BP - Sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 19/2018/TT-NHNN ngày 28-8-2018, hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc, trong đó có nội dung đồng ý cho 7 tỉnh biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc được sử dụng song song Việt Nam đồng (VND) và đồng Nhân dân tệ (CNY) trong giao dịch thương mại, ngay sau đó, các thế lực thù địch đã lên tiếng xuyên tạc, cho rằng “như thế là vi hiến, đánh mất chủ quyền quốc gia”,… Thực chất đây là thủ đoạn làm dấy lên dư luận phản bác chính sách của Nhà nước, để tiếp tục làm rối ren tình hình trong nước bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”.
Từ ngày 1-10-2016, cùng với đồng USD, đồng Euro, đồng bảng Anh và Yên Nhật, CNY là đồng tiền thứ 5 được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa vào nhóm các đồng tiền dự trữ của thế giới. Như vậy, theo thông lệ quốc tế, CNY có nhiều chức năng, trong đó có chức năng thanh toán thương mại. Việc Ngân hàng Nhà nước công nhận đồng CNY được dùng để thanh toán thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc ở 7 tỉnh biên giới phía Bắc là việc làm tự nhiên, phù hợp điều ước quốc tế, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, chúng ta đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới hiện nay. Điều này cũng tương tự như chúng ta công nhận thanh toán thương mại bằng đồng USD hay Yên Nhật vậy. Tuy nhiên, các thế lực phản động, thù địch lại rêu rao như vậy “là vi hiến”, “làm hàng Trung Quốc tràn ngập vào Việt Nam”,...
Có vi hiến hay không?
Nói “Việt Nam chấp nhận thanh toán thương mại với Trung Quốc bằng đồng CNY là vi hiến” là kiểu nói quy chụp, xuyên tạc, bịa đặt, mị dân. Bởi vì, Khoản 3, Điều 55 Hiến pháp 2013 đã chỉ rõ: “Đơn vị tiền tệ quốc gia là đồng Việt Nam”, điều đó nhằm phân biệt đồng tiền của Việt Nam với tiền của các quốc gia khác như USD, Yên Nhật..., chứ không đồng nghĩa với việc công nhận trên lãnh thổ Việt Nam chỉ được phép lưu hành một đồng tiền duy nhất là VND. Khi công nhận đồng CNY có giá trị thanh toán thương mại không có nghĩa CNY là đồng tiền quốc gia thứ hai của Việt Nam. Việc công nhận này hoàn toàn phù hợp quy định của Hiến pháp chứ không hề vi hiến như các thế lực phản động, thù địch đã rêu rao.
Điều cần làm rõ ở đây là, tại sao khi chúng ta công nhận USD có giá trị thanh toán thương mại trên lãnh thổ Việt Nam thì không có điều tiếng, ỳ xèo nhưng khi công nhận CNY thì các thế lực phản động, thù địch liền xuyên tạc, kích động chống đối? Câu trả lời chính là chúng đang sử dụng chiêu trò “bài Trung phò Mỹ”, hòng khuấy động tâm lý thù ghét Trung Quốc trong nhân dân Việt Nam, nhất là trong thời điểm hiện nay, khi có những bất đồng trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc. Chúng âm mưu kích động người dân để gây áp lực lên chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, buộc ta theo Mỹ, chống Trung Quốc - đây là điều hết sức nguy hiểm hiện nay. Vì chúng ta không thể dựa vào nước ngoài để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, mà chỉ có thể dựa vào sức mình, độc lập, tự chủ bảo vệ Tổ quốc.
Việc công nhận đồng CNY có giá trị thanh toán thương mại như đồng Việt Nam tại 7 tỉnh biên giới phía Bắc là sự điều chỉnh chính sách kinh tế linh hoạt, nhạy bén, vừa giúp chúng ta kiểm soát chặt chẽ được đồng CNY trên lãnh thổ Việt Nam. Thực tế ở 7 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam và các địa phương giáp biên giới Trung Quốc từ lâu nay vẫn thanh toán thương mại bằng CNY qua nhiều kênh không chính thức. Việc chúng ta cho phép sử dụng CNY để giao dịch thương mại sẽ chấm dứt tình trạng đầu cơ, buôn lậu đồng CNY, qua đó giúp Nhà nước kiểm soát chặt chẽ nguồn CNY trên lãnh thổ Việt Nam. Điều này là vô cùng quan trọng vì tránh bị đầu cơ, lũng đoạn tiền tệ, bảo đảm chặt chẽ an ninh tiền tệ, sâu xa hơn là an ninh kinh tế. Ngoài ra, điều đó cũng chấm dứt tình trạng khan hiếm đồng CNY, hạ tỷ giá giữa VND và CNY, giúp ích trong thương mại cho doanh nghiệp và người dân Việt Nam. Quan trọng hơn, chúng ta sẽ không phải lệ thuộc thái quá vào USD trong giao dịch ở 7 tỉnh nêu trên, tránh việc bị đầu nậu đẩy giá USD lên cao một khi chiến tranh thương mại Trung - Mỹ chuyển qua chiến tranh tiền tệ. Thực tế thì hiện nay VND đã mất giá 2% so với USD vì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất đồng USD và tương lai đồng USD có tăng lãi suất nữa hay không là điều không thể đoán trước.
Có nguy cơ tràn ngập hàng Trung Quốc hay không?
Các thế lực phản động, thù địch cho rằng “việc công nhận CNY có giá trị thanh toán thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ khiến hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam, bóp chết nền sản xuất trong nước”. Đây là cách nói bao biện, lấp liếm vì không chỉ với Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới hiện nay, khi đã gia nhập sân chơi quốc tế đều phải chấp nhận việc cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài. Vì vậy, thay vì kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc, lo sợ hàng Trung Quốc thì chúng ta hãy hành động, các doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, hạ giá thành sản phẩm để nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa. Khi đó thì còn lo gì “hàng Trung Quốc tràn ngập sẽ giết chết nền sản xuất nội địa”.Thực tế, hiện nay nhiều nước trên thế giới đã chấp nhận thanh toán thương mại và dự trữ ngoại tệ bằng đồng CNY. Tại châu Á, các nước Malaysia, Philippines, Thái Lan đã đưa CNY vào hệ thống dự trữ quốc gia. Tiếp đó, rất nhiều nước như Singapore, Tanzania... cũng đã tuyên bố đưa đồng CNY vào dự trữ ngoại hối. Hàn Quốc cũng đang xem xét đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại tệ của mình, trong đó có tính đến đồng CNY. Ở châu Âu, tháng 1-2017, Hội đồng Quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định bổ sung CNY vào thành phần hiện tại của kho dự trữ ngoại hối (gồm USD, Yên Nhật, đồng CNY, vàng và SDR). Một số ngân hàng Trung ương khác như Ngân hàng Trung ương Pháp, Ngân hàng Trung ương Đức cũng đã xác nhận nắm giữ đồng CNY trong kho dự trữ của mình từ tháng 1-2017 (Emma D., Alice W.& Claire J., 2018). Anh chấp nhận thanh toán với Trung Quốc bằng đồng CNY và đang xem xét đưa thêm CNY vào giỏ dự trữ ngoại tệ. Tại châu Phi, Nigeria đã tuyên bố xem xét tăng tỷ lệ dự trữ đồng CNY thêm 5-10%.
Như vậy, nếu nói công nhận thanh toán bằng CNY là đánh mất chủ quyền thì chẳng lẽ các quốc gia nêu trên đều như thế cả? Tóm lại, đằng sau những luận điệu vô lý, trơ trẽn trên chính là chiêu trò “thọc gậy bánh xe”, âm mưu phá hoại mối quan hệ kinh tế truyền thống Việt Nam - Trung Quốc, làm rối ren tình hình trong nước mà thôi.
Thanh Quang (Bộ CHQS tỉnh)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065