Ông Trần Văn Long (chồng bà Hằng) bên máy bóc tách vỏ hạt điều
Đi lên từ gian khó
Từ Bắc vào Nam lập nghiệp năm 1995, thời gian đầu, gia đình bà Trần Thị Hằng tập trung trồng cà phê trong khi không hề có chút kiến thức nào về loại cây trồng này. Đầu những năm 2000, cà phê liên tục rớt giá làm nhà vườn rơi vào cảnh thua lỗ. Năm 2002, gia đình bà Hằng “bán tháo” vườn cà phê đang thời kỳ thu hoạch, đến thôn Bù Ghe, xã Đắk Nhau làm nghề thu mua nông sản.
Bà Hằng cho biết: “Thời điểm đó, thu mua nông sản ở Bù Đăng rất thuận lợi bởi từng vạt rẫy trải dài trồng các loại cây như: mì, lúa, đậu, bắp... Ngày đó, đường sá đi lại khó khăn, muốn vào được các thôn, sóc của đồng bào phải băng qua nhiều lối mòn ven rừng, rẫy nên khá cực nhọc. Thấy người dân trồng điều rất nhiều nên năm 2010, vợ chồng tôi mở xưởng chẻ hạt điều với 30 công nhân. Ít vốn nên gia đình tôi làm mỗi ngày khoảng 2 tấn. Do làm thủ công nên tỷ lệ hạt bị nứt, gãy nhiều”.
Vừa quản lý xưởng, vợ chồng bà Hằng vừa phải đến tận vườn của người dân trong xã và vùng lân cận thu mua điều. Sau nhiều năm tạo được mối quan hệ, dần dần, bà xây dựng được mạng lưới thu mua thông qua các tiểu thương. Bà Hằng còn thu mua với mức giá cao hơn ngoài thị trường nên người dân chở đến tận xưởng. Từ đó, số lượng hợp đồng ký kết tiêu thụ cũng tăng lên. Bà tuyển thêm 10 lao động để đảm bảo thời gian, sản lượng hàng xuất. Chị Chu Thị Ngân, dân tộc Tày ở thôn Bù Ghe, vào làm công từ những ngày đầu bà Hằng mở xưởng cho biết: “Có việc làm thường xuyên lại gần nhà nên tôi gắn bó với xưởng hơn 5 năm nay. Thu nhập ổn định từ 3-4 triệu đồng/tháng”.
Lợi nhuận tăng nhờ đưa kỹ thuật vào sản xuất
Tháng 9-2014, bà Hằng đầu tư mua 1 máy bóc tách vỏ hạt điều trị giá 450 triệu đồng cùng lò sấy, sàng hơn 200 triệu đồng và gửi công nhân đi học kỹ thuật thành thạo khi đứng máy. Bà Hằng cho biết: Từ ngày có máy bóc tách vỏ hạt điều, chất lượng sản phẩm cao hơn nhiều so với làm thủ công, tỷ lệ hạt vỡ giảm tối đa nên ký được nhiều đơn đặt hàng lớn. Trước đây làm thủ công, mỗi tháng xưởng chỉ làm được khoảng 50 tấn điều thô nhưng nay tăng lên 120 tấn. Doanh thu từ 50 triệu đồng/tháng tăng lên hơn 100 triệu đồng/tháng. Lợi nhuận tăng lên gấp đôi so với làm thủ công. Nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất đã giảm được sức lao động.
Là công nhân đứng máy, anh Vũ Đại Dương ở thôn 5, xã Đường 10 bộc bạch: “Lúc mới nhập máy về, tôi chưa nắm được kỹ thuật nên còn nhiều bỡ ngỡ, lúng túng. Được kỹ thuật viên của nhà sản xuất hướng dẫn và bản thân tự tìm tòi, học hỏi nên tôi đã vận hành máy thành thạo. Ngày làm việc 8 tiếng, thu nhập bình quân 8 triệu đồng/tháng nên tôi sẽ gắn bó lâu dài với xưởng điều này”.
Nói về dự định mở rộng quy mô nhà xưởng, bà Hằng nói: “Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất điều không tránh được rủi ro nên phải nắm bắt tốt thị trường để sản xuất lượng hàng phù hợp từng thời điểm. Thời gian tới, gia đình tôi sẽ đầu tư mở rộng xưởng chế biến điều”.
Hải Châu
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065