Những ngày cuối năm, tìm về với Tà Thiết để tự tay cầm chiếc lá trung quân, được len lỏi trên những con đường mòn phủ đầy lá, cỏ và nghe hướng dẫn viên kể về một thời không thể nào quên. Đó là một thời cả nước đứng lên đánh đuổi quân thù, một thời hoa lửa. Cuộc sống dù có đổi thay nhưng những sự kiện lịch sử gắn với Tà Thiết luôn là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc - một địa chỉ đỏ đối với du khách thập phương. Mời bạn về Tà Thiết du xuân để nghe một thời oanh liệt của cha ông!
Đường giao thông trong chiến khu
Oai hùng trong thời chiến
Trong căn nhà trưng bày hiện vật, chị Trương Thị Yến, hướng dẫn viên khu di tích kể: “Căn cứ Tà Thiết không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ và phát triển các hoạt động của Bộ chỉ huy Miền, một căn cứ dự trữ hậu cần chiến lược, mà còn là căn cứ cơ bản của Bộ chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi vẻ vang của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”. Chị Yến cho hay, căn cứ này có tên gọi đầy đủ là Căn cứ Quân ủy Bộ Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam, gọi tắt là Bộ chỉ huy Miền, hay căn cứ Tà Thiết. Nơi đây, Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh được thành lập và ra những quyết định chiến lược trong trận đánh cuối cùng thu non sông về một mối.
Tà Thiết trước đây là một sóc nhỏ của đồng bào Khơme (sork Kroom). Sau ngày Lộc Ninh được giải phóng (7-4-1972), Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền quyết định dời căn cứ Quân ủy Miền từ sóc Con Trăng (Tây Ninh) về đóng tại Tà Thiết. Việc chọn Tà Thiết cũng gây bất ngờ đối với địch, vì trước đây các căn cứ của Bộ Chỉ huy Miền thường đóng ở rừng sâu, nay dịch chuyển ra ở một khu vực có dân, có rẫy. Đầu tháng 3-1973, căn cứ Tà Thiết bắt đầu xây dựng và được xác định là căn cứ cuối cùng của cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tại đây, dưới những tán cây lớn, xung quanh là những rừng le đan chằng chịt là công trình nhà làm việc của các đồng chí chỉ huy cấp cao trong Bộ Tư lệnh Miền như Tư lệnh Trần Văn Trà, Phó tư lệnh Nguyễn Thị Định, Chính ủy Phạm Hùng, Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Lê Đức Anh... Riêng nhà ở và làm việc của thượng tướng Trần Văn Trà lại được dựng ngoài một trảng trống theo kiến trúc nhà sàn của đồng bào Khơme, nằm đan xen giữa hơn mười nóc nhà của đồng bào để đánh lạc hướng địch. Cùng với nhà ở và làm việc là hệ thống các công trình phục vụ khác như bếp Hoàng Cầm, nhà chính ủy, hầm giao ban, hội trường... tất cả đều được xây dựng theo lối nhà bán âm (nửa chìm nửa nổi) để tránh bom, đạn và về đêm hạn chế ánh sáng đèn phát ra ngoài. Mái lợp bằng lá trung quân để tránh bị máy bay địch phát hiện, đồng thời hạn chế cháy khi bị bom, đạn. Bao quanh mỗi công trình đều có hệ thống giao thông hào để thoát hiểm. Các hầm trú ẩn thường được làm cạnh nhà, chìm vào lòng đất, trên đặt mái bằng. Những hầm đặc biệt như hầm chỉ huy, hầm thông tin, hầm quân y... được làm khá rộng để tiện hoạt động, phòng khi trên mặt đất không an toàn. Giao thông hào chỉ dành cho một số hầm đặc biệt nói trên, không phổ biến toàn căn cứ. Các hạng mục cách nhau từ 50 đến 200m. Do đó, mặc dù bị quân giặc bắn phá dữ dội, nhưng Tà Thiết vẫn vững vàng trong khói lửa chiến tranh, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi vẻ vang của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhà của tướng Trần Văn Trà
Những ký ức đẹp
Khu di tích lịch sử này có địa bàn rộng, bằng phẳng, không gian yên tĩnh, không khí trong lành. Đến đây chúng ta không chỉ được tận mắt chứng kiến những hình ảnh, hiện vật, tư liệu sinh động, mà còn được thưởng thức những món ăn đặc trưng của miền rừng núi và của thời kỳ kháng chiến: Cơm nắm muối mè, canh thục cơm lam, canh chua lá giang, măng rừng, đọt mây, khoai mì nướng lùi; sẽ được thưởng thức những giai điệu cồng chiêng, các làn điệu dân ca và giao lưu văn hóa với đồng bào bản địa như múa lâm thôn, múa xoan...
Hướng dẫn viên Trương Thị Yến cho biết, căn cứ Tà Thiết rộng đến 1.200 ha, được xếp hạng di tích quốc gia vào năm 1988 và khánh thành vào ngày 20-4-1995, gồm nhà trưng bày, nhà làm việc của chính ủy Phạm Hùng, thượng tướng Trần Văn Trà, tướng Lê Đức Anh và bà Nguyễn Thị Định, hầm chữ A, hội trường, nhà ở, phòng họp, phòng y tế... nhằm giới thiệu truyền thống đấu tranh của cha ông cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Tất cả đều được phục dựng nguyên bản. Ngày nay, di tích lịch sử Tà Thiết là địa chỉ đỏ du lịch về nguồn đầy ý nghĩa của các đoàn khách tham quan trong và ngoài tỉnh.
Đưa chúng tôi đến từng nơi lưu dấu ấn của các vị cách mạng tiền bối, con đường mòn nhỏ nay đã được trải xi-măng nhưng vẫn không làm mờ đi những gian khổ, những hy sinh thầm lặng của các vị tiền nhân. Dưới tán rừng, những cây dầu, cây sao, le le vẫn rợp bóng, nắng xuân vẫn long lanh chiếu xuyên qua từng tán lá, Tà Thiết hôm nay đẹp lạ lùng. Dấu tích của một thời khói lửa, một thời anh hùng vẫn còn đọng lại đâu đó trong từng gốc cây, hòn đất. Căn nhà của bà Định vẫn bình yên bên hố bom, chiếc chõng tre mộc mạc và đơn sơ đến lạ kỳ, nhà của tướng Trà trông xa như một mái nhà của người Khơme chất phác... Vườn cây lưu niệm của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ trồng khi về thăm đang vươn mình trong gió và thì thầm kể cho du khách nghe những câu chuyện đã đi vào huyền thoại của dân tộc. Chị Nguyễn Thị Kim Hạnh (1985), du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh cho hay: “Tôi biết về khu di tích Tà Thiết qua sách báo. Nhưng tết này mới được đặt chân đến chiến khu Tà Thiết. Đến đây lớp trẻ chúng tôi mới hiểu hết sự hy sinh to lớn của cha anh vì dân vì nước. Tôi sẽ giới thiệu cho bạn bè về Tà Thiết nhiều hơn”.
Nhà của cô Ba Định
Nhiều du khách cho rằng, khi đến với Tà Thiết tâm hồn họ bỗng thanh thản đến lạ kỳ, phải chăng hào khí non sông và đất trời vùng chiến khu này đã tạo nên khí phách cách mạng. Đến với Tà Thiết, chúng ta như lạc vào chuyện cổ tích, hòa mình vào lịch sử, vào thiên nhiên để sống lại một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.
Ông Nguyễn Quang Toản, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: “Di tích lịch sử Tà Thiết có giá trị to lớn về mọi mặt, nhất là giá trị giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Do vậy, ngành được giao quản lý khu di tích từ năm 1997, đến nay đã tham mưu cho UBND tỉnh trong việc lập đề án quy hoạch, đầu tư tôn tạo... Đặc biệt, năm 2004, Bình Phước đã có biên bản ghi nhớ với lãnh đạo Quân khu 7 về việc phối hợp đầu tư với quy mô 3.200 ha, trong đó vùng lõi chiếm 500 ha. Sắp tới, sở sẽ trình UBND tỉnh, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 về kế hoạch tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Căn cứ Tà Thiết trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước” là bước đệm cho khu du lịch Tà Thiết cất cánh”.
Xuân mới đang về, rừng Tà Thiết hôm nay đã khoác lên mình chiếc áo mới. Chiếc áo của một thời máu, lửa và hoa, bây giờ có thêm vai trò của một chứng tích lịch sử quan trọng trong giáo dục truyền thống cách mạng. Tuy vậy, rừng Tà Thiết vẫn âm ỉ nỗi đau khi có không ít kẻ thiếu ý thức cố tình xâm hại đến lâm sản, động chạm đến di tích chỉ vì một chút lợi nhỏ. Sự xâm hại này cần phải được xử lý nghiêm khắc.
Tấn Phong
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065