4 nguy cơ mà Đảng ta từng chỉ ra vẫn đang hiện hữu, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Trong đó, tham nhũng dù bất kỳ mức độ, cấp nào đều là nguy cơ tan vỡ của một chính quyền. Tham nhũng vặt là cụm từ không còn xa lạ, tồn tại ở mọi cấp, ngành và cả trong một bộ phận nhân dân, biến tướng ở nhiều hình thức khác nhau nhưng không dễ phát hiện. Điển hình là một bộ phận cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan công quyền lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc, trong cung cấp dịch vụ công. Một số cơ quan, lĩnh vực nhạy cảm thường xảy ra tham nhũng vặt như ở bộ phận một cửa khi người dân, doanh nghiệp đến xin giấy phép đầu tư, kinh doanh, xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Hoặc ở lĩnh vực tín dụng ngân hàng, việc thẩm định nâng giá trị tài sản, làm hồ sơ chậm so với quy định cũng nhằm mục đích có lợi cho một bộ phận cán bộ, nhân viên... Từ đó tạo ra một thói quen rất xấu khi làm việc gì cũng phải phong bì “lót tay”, “bôi trơn”.
Hiện tượng tham nhũng vặt còn xảy ra ở nhiều lĩnh vực khác trong đời sống xã hội. Muốn khám bệnh nhanh, khám chính xác phải có phong bì cho bác sĩ, y tá, điều dưỡng. Muốn con được vào lớp chọn, lớp đề án, trường chuẩn; thậm chí cả chỗ ngồi dễ nhìn, dễ nghe trong lớp học cũng phải “biết điều” với hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm. Lại có chuyện chị lao công sáng nào cũng quét cả đống rác về phía cửa một quán ăn. Mùi hôi từ đống rác bốc lên rất khó chịu, khiến thực khách vào quán ngày càng ít. Chỉ đến khi chủ quán dúi vào tay chị này 100 ngàn thì những ngày sau khu vực cửa quán ăn mới được sạch sẽ và việc buôn bán trở lại bình thường.
“Nhiệt kế” PCI năm 2018 của Bình Phước cũng có những điểm số thành phần rất đáng báo động: 61,5% doanh nghiệp cho rằng “công việc đạt được kết quả mong đợi sau khi trả chi phí không chính thức”; 58,3% doanh nghiệp đồng ý “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp là phổ biến”; 40,2% doanh nghiệp “có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh - kiểm tra”... Đáng chú ý, có đến 80,8% doanh nghiệp cho rằng “Có sáng kiến hay ở cấp tỉnh, nhưng chưa được thực thi tốt ở các sở/ngành” và 67,6% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “Lãnh đạo tỉnh có chủ trương đúng, nhưng chưa được thực hiện tốt ở cấp huyện/thị”. Điều đó có nghĩa đã, đang xảy ra tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, hay “trên nóng, dưới lạnh”. Rõ ràng, những “ổ mối” không nhỏ đang dần ăn mòn “chân đê”.
Tham nhũng vặt là tệ nạn gây bức xúc, nhức nhối trong dư luận. Và như nhận định của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại phiên chất vấn đã nêu, tác hại của tham nhũng vặt là làm băng hoại đạo đức của công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ; làm xói mòn niềm tin, đồng thời làm tăng chi phí không chính thức của người dân và doanh nghiệp. Không thiếu những giải pháp nhưng phòng, chống tham nhũng vặt đòi hỏi các cấp, ngành, nhất là người đứng đầu phải quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi. Đừng để “tổ mối nhỏ ăn mòn cả chân đê lớn”.
Hoàng Ngọc
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065