>> Dương Chí Dũng xin được đối chất với giám đốc công ty AP
>> Vợ bị cáo Trần Hải Sơn bán nhà để khắc phục hậu quả
>> “Hành trình” của Dương Chí Dũng
>> Dương Chí Dũng “đào tẩu” sau cuộc điện thoại “mật báo”
>> Đề nghị tử hình Dương Chí Dũng
>>Cựu Chủ tịch Dương Chí Dũng - TGĐ Mai Văn Phúc “đấu khẩu” nảy lửa
>> Xét xử đại án Dương Chí Dũng
>> Truy tố Dương Chí Dũng về tội tham ô
>> Đề nghị truy tố 7 bị can tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài
Chiều 16-12, sau ba ngày xét xử, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên án đối với 10 bị cáo trong đại án tham nhũng tại Vinalines. Hội đồng xét xử đã tuyên án tử hình đối với Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc.
Khi hai án tử hình được tuyên, phòng xử vang lên tiếng gào khóc thảm thiết của người nhà các bị cáo. Riêng hai bị cáo Dũng và Phúc vẫn giữ nét mặt bình tĩnh nghe tòa tuyên án với các bị cáo tiếp theo.
Theo hội đồng xét xử, Viện kiểm sát truy tố các bị cáo về hành vi tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là có cơ sở. Hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây thất thoát cho nhà nước hơn 366 tỉ đồng.
Dương Chí Dũng với vai trò cầm đầu, đã ký quyết định đầu tư dự án ụ nổi 83M. Từ khi mua về VN, ụ nổi này không hoạt động được, gây thất thoát cho nhà nước hàng trăm tỉ đồng. Sau đó bị cáo đã cùng Mai Văn Phúc và Trần Hải Sơn bàn bạc để chia số tiền “lại quả” 1,666 triệu USD từ việc mua ụ nổi. Hành vi này của các bị cáo đã bị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về tội tham ô tài sản.
Mặc dù tại tòa bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc không thừa nhận hành vi tham ô tài sản nhưng lời khai của bị cáo Trần Hải Sơn về việc đưa tiền cho các bị cáo khác đã phù hợp với lời khai của bà Trần Thị Hải Hà (em gái bị cáo Sơn). Lời khai của bà Hà phù hợp với lời khai của bị cáo Sơn trong việc rút tiền đưa cho Dũng và Phúc, phù hợp với các chứng từ rút tiền của ngân hàng.
Trên cơ sở đó có thể kết luận để lời khai của bị cáo Sơn là đúng, lời khai này cũng phù hợp với việc bà Hà đã giao nộp cho cơ quan điều tra 2 tỉ đồng là số tiền được bị cáo Sơn cho sau khi tham ô tài sản.
Lời khai của bị cáo Sơn về việc chia tiền “lại quả” còn phù hợp với lời khai của bị cáo Chiều, đã nạp lại 340 triệu đồng tiền tham ô tài sản. Lời khai của bị cáo Sơn về việc chia tiền, đưa tiền cho các bị cáo khác đã được chứng minh bằng các chứng từ chuyển tiền, nhận tiền, rút tiền, phù hợp với lịch công tác của Dương Chí Dũng trong các lần bị cáo Sơn gặp để đưa tiền.
Hội đồng xét xử nhận định bị cáo Dũng và Phúc có vai trò quyết định trong việc mua ụ nổi 83M. Bị cáo Sơn không có thẩm quyền quyết định việc này, và không thể tự mình bàn bạc, thỏa thuận ăn chia tiền lại quả với Công ty AP mà phải có sự chỉ đạo của Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc.
Riêng bị cáo Dương Chí Dũng sau khi biết tin mình sẽ bị khởi tố đã bỏ trốn sang nước ngoài để trốn tránh trách nhiệm. Đây là tình tiết tăng nặng hình phạt với bị cáo.
Thông qua vụ án, hội đồng xét xử đã có một số kiến nghị với Bộ GTVT trong quá trình quản lý đã không giám sát chặt chẽ để Vinalines có nhiều sai phạm nên cần kiểm điểm rút kinh nghiệm. Đối với Bộ Tài chính - cơ quan quản lý ngành - trong một thời gian dài đã không kiểm tra giám hoạt động tài chính của Vinalines gây thiệt hại lớn cho Nhà nước.
Đối với Tổng Cục hải quan đã không kiểm tra giám sát để Chi cục Hải quan Vân Phong (Khánh Hòa) có thiếu sót trong việc cho thông quan ụ nổi 83M, gây thất thoát cho Nhà nước hàng trăm tỉ đồng, đề nghị kiểm điểm nghiêm túc.
Đối với Ngân hàng Citibank đã có nhiều sai phạm dẫn đến thất thoát tiền của nhà nước. Kiến nghị Bộ công an tiếp tục điều tra làm rõ, nếu có sai phạm phải xử lý hình sự.
Mức án cụ thể đối với các bị cáo như sau:
1. Dương Chí Dũng (nguyên chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải VN, Nguyên Cục trưởng Cục hàng hải, Bộ GTVT): tử hình về tội tham ô tài sản,18 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt cho hai tội là tử hình
2. Mai Văn Phúc (nguyên tổng giám đốc Vinalines, nguyên phó vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT): tử hình về tội tham ô tài sản, 18 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt cho hai tội là tử hình
3. Trần Hải Sơn (nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines): 14 năm tù về hai tội tham ô tài sản, 8 năm năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt cho hai tội 22 năm tù.
4. Trần Hữu Chiều (nguyên phó tổng giám đốc Vinalines): 10 năm tù về tội tham ô tài sản, 9 năm về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt cho hai tội 19 năm tù.
5. Mai Văn Khang (nguyên phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Vinalines): 7 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
6. Bùi Thị Bích Loan (nguyên kế toán trưởng Vinalines): 4 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
7. Lê Văn Dương (đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm VN): 7 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
8. Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa): 8 năm năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Nộp lại và bồi thường hàng trăm tỉ đồng
Về phần dân sự, tòa tuyên buộc các bị cáo đã tham ô tài sản phải nộp lại hơn 28 tỉ đồng đã chiếm đoạt, buộc các bị cáo phạm tội cố ý làm trái liên đới bồi thường thiệt hại cho nhà nước. Cụ thể như sau:
- Buộc Dương Chí Dũng phải nộp lại 10 tỉ đồng tham ô tài sản, bồi thường 100 tỉ đồng về hành vi cố ý làm trái, tổng cộng 110 tỉ đồng.
- Bị cáo Mai Văn Phúc phải nộp lại 10 tỉ đồng tham ô tài sản, bồi thường 100 tỉ đồng về hành vi cố ý làm trái, tổng cộng cũng là 110 tỉ đồng.
- Bị cáo Trần Hải Sơn nộp lại 7 tỉ đồng tham ô tài sản, liên đới bồi thường 39 tỉ đồng về hành vi cố ý làm trái gây thiệt hại cho nhà nước.
- Bị cáo Trần Hữu Chiều nộp lại 340 triệu đồng tham ô tài sản, bồi thường 39 tỉ đồng do cố ý làm trái gây thiệt hại cho nhà nước.
Hội đồng xét xử cũng tuyên buộc các bị cáo phạm tội cố ý làm trái còn lại phải liên đới bồi thường số thiệt hại gây ra gồm:
Mai Văn Khang bồi thường 12 tỉ đồng, Bùi Thị Bích Loan 6 tỉ đồng, Lê Văn Dương 15 tỉ đồng. Nhóm ba cán bộ hải quan Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng và Lê Ngọc Triện mỗi người có trách nhiệm bồi thường 9 tỉ đồng.
Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc - Ảnh: Tâm Lụa (chụp qua màn hình tivi) |
Các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: Tâm Lụa (chụp qua màn hình tivi) |
Dương Chí Dũng (trước) và Mai Văn Phúc (phía sau) - Ảnh: Tâm Lụa |
Các bị cáo đứng nghe tuyên án - Ảnh: Tâm Lụa (chụp qua màn hình tivi) |
Bị cáo Trần Hải Sơn - Ảnh: Tâm Lụa (chụp qua màn hình tivi) |
Bị cáo Huỳnh Hữu Đức - Ảnh: Tâm Lụa (chụp qua màn hình ti vi) |
(Theo TTO)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065