Xuân về, đất trời và lòng người Tày, Nùng xao xuyến với những câu hát si, hát lượn, háo hức trong những cái tung còn… Bạn hãy đến với xã Tân Phước (Đồng Phú) trong những ngày này, để được đắm mình trong tình xuân của hội tung còn của các dân tộc Tày, Nùng, Thái…
Toàn cảnh hội tung còn ở Tân Phước
Giải thích vì sao có hội tung còn, già Nông Văn Nhàn (xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú) kể lại: “Ngày xưa có chàng trai mồ côi, nghèo khổ tên là Pịa. Ngày hội, từng đôi trai gái hát lượn, hát si, hát hà lều, trò chuyện, tâm tình với nhau. Họ rút những chiếc vòng bạc chạm trổ rất đẹp ở cổ tay ra, buộc một đuôi khăn thêu vào, rồi tung đi tung lại với nhau. Pịa cũng muốn tung vòng nhưng không có vòng. Chợt nhớ tới quả còn giắt ở gánh củi ngắt ở rừng hôm qua, Pịa liền chạy về nhà lấy quả còn ra tung một mình. Chàng tung quả còn vừa có dây tươi vừa có lá ở dây lên tận chín tầng mây cao tít. Nàng tiên bắt được quả còn của chàng lại tung trả về. Pịa và nàng tiên nên duyên vợ chồng”.
“Dân làng thấy vậy rủ nhau lên rừng tìm quả còn nhưng không được. Họ bàn nhau làm ra những quả còn giả bằng vải khâu nhồi cát, có dây, có tua rồi ra hội tung đón với nhau. Họ bảo nhau làm một cái vòng dán giấy đủ chín màu giả thay cho chín tầng mây cắm ở trên một cột tre cao ngất đóng ở giữa đám hội. Họ thi nhau tung rất cao, cố gắng tung cho quả còn lọt qua cái vòng giả chín tầng mây ấy, và cố gắng bắt rất giỏi để cầu được duyên may như Pịa”. Ông Nhàn đưa bàn tay vuốt bộ râu gần bạc hết, đôi mắt sáng bừng lên những hình ảnh hội tung còn thời trai trẻ ở quê Cao Bằng.
Nam, nữ chưa lập gia đình đều được tung còn. Quả còn được may, thêu thùa trước đó bởi người mẹ, người chị, hay chính bàn tay của những cô gái tung còn. Quả còn khâu theo múi hoa văn nhiều màu sắc ghép nối, tượng trưng cho nhiều vẻ của vũ trụ. Trong là hạt thóc, hạt vừng, hạt cải, hạt đỗ, hạt hoa… thể hiện khát vọng tồn tại, sinh sôi và gìn giữ nhưng điều tốt đẹp cho mai sau... Dây còn se bằng sợi gai, sợi chỉ, kết tua xanh đỏ ở cuối. Hiện tại nhiều cô gái đã không còn biết thêu thùa, may vá nên chọn cách mua quả còn với giá từ 40.000 - 70.000 đồng để dự hội.
Tại cánh đồng ở ấp Phước Tâm (xã Tân Phước, huyện Đồng Phú) ngay từ mùng 3 tết, nhiều trai làng rộn ràng chuẩn bị cho hội tung còn.
Cây tre tàu được chọn để dựng cột tung còn cao từ 12m - 15m, một đầu được vạt để buộc tấm ván ép hình tròn có đường kính khoảng 30cm.
Giữa tấm ván ép hình tròn có khoét thêm một lỗ tròn có đường kính khoảng 15cm để người chơi ném quả còn chui vào. Sau đó 2 mặt của tấm ván hình tròn được dán giấy màu vàng, xanh hoặc đỏ trang trí cho đẹp mắt và để thể hiện mặt âm - dương của trời đất, bên ngoài vành tấm ván ép còn gắn thêm những chùm lông gà, những sợi tua bằng giấy màu xanh đỏ trang trí khá đẹp mắt.
Sau khi trang trí, buộc tấm ván ép hình tròn vào đầu cây tre tàu, cột tung còn được dựng giữa một khoảng sân bằng phẳng, 2 đầu sân được vạch vôi nhằm làm mốc cho người đứng tung còn. Khoảng cách từ vạch vôi đến cột tung còn khoảng 25m.
Anh Nghiệp Văn Bạch (xã Tân Phước, huyện Đồng Phú) cho biết: Ngày xưa, sau khi được sự đồng ý của người con gái, các chàng trai bắt đầu lượn then, hát si rồi bắt đầu vào hội tung còn. Khi tung còn, nam - nữ được chia thành từng nhóm 5 đến 7 người, nữ đứng riêng một đầu sân, nam đứng đầu sân tung còn về phía đối diện. Khi tung còn, người con gái đem theo một chiếc khăn tay, còn người con trai ai nấy để sẵn tiền trong túi mình.
Người con gái được chủ động chọn “ý trung nhân” của mình và chỉ tung còn về hướng người con trai được chọn. Nếu người con gái tung quả còn lọt qua lỗ giữa mảnh ván tròn trên cột, người con trai phải buộc tiền của mình vào quả còn để ném trở lại. Ngược lại nếu người con trai tung quả còn lọt qua lỗ thì người con gái phải lấy tiền bỏ vào khăn tay của mình buộc vào quả còn ném trở lại.
Hiện nay tung còn không còn phân nhóm nam - nữ đứng riêng mỗi đầu sân mà hòa lẫn nhau. Nam thanh, nữ tú cầm quả còn của mình quay xuôi, quay ngược cho đến khi “cảm giác” quả còn sẽ trúng điểm thì buông tay cho bay vút lên không trung. Những sợi rua ngũ sắc được kết trên sợi dây còn lúc này phát huy tác dụng, lấp lánh trong nắng xuân. Người có quả còn ném xuyên vòng tròn sẽ nhận bao lì xì từ 50 ngàn đồng đến 250 ngàn đồng từ ban tổ chức như một phần thưởng tượng trưng cho may mắn.
Chị Hoàng Thị Ba vẫn còn giữ quả còn ngày xưa nhờ hội tung còn mà nên duyên cùng anh Nghiệp Văn Bạch.
Hội tung còn ngày nay xuất hiện thêm những trò chơi dân gian có tính cộng đồng như: kéo co, nhảy bao bố, cờ tướng và chỉ diễn ra trong một ngày vì đường đến nơi tổ chức lễ hội không còn cách trở năm sông, bảy núi và mọi người có thể đi bằng xe máy.
Phần cuối của lễ hội tung còn là trò chơi “lày cỏ” (giống như trò “oẳn tù tì” trẻ con hay chơi). Phần thưởng của trò “lày cỏ” thường là những viên kẹo ngọt ngào kèm theo ly rượu “nước mắt quê hương” (loại rượu gạo của người Tày - Nùng được ngâm dưới giếng hoặc sông suối, khi uống vào mát lạnh như nước đá dù giữa trời nắng gắt) dành cho người thắng cuộc.
Tuyết Ly
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065