Quốc hội cần quyết định ngân sách qua 2 kỳ họp
Nhiều ý kiến đề nghị để tránh hình thức, đảm bảo thực hiện quyền của Quốc hội cần quyết định ngân sách qua 2 kỳ họp: Giai đoạn 1, tại kỳ họp giữa năm, Quốc hội sẽ quyết định khung ngân sách, tổng thu, tổng chi, bội chi, cơ cấu thu, cơ cấu chi, định hướng ưu tiên nhiệm vụ chi trong một số ngành, một số lĩnh vực. Trên cơ sở đó, tại kỳ họp cuối năm Chính phủ báo cáo về dự toán thu, chi chính thức và phương án phân bổ cụ thể ngân sách Trung ương cũng như dự toán ngân sách Nhà nước để Quốc hội xem xét, quyết định.
Đại biểu Khúc Thị Duyền (đoàn Thái Bình) phát biểu ý kiến. |
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại chỉ ra: Theo quy định của hệ thống pháp luật hiện hành, Quốc hội một năm chỉ họp 2 kỳ. Tại kỳ họp giữa năm (tháng 5, tháng 6), Quốc hội không quyết định về khung kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cho năm sau; trường hợp điều chỉnh lại quy định để giao Quốc hội quyết định về khung ngân sách cùng với khung về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội tại kỳ họp giữa năm, đòi hỏi công tác dự báo phải có bước cải thiện lớn, chính sách kinh tế vĩ mô và tài chính – ngân sách Nhà nước có tính ổn định cao. Từ đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như quy trình hiện hành.
Tuy nhiên, bảo vệ cho quan điểm Quốc hội quyết định ngân sách qua 2 kỳ họp, đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) lập luận: Đối với Quốc hội, quyền quan trọng nhất là quyền quyết định ngân sách. Nếu Quốc hội muốn kiểm soát ngân sách thì trong luật này và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quốc hội đặt ra các khoản thu, chi phải là thẩm quyền lập pháp. Quốc hội họp 2 kỳ/năm, nếu xảy ra vấn đề bất thường thì đã có dự phòng ngân sách, nên không có gì mà lại không thể đưa ra cho Quốc hội quyết định. Đại biểu Lịch cho rằng, thảo luận về ngân sách mà làm một kỳ thì không thuyết phục. Ngân sách là quan trọng, Quốc hội phải quyết. Hằng năm Quốc hội phải dành 10% quỹ thời gian 2 kỳ họp để bàn thì mới làm đến nơi, đến chốn, kiểm soát được, “chứ như hiện nay thì không bao giờ khắc phục được tính hình thức” đại biểu Lịch nhấn mạnh.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, việc quyết định ngân sách theo quy trình qua 2 kỳ họp sẽ giúp việc xây dựng dự toán được khoa học, chất lượng hơn, phát huy vị trí, vai trò, thẩm quyền của Quốc hội, HĐND theo tinh thần Hiến pháp; nâng cao trách nhiệm của Chính phủ, UBND.
Đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) đồng tình với việc tăng cường chất lượng việc xây dựng dự toán ngân sách nên theo quy trình qua 2 kỳ họp. Để có chất lượng hơn, đại biểu Minh đề nghị dự toán ngân sách hằng năm phải được thảo luận, cho ý kiến tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách trước kỳ họp cuối năm của Quốc hội.
Công khai thực chất
Qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu đánh giá việc công khai ngân sách Nhà nước là biện pháp rất quan trọng tạo sự minh bạch trong quản lý tài chính kinh tế và sử dụng ngân sách nhà nước. Chỉ ra, trong dự thảo luật đã quy định về nội dung, hình thức, thời hạn công khai ngân sách khá cụ thể, nhưng theo đại biểu Khúc Thị Duyền (đoàn Thái Bình), dự thảo luật còn chưa quy định cụ thể về đối tượng chịu trách nhiệm công khai. Đại biểu cho rằng, điểm C, khoản 1, Điều 15 ghi báo cáo công khai ngân sách hợp lý, cũng chỉ phù hợp với đơn vị thực hiện ngân sách, chứ công khai các quỹ là khó thực hiện được, sau này về hướng dẫn phải rất cụ thể các đơn vị nào công khai, trong thời điểm nào, thời hạn công khai. “Chúng tôi thấy chưa thể hiện rõ việc công khai các nguồn quỹ thu từ ngân sách Nhà nước cũng như sự đóng góp của nhân dân thể hiện trong luật”, từ đó đại biểu Duyền đề nghị trong luật này phải quy định bắt buộc về công khai từ khâu dự toán cho đến chấp hành dự toán và quyết toán ngân sách; các nguồn quỹ có nguồn ngân sách nhà nước và đóng góp của nhân dân thì phải công khai.
Từ ý nghĩa việc rút ngắn thời gian quyết toán ngân sách Nhà nước mang lại tác động tích cực, phát huy tốt vai trò công tác quyết toán ngân sách, góp phần tăng cường kỷ luật tài chính, chấn chỉnh kịp thời các sai phạm, phục vụ tốt hơn cho việc điều hành ngân sách năm sau, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (đoàn Hà Tĩnh) đề nghị giảm thời gian quyết toán ngân sách Nhà nước xuống dưới 12 tháng chứ không để 18 tháng như hiện nay. Theo đại biểu Phúc, nếu để 18 tháng như hiện nay, việc thu, chi đã diễn ra quá lâu rồi mới thảo luận, cho ý kiến sẽ giảm ý nghĩa.
Nhiều đại biểu phát biểu tại hội trường đã không đồng ý với quy định tại Điều 7 dự thảo: “Vay bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước phải bảo đảm nguyên tắc không sử dụng cho tiêu dùng, chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển và bảo đảm bố trí ngân sách để trả hết nợ lãi khi đến hạn. Đối với chi trả nợ gốc khi đến hạn thì được bố trí từ các khoản vay mới để thực hiện”. Đại biểu Đồng Hữu Mạo (đoàn Thừa Thiên-Huế) lo ngại việc vay để trả nợ sẽ khiến cho ngân sách luôn trong tình trạng nợ, không thoát ra được, đồng thời che lấp yếu kém của khoản nợ vay trước đây.
Đồng tình với đại biểu Mạo, đại biểu Trương Thị Huệ (đoàn Thái Nguyên) chỉ ra, với quy định như vậy, cứ đến hạn lại đi vay chi trả dẫn đến khó khăn, không buộc phải tiết kiệm chi ngân sách để trả nợ.
Nguồn QĐND
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065