Thí sinh làm thủ tục vào phòng thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 tại Hội đồng thi Trường THPT Đồng Xoài - Ảnh: K.B
Điểm mới thứ nhất là theo dự thảo quy chế tuyển sinh mới, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ tổ chức hai loại cụm thi. Cụm thi cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, do trường đại học chủ trì. Đối với cụm thi cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông thì do Sở Giáo dục - Đào tạo chủ trì. Đồng thời, dự thảo quy chế cũng cho phép tùy tình hình cụ thể của địa phương, các tỉnh có thể chỉ tổ chức cụm thi đại học.
Điểm mới nổi bật thứ hai trong dự thảo quy chế tuyển sinh năm 2016 là trong đợt xét tuyển đầu tiên, thí sinh được đăng ký vào hai trường và mỗi trường có hai nguyện vọng vào hai ngành học khác nhau. Tức là mỗi thí sinh sẽ có được 4 nguyện vọng ở đợt đăng ký xét tuyển đầu tiên. Đối với đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh được đăng ký vào ba trường và mỗi trường được đăng ký hai ngành học. Cũng theo dự thảo quy chế, trong khâu xét tuyển, năm nay thí sinh không phải đến tận các trường đại học để làm hồ sơ đăng ký, mà nộp hồ sơ qua bưu điện hoặc qua internet. Đối với những thí sinh đang cư trú tại các địa bàn không có đường truyền internet thì có thể gửi phiếu xét tuyển qua đường bưu điện và không phải gửi hồ sơ xét tuyển như kỳ thi tuyển sinh năm 2015. Tuy nhiên, chính trong những điểm mới của dự thảo quy chế này đã phát sinh không ít băn khoăn, lo lắng đối với học sinh và các bậc phụ huynh.
Cụ thể là ở điểm mới thứ nhất có nhiều ý kiến lo ngại như sau: Việc tổ chức các cụm thi tốt nghiệp ở từng tỉnh, thành phố và cụm thi đại học liên tỉnh như năm 2015 đã được dư luận đồng tình, vì cách làm này có hiệu quả cao. Thế nhưng trong năm 2016, nếu quy định cứng nhắc về việc triển khai tổ chức cụm thi đại học ở tất cả các tỉnh theo địa giới hành chính thì sẽ dẫn đến sự xáo trộn đối với thí sinh. Vì thực tế có rất nhiều thí sinh sang tỉnh bên thi gần hơn nhiều so với về trung tâm tỉnh nơi mình cư trú để dự thi. Bên cạnh đó, việc tổ chức cụm thi đại học ở địa phương sẽ khó khăn cho các trường đại học. Mặt khác, việc bố trí lại cụm thi khác với năm 2015 sẽ tác động đến tâm lý của thí sinh và phát sinh nhiều phức tạp.
Một bất cập nữa trong việc tổ chức cụm thi đại học ở các tỉnh là căn bệnh thành tích trong ngành giáo dục chưa khắc phục được, vì thế việc giao cho các địa phương tổ chức thi sẽ gây ra sự e ngại của xã hội về chất lượng của các bài thi. Nói cách khác là liệu các bài thi ở tỉnh có đảm bảo tính nghiêm túc, phản ánh đúng năng lực của thí sinh. Vì vậy, có nhiều ý kiến cho rằng đối với các tỉnh miền núi, việc đi lại khó khăn thì Bộ Giáo dục - Đào tạo nên tổ chức cụm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, còn đối với những tỉnh đồng bằng thì không nên.
Ở điểm mới thứ hai, bất cập ở chỗ trong đợt xét tuyển đầu tiên, mỗi thí sinh có tới 4 nguyện vọng và trong đợt xét bổ sung, mỗi thí sinh lại có thêm 6 nguyện vọng. Như vậy, tổng cộng trong hai đợt xét tuyển, mỗi thí sinh có tới 10 nguyện vọng, do đó chắc chắn số thí sinh đăng ký ảo vào các trường đại học, cao đẳng sẽ tăng vọt ở từng trường. Vì thực tế từ nhiều năm qua cho thấy vẫn còn không ít thí sinh đua theo bạn để đăng ký vào các trường ở tốp trên để lấy tiếng, mà không đăng ký theo thực lực của mình nên dẫn đến tình trạng số thí sinh ảo. Và cũng từ tâm lý này, cộng thêm được trao quá nhiều cơ hội (nhiều nguyện vọng) nên chắc chắn các trường đại học và cao đẳng ở tốp dưới sẽ không tuyển sinh được ở ngay trong đợt đầu.
Bất cập thứ hai ở điểm này là dự thảo quy chế cho phép các thí sinh nộp phiếu đăng ký xét tuyển và lệ phí xét tuyển qua đường bưu điện, nhưng lại không quy định rõ thời hạn xét tuyển cuối cùng của từng trường trong các đợt được căn cứ vào dấu bưu điện. Vì nếu không quy định rõ điều này thì sẽ dẫn đến thiệt thòi cho thí sinh, đồng thời phát sinh thêm việc giải quyết khiếu nại phức tạp về sau. Đối với hình thức đăng ký trực tuyến cũng phát sinh nhiều băn khoăn đối với thí sinh. Vì việc xác nhận đăng ký xét tuyển chỉ được thực hiện khi thí sinh đã nộp lệ phí xét tuyển. Và việc nộp lệ phí này chỉ thuận tiện nếu trường đại học nào đã hoàn thiện hệ thống thanh toán lệ phí qua tài khoản. Ngược lại, nếu trường đại học nào chưa thực hiện việc thanh toán qua tài khoản thì thí sinh lại phải chuyển tiền lệ phí xét tuyển qua bưu điện thì chắc chắn không những tiện ích của hình thức đăng ký trực tuyến không còn, mà có thể sẽ xảy ra phiền phức.
Đông đảo bậc phụ huynh và học sinh rất mong bất cập trên đây sớm được Bộ Giáo dục - Đào tạo có giải pháp khắc phục, để mùa tuyển sinh năm 2016 xã hội không còn những băn khoăn, lo lắng.
N.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065