Đây không phải là cựu sinh viên đầu tiên đốt hay muốn đốt bằng đại học của mình. Năm 2015, một cựu sinh viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội tốt nghiệp loại khá ngành Cơ khí, chia sẻ trên mạng xã hội: “Tôi sẽ đốt bằng đại học của mình, bạn có ủng hộ không?... Học những thứ mình không yêu thích, đam mê, học chiếu lệ, học chỉ để thi cho qua, lấy cái bằng. Chính vì thế cả đời chẳng làm nên công trạng gì! Tại sao tôi đam mê kinh doanh mà tôi lại học cơ khí Bách khoa?”.
Xin không bàn tới hành động của những sinh viên này, nhưng thêm những câu chuyện sau đây, có làm các nhà quản lý, hoạch định chiến lược giáo dục suy nghĩ?
Tháng 8-2018, Đại học Fulbright Việt Nam - đại học tư thục phi lợi nhuận đầu tiên ở Việt Nam - sẽ tuyển sinh khóa đầu tiên đào tạo bậc đại học. Trường tuyển 50 sinh viên và cấp học bổng toàn phần năm học đầu tiên, những năm sau cấp học bổng 5.000 USD (tương đương 115 triệu đồng)/sinh viên/năm. Kế thừa mô hình giáo dục từ Trường đại học Fulbright nổi tiếng ở Mỹ, Đại học Fulbright Việt Nam cũng tuyển sinh và đào tạo theo cách rất đặc biệt: Không phải bảng điểm hay thành tích xuất sắc trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, mà niềm đam mê của thí sinh mới là tiêu chí quan trọng nhất. Thí sinh dự tuyển chỉ cần gửi niềm đam mê của mình tới hội đồng tuyển chọn. Năm đầu tiên, 50 sinh viên sẽ trải qua “Năm học đồng kiến tạo”. Năm học này sinh viên được trao quyền thiết kế chương trình học tập của chính mình. Những năm tiếp theo, sinh viên và giảng viên cùng nhau định hình nền tảng văn hóa và chương trình đào tạo. Đối với những môn học bắt buộc trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, trường sẽ đổi mới cách giảng dạy và phương pháp tiếp cận sao cho hấp dẫn sinh viên hơn...
Ở nhiều nước có nền giáo dục phát triển trên thế giới, chỉ rất ít ngành bắt buộc phải có bằng cấp mới được hành nghề, như luật sư, bác sĩ, còn lại hầu hết thì không. Doanh nghiệp hay cơ quan công quyền, có thể được tuyển dụng vào làm việc hôm nay, nhưng tháng sau, thậm chí tuần sau hoặc ngay ngày mai sẽ sa thải nếu không làm được việc. Điều đó tác động ngược lại các cơ sở đào tạo phải đào tạo như thế nào để sinh viên của mình ra trường làm việc được, người học cũng cố học sao cho xin được việc và không bị đuổi. Vì thế, mục tiêu đi học đại học của họ không phải lấy tấm bằng, mà là sao cho có chuyên môn, có năng lực làm việc.
Đào tạo đại học nước ta hiện nay không khác lời tự sự của sinh viên đã nêu ở bài viết này là bao: Có nhiều người học chỉ nhằm thi cho qua, lấy được cái bằng chứ không phải đào tạo và tự đào tạo để có kỹ năng, có kiến thức làm việc. Không những không đánh giá đúng năng lực người học, mà bằng cấp lại còn đang gánh nhiệm vụ rất nặng trong văn hóa của người Việt Nam.
Đào tạo lao động có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của một quốc gia. Nó là đòn bẩy đối với những quốc gia đi sau bắt kịp các nước phát triển. Nếu không đổi mới kịp với thời đại, đào tạo sẽ là gánh nặng làm chậm lại tốc độ phát triển của Việt Nam.
Trần Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065