|
ĐB Huỳnh Thế Kỷ, Giám đốc Công an Ninh Thuận, thậm chí còn đánh giá lãng phí nguy hại, ghê gớm hơn tham nhũng khi không thể định lượng và khó điều tra, truy tố xét xử. “Để chống lãng phí thì phải xác định trách nhiệm người đứng đầu để xử lý, những người lẽ ra phải làm gương, từ sử dụng xăng xe, kinh phí để người khác noi theo”, ông đề nghị.
Lãng phí “núp bóng chủ trương chung”
ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng, lãng phí tiền bạc, tài nguyên, của cải có thể đong đếm nhưng lãng phí thời gian đôi khi còn gây thiệt hại lớn hơn rất nhiều. Đơn cử, trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, nhiều công trình nếu rút ngắn được thời gian thì mang lại hiệu quả lớn, nhưng điều đáng tiếc, khi lập hồ sơ đấu thầu các chủ đầu tư chỉ nhìn vào giá, thầu nào bỏ giá rẻ thì cho trúng. Sau đó lại điều chỉnh dự án, lại xin thêm kinh phí... gây tốn kém, lãng phí. Đồng quan điểm với ĐB Kỷ về xử lý trách nhiệm người đứng đầu, ĐB Nam đề nghị phải bổ sung hành vi cụ thể vào luật để xác định được rõ mức độ, trách nhiệm đến mức nào.
|
Theo ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa), hiện lãng phí do ý chí, quyết định của một cá nhân gây ra hậu quả lớn, nhưng lại núp bóng chủ trương chung của tập thể. Vì vậy phải bổ sung vào luật quy định người đứng đầu gây lãng phí trong đầu tư, chi tiêu ngân sách nhà nước tùy mức độ chịu trách nhiệm dân sự hay hình sự.
ĐB Xuân đưa ra nhiều đề xuất để ngăn chặn lãng phí, phải căn bản thay đổi yêu cầu công khai, minh bạch, tự chủ trong quản lý chi tiêu ngân sách. Đơn cử, việc sử dụng ô tô công vừa qua không hiệu quả do mua xe theo định mức, nay có thể khoán bằng tiền cho từng đơn vị. Cán bộ, công chức không thể bị bỏ ngoài cuộc, nên được bàn bạc các khoản chi tiêu trong cơ quan, chứ không để cuối năm thủ trưởng mới báo cáo. Tại các khu dân cư, việc tổ chức đám ma, đám cưới thời gian qua được chấn chỉnh bởi một số quy định như đám ma bảy vòng hoa, đám cưới mấy chục mâm, theo ĐB Xuân thì trước hết cán bộ, công chức phải làm gương - điều này cũng nên đưa vào trong luật.
ĐB Trương Thái Hiền (Kiên Giang) cũng đồng tình cần hạn chế việc tổ chức đám cưới, đám ma khoa trương. “Chống lãng phí phải được coi như quốc sách hàng đầu, kiên quyết ngăn chặn thất thoát đầu tư công, chi tiêu công. Phải quy định nó giống như hành vi đội mũ bảo hiểm, cấm đốt pháo và như một lối sống thường nhật”, ĐB Hiền nói. Nhận định lãng phí là quốc nạn, “song đôi” với tham nhũng, ĐB Hiền cũng đề xuất phải bổ sung các hành vi vi phạm pháp luật lãng phí vào bộ luật Hình sự.
Ra quyết định gây lãng phí phải bồi thường
ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) tiếp tục chỉ ra lỗ hổng của luật khi không có nội dung quy định xử lý trách nhiệm lãnh đạo các cơ quan đơn vị khi chi sai định mức, tiêu chuẩn. ĐB cũng đề nghị, không chỉ bổ sung nội dung này vào dự luật sửa đổi mà kể cả việc phải bồi thường khi ra quyết định gây lãng phí.
ĐB Lê Văn Tân (Hà Nam) nêu việc xây dựng đô thị, chung cư không có kiểm soát gây thất thoát, lãng phí lớn cho đất nước. Quy hoạch cảng biển, sân bay cũng lãng phí, hai sân bay quốc tế cách nhau 100 km, trong khi nếu đi đường bộ mất 1 giờ, hay việc bố trí kế hoạch đầu tư dàn trải... ĐB Tân đề nghị, dự thảo luật nên quy định việc lập, quy hoạch, kế hoạch đầu tư các ngành, lĩnh vực. Ngoài ra phải quy định chặt chẽ việc công khai, minh bạch thông qua hình thức phát hành ấn phẩm, thông báo trên báo chí... bởi trên thực tế, khi lãng phí người đứng đầu chọn hình thức ít công khai nhất, không cung cấp thông tin.
Cũng theo ĐB Tân, vừa qua khi báo chí đăng ảnh bài viết xe công đi lễ hội, ngay sau đó tình trạng này được chấn chỉnh, báo chí phản ánh mất an toàn vệ sinh thực phẩm, tình hình giảm đáng kể. Đặc biệt, nhiều trường hợp cơ quan quản lý không phát hiện được, nhưng báo chí phát hiện vụ gian dối khi nạo vét sông ở TP.HCM. “Khi không có đủ thông tin thì không giám sát được, vì vậy cần bổ sung, người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm công khai các lĩnh vực hoạt động, tài liệu không phải là mật, đây là hình thức bắt buộc và phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng”, ĐB Tân đề nghị.
Sẽ có luật Căn cước công dân Sáng qua QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa 13 và năm 2013. Theo đó, QH đồng ý bổ sung 7 dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, trong đó có luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi); luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Sĩ quan quân đội nhân dân VN; luật Về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; bổ sung 2 pháp lệnh và một nghị quyết, gồm pháp lệnh Cảnh sát môi trường; pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị quyết của Ủy ban TVQH sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 928 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên. QH cũng quyết nghị bổ sung 5 dự luật vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, trong đó có luật Đầu tư công; luật Hộ tịch. Thống nhất đưa vào chương trình năm 2014 dự án luật Căn cước công dân, luật Nhà ở (sửa đổi), luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Trước đề xuất của một số ĐB bổ sung vào chương trình năm 2014 dự án luật Về hội, luật Biểu tình, luật Trưng cầu dân ý..., Ủy ban TVQH cho rằng, đây đều là các dự án đã có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ QH khóa 13. Do đó, đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục soạn thảo để đưa vào chương trình các năm tiếp theo. Bảo Cầm |
(Theo TNO)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065