa, cho dù đang độ thời vụ, hay bàng bạc gốc rạ, hoặc thê lương của đất mới cày xới.
Sóng lúa Khau Phạ. |
Với những người đã quen và đã yêu cung đường này, vào mùa nào cũng có cái hay, nhưng đẹp nhất vẫn là dịp lúa chớm và vào mùa thu hoạch. Khi ấy, lúa chưa chín đều, nên các sắc thái vàng cũng khác nhau, cho những tay máy thả sức thu vào ống kính những đường cong kỳ ảo của ruộng bậc thang cứ uốn lượn, xếp chồng, lan mãi trong nắng chiều đắm đuối.
Ô Quý Hồ - thử thách những “tay lái lụa”
Vượt qua Khau Phạ, bỏ lại Mù Cang Chải để theo quốc lộ 32 du khách hướng về Lai Châu. Qua ngã ba Bình Lư, rẽ về phía tay phải là chạm tới Ô Quý Hồ. Đây là con đèo dài nhất miền Tây Bắc, đồng thời là tuyến đường huyết mạch nối giữa Tam Đường (Lai Châu) với Sapa (Lào Cai). Cung đường đèo hiểm hóc, ngoằn ngoèo này cũng được nhiều “tay lái lụa” hâm mộ vì tha hồ thể hiện những đường cua hay thả dốc đầy mạo hiểm.
Ô Quý Hồ đủ làm ngỡ ngàng những người đã từng qua lại nơi đây, với những trạng thái khác nhau: Sáng nắng vàng, trời ấm, trưa trời lại “xua” từng đám mây mù chụp xuống toàn bộ đỉnh đèo, chiều sập tối rất nhanh khiến những tay lái ham chơi, tụt tạt dọc đường “trở tay không kịp”… Và như vậy, du khách cứ chuẩn bị tinh thần bật đèn cốt, lầm lũi nối đuôi nhau mà leo dốc, ôm cua, xuyên qua vùng tối hiểm hóc của mây và bóng cây đại ngàn… Chạy được vài kilômét đầy căng thẳng, du khách bắt đầu thả dốc, bỏ lại mây và gió sau lưng để nghỉ chân ở những quán cóc bên chân Thác Bạc, quây quần bên bếp lửa hơ tay, dằn bụng bằng trứng nướng, khoai nướng và chén trà đặc ấm lòng. Chỉ cách chừng khoảng 10km, Sapa đã vẫy gọi…
Làng Mô- con đường mây trắng
Bỏ lại Tam Đường du khách đến với một “Sapa thứ hai của Tây Bắc”- Sìn Hồ. Từ đó, có thể qua đèo Làng Mô, lặn lội vào Mường Lay...
Làng Mô - Con đường mây trắng . |
Điệp khúc mưa, sương mù, gió lạnh lại được dịp tấu lên trên suốt chặng đường hơn 80km từ Tam Đường qua thị xã Lai Châu, rồi trung tâm thị trấn Sìn Hồ, trước khi đặt chân đến đỉnh đèo Làng Mô. “Bữa tiệc thị giác” được bày ra mà khó tìm được ngôn từ nào cô đọng hơn để mô tả dải thung lũng mênh mang đầy mây ngoài “con đường mây trắng”.
Mây trắng trời xa, tưởng thưởng cho những ai vất vả với chuyến đi dài bằng việc thưởng ngoạn bức tranh đầy ngẫu hứng. Mây len lỏi giữa các thung lũng được xếp lớp, mây lãng đãng trên những khoảng ruộng bậc thang và con đường quanh co dốc. Một bầu không khí tĩnh lặng như cô đặc thời gian lại, khiến những ai đặt chân đến nơi này bỏ quên hết suy tư và mệt nhọc dặm trường.
Nếu có dịp tới Sìn Hồ, trước khi vượt đèo Làng Mô sang Điện Biên, men theo tỉnh lộ 129, chúng ta sẽ có 60km đường đèo ấn tượng không kém “con đường mây trắng”. Cung đường ấy có lúc mở ra một không gian mênh mông, có lúc thu gọn lại ở khúc cua tay áo, thi thoảng du khách lại bắt gặp từng thân cây cao trơ trọi điểm xuyết bằng những bông hoa thân leo lạ mắt. Bên cung đường ấy còn có những nếp nhà nhỏ, nằm ngay ven đường, vào những ngày đẹp trời sát phiên chợ cuối tuần, thiếu nữ Sìn Hồ ngồi đạp máy khâu trên khoảng sân trước hiên nhà thật thơ mộng.
Thong dong Thung Khe (Hòa Bình)
So với những con đèo trên, Thung Khe không phải là một thử thách, nhưng nó gây ấn tượng với du khách bởi những cung dài uốn lượn giữa màu trắng xóa của núi đá vôi. Độ xuân sang, dải đèo Thung Nhuối- Thung Khe trở nên đặc biệt hơn bất cứ mùa nào trong năm. Những vườn mận khai hoa dưới vườn nhà ven đường, đào lơ thơ trong gió. Giữa mênh mông trời đất được nhấm nháp vài bắp ngô mới luộc, vài ngụm nước luộc ngô làm dịu lại cái họng khô bên khu lều trên đèo thì không gì tuyệt hơn.
Một nét Thung Khe. |
Và cứ như vậy, du khách có dịp thong dong để hoài niệm những cung đường Tây Bắc trước khi trở lại nhịp sống thường nhật của chính mình.
(Theo Baotintuc.vn)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065