Bạn tôi là giáo viên trường chuyên, phải quản lý học sinh nội trú. Đầu năm học, bạn đã tỏ ra lo lắng bởi một vài học sinh mới vào lớp 10 được mấy tuần đã hẹn hò gặp riêng nhau ở ký túc xá. Cô ấy cho rằng, phải tách đôi trẻ ra, không cho sử dụng điện thoại để khỏi hẹn hò. Một đồng nghiệp cùng trường tôi, trong buổi họp cha mẹ học sinh lớp 11, vì quá lo lắng khi phát hiện 2 học sinh trong lớp yêu nhau đã đưa sự việc ra trao đổi rộng rãi với phụ huynh khiến cha mẹ của em này phản ứng... Tất cả biểu hiện lo lắng trong các trường hợp nêu trên đều xuất phát từ một vấn đề: Trẻ yêu sớm. Khi ấy, tâm lý chung của người lớn là sốc, lo lắng, tìm mọi cách để giải quyết theo cách chủ quan của mình. Kết cục, đôi trẻ bất mãn với giáo viên, cha mẹ, sa sút học tập và vẫn lén gặp nhau. Vậy gia đình và nhà trường nên làm gì? Trước hết hãy thử nghĩ, nếu mình là học sinh trong các câu chuyện tình yêu đến sớm đó thì tâm lý sẽ diễn biến như thế nào?
Tình yêu là cảm xúc đặc biệt của con người, nó có thể xuất hiện với mỗi người bất kể lứa tuổi, thời điểm. Do đó, tình cảm học sinh đến ngoài ý muốn, bản thân người trong cuộc cũng sẽ lo lắng, bất an vì chưa biết xử sự thế nào, sợ gia đình, thầy cô, bạn bè biết mình yêu sớm sẽ chế giễu, ngăn cản, la mắng. Tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát nho nhỏ với học sinh lớp 11. Khi được hỏi: Em bắt đầu có tình cảm với bạn khác giới từ khi nào? Các bạn có tin không, 98,3% học sinh trả lời từ cấp 2. Có em thành thật trả lời từ... năm lớp 5. Hỏi: Nếu lúc này em có tình cảm với bạn khác giới thì em để tình cảm đó phát triển tự nhiên hay kìm nén chỉ dừng lại ở mức bạn thân? Có đến 97% học sinh chọn giải pháp để tình cảm phát triển tự nhiên. Hỏi: Em có cho gia đình biết chuyện tình cảm của mình không? Kết quả, 99,2% giấu biệt vì sợ bị ngăn cấm, la mắng. Hỏi: Em có định hướng gì cho tình yêu không? 100% các cặp đôi trả lời là cùng cố gắng học tập để có nghề nghiệp, sau khi ra trường sẽ làm đám cưới.
Là một giáo viên THPT làm công tác giảng dạy và chủ nhiệm lâu năm, tôi rất mừng khi nghe câu trả lời của các em về cách xử lý tình huống tình yêu đến sớm. Điều này chứng tỏ, các em đã có vốn kiến thức tương đối về tình yêu và định hướng cho tương lai. Vì vậy, khi phát hiện trẻ yêu sớm, gia đình và nhà trường nên giữ thái độ bình tĩnh, lắng nghe con trẻ. Hãy cố gắng trở thành bạn để đồng hành với các em trong chặng đường học tập. Hãy thẳng thắn trao đổi với con về giáo dục giới tính, về sức khỏe sinh sản, con gái phải giữ gìn, con trai phải bản lĩnh. Chỉ cho con thấy những hệ lụy khi quan hệ tình dục quá sớm, cơ thể chưa trưởng thành, hậu quả của việc mang thai ngoài ý muốn khi cả 2 còn nhỏ tuổi, chưa có nghề nghiệp... Điều này giúp các em tin tưởng, tâm sự, chia sẻ với chúng ta những vướng mắc trong học tập và cuộc sống, đặc biệt là tình cảm và tâm sinh lý. Từ đó có thể giúp các em có cách tiếp nhận và phát triển tình cảm đúng hướng, giúp con có tình yêu lãng mạn với nhiều kỷ niệm đẹp tuổi học trò mà không ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập và tương lai.
Thu Ngân
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065