BP - Ngày 8-11, báo Sài Gòn Giải Phóng online đăng bản tin: “Không huy động phụ huynh, học sinh đóng góp để chăm lo cho giáo viên”. Nội dung bản tin cho biết, chuẩn bị cho việc tổ chức kỷ niệm 34 năm Ngày nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2016), Sở GD-ĐT thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu thủ trưởng đơn vị trường học, ban chấp hành công đoàn tham mưu đề xuất với cấp ủy, chính quyền, hội đồng giáo dục địa phương để có những hoạt động thiết thực, đạt hiệu quả giáo dục cao, tiết kiệm, không phô trương hình thức. Đặc biệt, không huy động phụ huynh, học sinh đóng góp để chăm lo cho giáo viên nhân ngày này. Đây là vấn đề “tế nhị”, ít nhiều ảnh hưởng đến danh dự của một nghề cao quý, được xã hội trân trọng.
Không phải ngẫu nhiên mà ngày 20-11 hằng năm được xem là một trong những ngày lễ của người Việt. Truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam qua dòng chảy hàng ngàn năm lịch sử, trong đó có phần đóng góp thầm lặng của những người thầy, người cô đã làm rạng danh non sông, đất nước ta. Có thể nói, dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý! Vì vậy, bên cạnh ngày tết, 20-11 được coi là ngày lễ tôn vinh các nhà giáo. Đây là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người thầy, người cô; mọi cấp, mọi ngành và toàn xã hội chia sẻ niềm vui, tri ân những người đã góp công sức và tâm huyết cho sự nghiệp trồng người; đồng thời cũng để ngành giáo dục - đào tạo đánh giá lại chính mình.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, ngày 20-11 đang bị biến tướng, dần làm phai nhạt hình ảnh của người thầy, biến ngày lễ trở thành gánh nặng cho một số gia đình thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Không chỉ vậy, một vài biểu hiện thiếu tế nhị của người lớn trong ngày này tạo cho học sinh sự so bì, mặc cảm và những suy nghĩ trọng vật chất. Người viết từng chứng kiến có em học sinh lớp 2 sáng 20-11 nhất quyết không chịu đến trường. Hỏi ra mới biết cha mẹ em (làm nghề phụ hồ, bán xôi) không chuẩn bị quà để tặng cô giáo, trong khi các bạn gần nhà đều có. Và hình ảnh bó hoa tươi thắm, những món quà ý nghĩa tự tay các em làm để tặng thầy cô đã trở nên xa lạ, nay được thay thế bằng một món quà nhỏ, gọn là chiếc “phong bì”.
Nói vậy có thể là phiến diện, quy chụp, bởi vẫn có nhiều cán bộ, giáo viên “sợ” ngày 20-11. Sợ khi phải cầm trên tay những tấm thiệp mà biết chắc trong đó có kèm chiếc “phong bì” trị giá cả chục ký gạo, hàng tạ muối hoặc cả ngày công phụ hồ cực nhọc. Có cô giáo đã phải bất đắc dĩ mở từng món quà để lấy chiếc thiệp chúc mừng, còn tiền bỏ lại phong bì rồi dán chặt, nhờ các em gửi lại phụ huynh. Với họ, thành công trong học tập, rèn luyện của học sinh chính là món quà vô giá không chỉ trong ngày 20-11. Mong ước của các thầy, cô giáo là sống được với nghề từ những đồng lương chân chính, không phải băn khoăn mỗi khi đến ngày 20-11 phải cầm trên tay những tấm thiệp “tế nhị” nêu trên. Và hơn cả, đừng để các thầy, cô nằm trong đối tượng phải “huy động phụ huynh, học sinh đóng góp để chăm lo”!
Hoàng Ngọc
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065