BP - Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019) và 74 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2-9 là đợt sinh hoạt chính trị sôi nổi, sâu rộng, toàn diện trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Ngày 27-8, tại Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc gặp mặt gần 400 đảng viên trẻ tiêu biểu toàn quốc học tập và làm theo lời Bác. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu trước tiên là phải “hiểu và thấm nhuần” những điều Bác đã dạy và phải thực hiện cho bằng được. Thông điệp mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh với các đảng viên trẻ là “Đức đi đôi với tài, nhưng đức phải là gốc. Có đức mới làm được những điều đúng đắn, nhân nghĩa...”.
Tài và đức luôn luôn gắn bó mật thiết không thể tách rời. “Tài” có thể hiểu là tài năng, kiến thức, hiểu biết, kỹ năng, là kinh nghiệm sống để con người có thể hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Còn “đức” là đạo đức, là tư cách tác phong, lòng nhiệt tình, là những khát vọng “chân, thiện, mỹ”. Nhờ có đạo đức con người sống trung thực, mang lại niềm tin và tình bạn với những người xung quanh. Người có đức luôn biết tôn trọng và bảo vệ chân lý, dám đấu tranh với sai lầm, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân cho quyền lợi của tập thể. Đạo đức có vai trò rất lớn trong đời sống xã hội của con người; là vấn đề thường xuyên được đặt ra và giải quyết nhằm bảo đảm cho cá nhân, cộng đồng tồn tại, phát triển. Đồng thời, đạo đức có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc ổn định xã hội, bảo vệ đất nước. Nếu đa số người dân coi trọng, tuân theo các chuẩn mực đạo đức thì xã hội yên bình và ngược lại.
Tài và đức là hai mặt quan trọng trong việc hoàn thiện nhân cách của con người. Tài năng giúp con người có tầm nhìn chiến lược, khả năng phán đoán, suy luận về hiện thực để có kế hoạch phù hợp, khả năng thực hiện công việc một cách khoa học, hiệu quả và giải quyết tốt mọi vấn đề. Đạo đức giúp con người sống tốt, có lý tưởng, lẽ sống cao đẹp; là sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi khó khăn. Phẩm chất đạo đức giúp mối quan hệ giữa người với người tốt đẹp, cuộc sống có chất lượng hơn. Những người tài đức vẹn toàn thật sự là những người có phẩm chất tốt đẹp, sẽ có nhiều đóng góp hữu ích cho xã hội. Đức và tài đều cần thiết để làm nên giá trị con người. Con người nếu thiếu một trong hai giá trị này đều là không trọn vẹn. Tài và đức bổ sung cho nhau để con người trở thành toàn diện, nhưng phải lấy đức làm gốc mới có thể đạt hiệu quả cao trong quá trình làm việc và cống hiến.
Trong một lần nói chuyện với cán bộ, học sinh, sinh viên, Bác Hồ đã ân cần khuyên dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Cách nói giản dị và cụ thể trong lời khuyên của Bác giúp chúng ta nhận thức đúng đắn hơn về vai trò quan trọng của đức và tài trong quá trình hoàn thiện phẩm chất, nhân cách con người. Trong hai yếu tố ấy thì “đức” phải là gốc, là yếu tố quan trọng hàng đầu. “Tài” là biểu hiện cụ thể của “đức”, không có khái niệm đạo đức chung chung, tách rời hiệu quả việc làm. Ý nghĩa câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở không chỉ các đảng viên trẻ mà cho tất cả mỗi cán bộ, đảng viên để phấn đấu, rèn luyện, học tập trở thành những con người “vừa hồng, vừa chuyên”.
Hà Thanh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065