Chưa hết, người nghèo bức xúc vì khoảng cách giàu nghèo chưa được thu hẹp đã đành, đến cán bộ nhà nước, đại biểu Quốc hội cũng có rất nhiều bức xúc khi đăng đàn. Trước một sự việc, hiện tượng không vừa mắt, đi ngược lại với quan điểm đạo đức xã hội, chỉ cần một người lên tiếng thì “a la xô” cả một rừng ý kiến trên mạng xã hội “bức xúc” theo. Có người nhìn thấy tên trộm thò tay móc bóp của người khác trên xe buýt nhưng giả làm ngơ vì sợ bị trả thù nhưng rời khỏi xe là viết status (trạng thái) trên mạng xã hội thể hiện sự bức xúc vì tệ nạn trộm cắp, cướp giật hoành hành... Như vậy có thể nói “bức xúc” đang trở thành một hội chứng đám đông chẳng hay ho gì. Đáng nói là có rất nhiều tờ báo, chương trình truyền hình thường hay “ăn theo” thái độ “bức xúc” đó của đám đông rồi giật tít câu view (thu hút lượt truy cập, xem).
Dạo Bình Phước xảy ra vụ “mẹ cắt gân con” ở xã Đức Hạnh (Bù Gia Mập); vụ án Lê Bá Mai hai lần tuyên tử hình rồi lại trả tự do cho bị cáo, rồi lại kết án chung thân; rồi chuyện chỗ này, chỗ kia rừng bị “phù phép” để biến thành trang trại; chuyện thu hồi đất lấn chiếm của dân nhưng giao sai đối tượng và cuối cùng là mua bán lòng vòng; vụ trọng án khiến 6 người thiệt mạng ở xã Minh Hưng (Chơn Thành); gần đây là vụ công an bắt tội phạm, 1 người chết ở xã Long Hà (Phú Riềng); rồi vụ cá chết trắng sông Sài Gòn đoạn qua huyện Hớn Quản mà báo chí nghi do ô nhiễm môi trường... cũng đã khiến rất nhiều người chia sẻ thông tin và thể hiện thái độ bức xúc. Nhiều người lên tiếng thể hiện thái độ trách nhiệm xã hội và đóng góp ý kiến một cách bình tĩnh, chuẩn mực; nhưng cũng có nhiều người rỗi việc hằng ngày lên mạng “ném đá” hết chủ doanh nghiệp này vô lương tâm đến cơ quan công quyền kia vô trách nhiệm. Rồi từ một vụ việc cụ thể, họ liên hệ đến những vụ việc khác và quy kết ở đâu cũng thế, chính quyền thờ ơ, vô cảm, “mũ ni che tai” trước nỗi khổ của người dân. Họ không biết chính họ đang làm vẩn đục bầu không khí xã hội và thực sự những việc làm ấy không đem lại bất kỳ sự thay đổi tích cực nào cả.
Vì sao những việc tốt lành như các bạn trẻ tổ chức chiến dịch làm sạch bãi biển miền Trung; những người dân TP. Hồ Chí Minh cung cấp bánh mì, nước uống miễn phí hoặc tổ chức nấu các suất cơm giá 2.000 đồng phục vụ người nghèo; vì sao việc các chiến sĩ công an phơi mình dưới cái nắng 410C để điều tiết giao thông hay máu me đầy mình vẫn ưu tiên đưa tên tội phạm nguy hiểm đi cấp cứu trước; hay việc duy trì “nồi cháo yêu thương” của các bạn trẻ trong Câu lạc bộ Người Bình Phước vào mỗi chủ nhật; hàng ngàn bữa ăn miễn phí tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh... lại không được bạn đọc, bạn xem truyền hình quan tâm đón nhận; hay chuyên mục “Chuyện tử tế”, “Cặp lá yêu thương” trên Đài Truyền hình Việt Nam... mà chỉ chú tâm đi tìm những điều “xấu xí” trên các trang mạng rồi thở dài, chép miệng!?
Khi người viết đặt những câu hỏi ấy, một số người đã trả lời rằng khi bày tỏ thái độ “bức xúc” trước những điều xấu xí, đáng lên án thì có vẻ như người ta đang truyền đi một thông điệp rằng mình không thờ ơ, vô cảm trước những điều đáng lên án; rằng mình tốt đẹp hơn những kẻ đang làm nên những điều xấu xí kia. Không phải là tất cả nhưng dường như khi tỏ ra “bức xúc” trước một điều gì, nhiều người đang cố tỏ ra mình ngoại phạm, vô can trước những điều xấu xí. Thái độ ấy khác với kiểu “khoanh tay đứng nhìn” mà không lên tiếng. Nhưng chính thái độ “bức xúc” kiểu ăn theo đó đã và đang bị những phần tử cơ hội chính trị lợi dụng để thực hiện mưu đồ xấu. Đã có tình huống chỉ từ ý kiến bức xúc của người dân về một vụ tranh chấp đất với hàng xóm hoặc đề nghị được miễn các khoản đóng góp của hộ cận nghèo tại buổi tiếp xúc cử tri... đã bị những kẻ cơ hội giật tít đưa lên mạng xã hội và biến thành ý kiến của những “dân oan”. Chỉ một phát ngôn mạnh mẽ của vị đại biểu Quốc hội hay HĐND tỉnh cũng có thể bị nhào nặn thành ý kiến trái chiều với quan điểm, chủ trương của Đảng, Chính phủ, Quốc hội hay chính quyền địa phương...
Còn nhớ vụ cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung vào trước thời điểm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, những kẻ cơ hội chính trị, trong đó có những kẻ từng nhiều lần “đóng vai dân oan” lại lập tức trở thành những “nhà hoạt động môi trường”. Chúng lợi dụng sự bức xúc chính đáng của người dân miền Trung trước tình trạng cá chết để xúi giục nhân dân “xuống đường” biểu tình, gây rối loạn xã hội. Dù chẳng hề quan tâm gì đến đời sống người dân, nhưng từ hiện tượng cá chết, nhiều kẻ chống phá Đảng, Nhà nước ta bỗng trở thành những kẻ “khóc mướn” thảm thiết trên các diễn đàn. Bởi thế, trước khi thể hiện thái độ “bức xúc” vì một điều gì đó, bạn hãy đừng để mình thành người bị kẻ xấu lợi dụng.
Linh Tâm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065