Luật Giao thông đường bộ hiện hành đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13-11-2008 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2009. Tại Khoản 3, Điều 10 về tín hiệu đèn giao thông có 3 màu, quy định như sau: Tín hiệu xanh là được đi; Tín hiệu đỏ là cấm đi; Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường. Vì thế, có ý kiến cho rằng, với quy định “tín hiệu xanh là được đi”, xét về mặt câu chữ, ngữ nghĩa của từ thì khi thấy tín hiệu đèn xanh, người tham gia giao thông có quyền đi hoặc không đi. Vì điều luật đã quy định “được đi” chứ không “bắt buộc phải đi”.
Và như vậy thì người tham gia giao thông khi thấy tín hiệu đèn xanh mà vẫn dừng lại không đi, thì cảnh sát giao thông cũng không thể xử phạt về hành vi: “Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông”. Mặt khác, nếu việc không đi này gây cản trở giao thông của người khác và thậm chí là dẫn tới làm ùn tắc giao thông, thì cảnh sát giao thông có chứng kiến cũng rất khó xử phạt về lý do “cản trở giao thông”. Vì khi đó, người tham gia giao thông có thể lập luận rằng: “Để đảm bảo an toàn giao thông, tránh bị cảnh sát giao thông phạt thì khi tới các nút giao thông có đèn tôi phải quan sát kỹ. Nếu đèn xanh còn thời gian lâu thì tôi mới qua. Nếu đèn xanh mà còn ít thời gian thì tôi phải đợi hết đèn vàng, đèn đỏ mới qua... và luật không bắt buộc khi gặp đèn xanh tôi phải đi”. Hơn nữa, vì đây là một trong những quy định nhằm tạo cho sự lựa chọn của người tham gia giao thông. Trong trường hợp nếu người tham gia giao thông không đi theo tín hiệu đèn là bởi họ có lý do riêng. Ví dụ, phương tiện của người tham gia giao thông bỗng nhiên bị hư hỏng hay xe hết xăng hoặc người điều khiển phương tiện bất ngờ có vấn đề về sức khỏe hay vì lý do bất khả kháng khác...
Tuy nhiên, người viết bài không đồng tình với những ý kiến này. Vì theo Điều 4 của Quy chuẩn số 41/2016/BGTVT thì, hiệu lệnh của người điều khiển giao thông có thứ tự ưu tiên cao nhất và cao hơn đèn tín hiệu. Còn theo quy định tại Khoản 2, Điều 11, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông. Vì vậy, trong trường hợp đèn xanh và cảnh sát giao thông yêu cầu di chuyển thì người tham gia giao thông phải di chuyển. Nếu không di chuyển thì sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP. Cụ thể, tại Điểm c, Khoản 4, Điều 6 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ có quy định như sau: Phạt tiền từ 300 ngàn đồng đến 400 ngàn đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; ...Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây: Thực hiện hành vi quy định tại Điểm b, Điểm c, Điểm i, Điểm m Khoản 4; Điểm b, Điểm đ Khoản 5; Khoản 6; Điểm a Khoản 7; Điểm a Khoản 8 điều này bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng;...
Cũng theo quy định tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, đối với người điều khiển ôtô thì sẽ bị xử phạt như sau: Mức xử phạt người điều khiển xe ôtô có hành vi dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông bị phạt tiền từ 800 ngàn đồng đến 1,2 triệu đồng. Trường hợp người điều khiển xe ôtô cố ý không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông cố ý dừng, đỗ phương tiện cản trở, gây ách tắc giao thông dẫn đến hậu quả nghiêm trọng còn bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Như vậy, đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì khi gặp tín hiệu đèn xanh là được đi và cũng là phải đi và nếu không đi thì sẽ bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, để mọi quy định của pháp luật đi vào cuộc sống, đồng thời tránh sự hiểu lầm về câu chữ, người viết bài đề nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ năm 2008 theo hướng “tín hiệu xanh là phải đi”, nhằm đảm bảo phù hợp giữa pháp luật và thực tiễn cuộc sống.
N.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065