BP - Gần 10 năm qua, người dân ở tổ 6, ấp Tân Phú, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú bức xúc vì tình trạng ô nhiễm môi trường do trại nuôi heo của Công ty cổ phần Phú Vinh gây ra. Từ khi hoạt động (năm 2009) đến nay, doanh nghiệp này không quan tâm đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải mà xả thải trực tiếp ra suối Mao, gây ô nhiễm nguồn nước, đất sản xuất và không khí. Hiện người dân ở đây không dám sử dụng nước lấy từ suối, giếng và luôn sống trong cảnh ô nhiễm với nỗi lo bệnh tật. Cùng cảnh ngộ, nhiều năm qua, người dân ở thôn Bình Tiến 1, xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập luôn phải sống trong tình trạng môi trường và nước sinh hoạt bị ô nhiễm, nguyên nhân là do trang trại nuôi heo của Công ty TNHH An Phú Khánh gây ra.
Trên đây chỉ là 2 minh chứng trong số nhiều trang trại nuôi heo đã và đang gây ô nhiễm môi trường khiến dư luận bất bình. Bởi chỉ tính riêng trong năm 2018, Sở Tài nguyên - Môi trường đã xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường của 7 trang trại nuôi heo, quy mô từ 2.400-6.000 con, với số tiền phạt 665 triệu đồng. Điều này cho thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, nhất là chăn nuôi trang trại đang ở mức báo động và chưa có dấu hiệu được cải thiện. Trong khi người dân đã nhiều lần kiến nghị với cấp có thẩm quyền và ngành chức năng cũng đã kiểm tra, yêu cầu doanh nghiệp khắc phục, nhưng thực trạng ô nhiễm vẫn diễn ra và ngày càng trầm trọng hơn.
Tình trạng trại chăn nuôi heo gây ô nhiễm bị xử phạt, nhưng không khắc phục mà tiếp tục gây ô nhiễm với mức độ lớn hơn khiến dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng các ngành chức năng thiếu kiên quyết trong khâu xử lý vi phạm, hay có bao che, dung túng của một bộ phận cán bộ có thẩm quyền ở địa phương và ngành liên quan dẫn đến tình trạng chây ỳ nêu trên? Theo số liệu của ngành nông nghiệp Bình Phước, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh hiện có trên 665 ngàn con (không bao gồm số heo con theo mẹ). Trong đó, chăn nuôi trang trại gần 542 ngàn con/251 trang trại, chiếm 81,3% tổng đàn, còn lại là chăn nuôi nông hộ. Với số trang trại chăn nuôi lớn như vậy, nếu những vụ việc bị phát hiện không được xử lý nghiêm và dứt điểm sẽ để lại một tiền lệ xấu.
Tại các Điều 56, 59 và 62, Luật Bảo vệ môi trường quy định, các tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi phải có nghĩa vụ bảo vệ môi trường nước, môi trường đất, môi trường không khí. Chi tiết hơn, tại Điều 2, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ sở có hành vi vi phạm nội quy về bảo vệ môi trường đến mức bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung sẽ đình chỉ hoạt động nếu không khắc phục được vấn đề về môi trường.
Người dân sinh sống gần các trang trại nuôi heo đang mong chờ cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, để vấn đề này được giải quyết dứt điểm, bên cạnh việc thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, chính quyền các cấp và ngành chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, yêu cầu các chủ trại chăn nuôi thực hiện đúng quy định về xử lý chất thải, sớm khắc phục các tồn tại nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn, thực hiện đầy đủ các hạng mục công trình xử lý chất thải, nước thải đảm bảo đạt quy chuẩn môi trường. Thậm chí, buộc doanh nghiệp gây ô nhiễm phải khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu đã bị thay đổi. Phát triển nhưng không quan tâm đến môi trường là tự hủy hoại cuộc sống của chính mình.
Lâm Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065