BP - Năm học mới cận kề, trẻ em ở thị xã Đồng Xoài vẫn còn chút thời gian để thỏa lòng đam mê với sách. Hằng ngày, dù ở Thư viện tỉnh hay các quầy sách của Fahasa, Hùng Vương, Nhà sách Đồng Xoài, Huy Nam đều có các cô bé, cậu bé ngồi tựa lưng vào giá sách để đọc “chùa” - nghĩa là đọc xong rồi trả vào chỗ cũ mà không cần mua sách. Dẫu nhiều bậc phụ huynh sẵn lòng bỏ tiền ra mua sách cho con em mình về đọc bởi mỗi cuốn sách thiếu nhi cao lắm cũng chỉ vài chục ngàn đồng, thế nhưng hầu hết các em vẫn thích hằng ngày đến đọc “chùa” tại nhà sách. Có lẽ cái cảm giác được tiêu dùng miễn phí luôn mang lại niềm hứng khởi - cho dù ở lứa tuổi của mình, các em chưa toan tính nhiều như người lớn. Vả lại, đến nhà sách đọc sẽ được gặp bạn bè và có không khí hơn. Nhiều em say sưa đọc quên cả thời gian, đến nỗi phụ huynh phải gọi điện giục mới cất sách vào giá ra về trong tiếc nuối. Nhìn các em say sưa đọc sách, tôi lại nhớ đến tuổi thơ thiếu thốn trăm bề, trong đó có cả nỗi thiếu sách của mình.
Tôi tin rằng mọi trẻ em trên thế giới đều thích đọc sách và thích nghe kể chuyện - nếu chúng được dẫn dắt ngay từ đầu. Ngày bà nội còn sống, tối nào 3 chị em tôi cũng giành nhau được nằm gần bà để nghe kể chuyện. Dẫu cùng nằm trên một chiếc giường, bà kể thì đứa nào cũng nghe được nhưng chúng tôi vẫn cứ giành nhau để được nằm cạnh bà, cứ như thể nếu được chạm vào người bà, được hít hà cái mùi trầu ngai ngái thì hình ảnh trong các câu chuyện cổ tích bà kể sẽ lung linh hơn vậy. Tôi được sinh ra, lớn lên ở một vùng chiêm trũng phía Bắc. Lớn lên một chút đã thấy cha vắng nhà đi bộ đội. Mẹ mải mê với ruộng đồng và các hoạt động của phụ nữ địa phương. Thế nên câu chuyện cổ tích đầu tiên tôi được nghe là từ bà. Những câu chuyện về Thạch Sanh, Tấm Cám, Cây tre trăm đốt, Sự tích trầu cau... bà kể đi kể lại mà chúng tôi vẫn háo hức nghe. Thậm chí có đoạn bà quên, thằng em giáp tôi còn nhắc bà là đoạn đó như thế này thế nọ. Vậy mà tối nào chúng tôi cũng muốn bà kể. Những câu chuyện cổ tích hằng đêm của bà vẽ ra trong trí óc non nớt của chúng tôi một thế giới lấp lánh màu sắc, làm dậy lên những cảm xúc vui mừng, hồi hộp, lo lắng trước sự thăng trầm số phận của chàng Thạch Sanh, cô Tấm, cô Cám hay anh chàng nhà nghèo thật thà tốt bụng.
Nhưng lớn hơn một chút thì những câu chuyện cổ tích của bà không còn làm chúng tôi háo hức nữa. Vả lại bà ngày càng già yếu nên không còn kể chuyện hằng đêm nữa. Khi tôi biết chữ, rồi học tiểu học, các em tôi cũng lần lượt đến trường thì cái hiệu sách nhân dân nằm khiêm nhường ở góc chợ huyện trở thành một địa chỉ hấp dẫn đối với chị em tôi. Mỗi ngày tan học, dẫu không có tiền, chúng tôi vẫn đứng hàng giờ trước quầy sách để nhìn hau háu vào những cuốn họa báo Liên Xô với hình ảnh rất đẹp và những cuốn sách truyện thiếu nhi mê hồn. Sau này, tôi nảy ra sáng kiến là xin mẹ hái rau bán rồi dùng tiền đó đi thuê sách đọc. Những cuốn sách truyện thiếu nhi nổi tiếng một thời như Hoàng tử tí hon và chú bé nghèo khổ, Hai vạn dặm dưới đáy biển, Đội thiếu niên tình báo bát sắt, Dưới đám mây màu cánh vạc... được chị em tôi chuyền tay nhau đọc ngấu nghiến. Và rồi chính những trang sách ấy đã bồi đắp, tạo dựng một cách tự nhiên các ý niệm về yêu ghét, về thiện ác trong những cái đầu non nớt của chúng tôi.
Bây giờ nhiều bậc cha mẹ vẫn than phiền với nhau là con cái mình chỉ thích chơi games chứ không thiết gì đọc sách. Họ còn khoe mua hàng chồng sách cho con nhưng chúng không thèm để mắt tới. Tôi không nghi ngờ gì về mong muốn tốt đẹp của những bậc phụ huynh đó, nhưng họ đã lầm. Trẻ em đến với sách trước hết vì niềm vui. Các em đọc sách là do thích thú chứ không thể vì nghĩa vụ. Dúi sách vào tay một đứa trẻ mười lăm tuổi từ trước tới nay chưa từng được nghe kể chuyện, chưa từng rờ tới một trang sách (ngoài sách giáo khoa, bài tập nâng cao, tham khảo), ép các em phải đọc với một lý do cao cả là bồi bổ tri thức, đạo đức dường như là chuyện đã muộn màng. Bởi thế, các bậc cha mẹ đừng viện cớ bận bịu, phó mặc con cái cho máy tính, điện thoại để rảnh tay làm việc, thậm chí chỉ là tán gẫu. Bởi một đứa bé ngay từ nhỏ đã suốt ngày dán mắt vào những trò chơi điện tử thì chưa kể đến những tác hại về mặt sức khỏe như mắt cận, lưng gù, những trò chơi (đôi khi rất bạo lực) ấy sẽ không thể nào dẫn dắt các em một cách lành mạnh, dịu dàng và tự nhiên như những trang sách được. Bởi thế, các bậc phụ huynh đừng để quá muộn rồi mới quáng quàng mua sách và ép con đọc.
Thảo Nguyên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065