Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có Điều 21, Điều 46 và Điều 68 là 3 trong số những điều hoàn toàn mới. Tuy nhiên, nội dung của 3 điều này có vấn đề cần phải bàn, vì nội hàm của cả 3 điều có phần giống nhau, nên có thể ghép lại cho ngắn gọn, rõ ràng và dễ hiểu. Cụ thể, ở Điều 21 chỉ có vỏn vẹn 5 từ như sau: Mọi người có quyền sống. Đây là một quy định tiến bộ hơn so với hiến pháp hiện hành. Và quy định này vừa tăng quyền cho con người, vừa khẳng định rõ quyền tối thượng của con người khi sinh ra là có quyền sống. Thế nhưng, cũng với nội dung khẳng định về quyền được sống của con người, ở Điều 46 có bổ sung thêm và quy định như sau: 1. Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành. 2. Mọi người có nghĩa vụ bảo vệ môi trường.
Như vậy, ở Khoản 1 của Điều 46, một lần nữa quyền được sống của con người lại được lặp lại và có bổ sung thêm nội dung là được sống trong môi trường trong lành. Đồng thời, ở Khoản 2 của Điều 46 có đưa ra quy định mới về nghĩa vụ bảo vệ môi trường của mọi người. Thế nhưng, đến Khoản 1 của Điều 68 trong dự thảo lại một lần nữa lặp lại vấn đề này, với nội dung như sau: 1. Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và là nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân. Như vậy, điểm khác nhau giữa Khoản 2, Điều 46 và Khoản 1, Điều 68 là ở chỗ với Điều 46 thì bảo vệ môi trường là “Mọi người có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”. Còn ở Điều 68 thì bảo vệ môi trường là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội. Đối với mọi tổ chức, cá nhân thì bảo vệ môi trường là nghĩa vụ.
Từ những phân tích trên cho thấy, nội dung của 3 điều trên có sự bất cập, chồng chéo nhau. Vì vậy, tôi đề xuất bỏ điều 21 và đưa nội dung của điều này vào Khoản 1 của điều 46. Đồng thời, cũng ở Khoản 1, Điều 46 cần bổ sung thêm cụm từ “và được sống” trước cụm từ “trong môi trường”. Tiếp đó, với Điều 46 cần bỏ toàn bộ nội dung của Khoản 2 và thay vào đó là toàn bộ nội dung của Khoản 1, Điều 68. Do đó, ở Điều 68 chỉ còn lại 2 khoản (hiện có 3 khoản). Như vậy, nội dung của Điều 46 được viết lại như sau: 1. Mọi người có quyền sống và được sống trong môi trường trong lành. 2. Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và là nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân. Và nội dung của Điều 68 còn lại 2 khoản như sau: 1. Nhà nước có cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn đa dạng sinh học; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Mọi hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, sản xuất sạch và tiêu dùng sạch của tổ chức, cá nhân được Nhà nước khuyến khích. 2. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại.
Điều 34 (sửa đổi, bổ sung Điều 57) có 2 khoản với nội dung như sau: 1. Mọi người có quyền tự do kinh doanh. 2. Nhà nước bảo hộ quyền tự do kinh doanh. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên vừa thiếu, lại vừa thừa. Thiếu là vì ngày nay, ở nước ta và trên thế giới cũng vậy, không chỉ có cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, mà còn có tổ chức (công ty, tập đoàn và thậm chí là tập đoàn đa quốc gia...). Hơn nữa, Nhà nước bảo hộ quyền tự do kinh doanh, nhưng ở đây là kinh doanh hợp pháp, kinh doanh tuân thủ theo pháp luật, chứ không phải kinh doanh hàng cấm, kinh doanh trái pháp luật cũng được bảo hộ. Do đó, nếu trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định như trên là còn thiếu nội dung quan trọng nhất, đó là kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật và Nhà nước chỉ bảo hộ đối với việc kinh doanh đúng pháp luật.
Thừa là ở chỗ nội dung của cả Khoản 1 và 2 của Điều 34 lại được lặp lại ở Điều 56 (sửa đổi, bổ sung các điều 22, 23 và 25). Cụ thể, Điều 56 trong dự thảo có quy định như sau: 1. Tổ chức, cá nhân được tự do kinh doanh, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật. 2. Nhà nước thực hiện chính sách chống độc quyền và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh. Vì vậy, tôi đề xuất bỏ Điều 34 và nội dung của điều này được bổ sung vào Khoản 1 và 2 của Điều 56 cho phù hợp. Theo đó, ở Khoản 1, Điều 56 được bổ sung từ “mọi” ở đầu và sau cụm từ “kinh doanh” cần bổ sung cụm từ “theo pháp luật và”. Ở Khoản 2 cần được bổ sung cụm từ “bảo hộ quyền tự do kinh doanh theo pháp luật và” vào sau cụm từ “Nhà nước”, đồng thời bỏ từ “và” ở trước cụm từ “chống độc quyền” và thay vào đó bằng dấu phẩy.
Như vậy, sau khi đã bỏ Điều 34 thì Khoản 1 và 2 của Điều 56 được viết lại như sau: 1. Mọi tổ chức, cá nhân được tự do kinh doanh theo pháp luật và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật. 2. Nhà nước bảo hộ quyền tự do kinh doanh theo pháp luật và thực hiện chính sách chống độc quyền, bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh.
N.V (Hội Luật gia tỉnh)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065