Bộ Tài nguyên - Môi trường vừa công bố Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi để lấy ý kiến đóng góp của các cấp, các ngành và nhân dân. Với những điểm mới được sửa đổi và bổ sung, dự luật đang được kỳ vọng sẽ trao quyền nhiều hơn cho người dân và các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp trong việc tiếp cận thông tin và dữ liệu về môi trường từ các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong dự thảo luật này vẫn còn không ít những bất cập.
Ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt
Cụ thể, theo dự thảo thì đại diện cộng đồng dân cư có liên quan trên địa bàn chịu tác động môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quyền yêu cầu chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cung cấp các thông tin về bảo vệ môi trường và liên quan đến bảo vệ môi trường bằng việc đối thoại trực tiếp; cung cấp thông tin bằng văn bản. Bên cạnh đó, đại diện cộng đồng dân cư cũng được quyền tổ chức tìm hiểu thực tế về công tác bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; thu thập, công bố, cung cấp thông tin cho các cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về thông tin có liên quan đến bảo vệ môi trường của cơ sở.
Ngoài việc có quyền yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cung cấp các kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở sản xuất, đại diện cộng đồng dân cư còn có quyền tham gia đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; thực hiện các biện pháp khác để bảo vệ quyền và lợi ích của mình và cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Dự thảo cũng quy định rằng, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có các quyền được cung cấp và yêu cầu cung cấp thông tin về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; được tham vấn đối với các dự án có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Ngoài ra, các đối tượng trên cũng có quyền được yêu cầu đối thoại và tham gia đối thoại về bảo vệ môi trường với các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường và các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có liên quan; được tham gia các hoạt động kiểm tra về bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Đồng thời những đối tượng này còn có quyền kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền khởi kiện các hành vi vi phạm và yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây tác hại đối với môi trường. Luật Bảo vệ môi trường hiện hành không quy định rõ ràng các loại thông tin môi trường mà người dân có thể tiếp cận; không chỉ rõ các quyền của các tổ chức xã hội, dân sự, biện pháp công bố thông tin môi trường; cơ quan nào có thẩm quyền công bố những thông tin như vậy. Kết quả là, đại bộ phận người dân không hề được tiếp cận thông tin môi trường của các dự án hiện hành và môi trường ngày càng ô nhiễm với nhiều vụ khiếu kiện xảy ra.
Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi vẫn còn có điều mà dư luận băn khoan, đó là làm sao để người dân và các tổ chức dân sự có thể công khai thẩm định và giám sát các báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án của doanh nghiệp. Vì hiện nay, các báo cáo đánh giá tác động môi trường chỉ được thẩm định bởi các cơ quan chức năng. Người dân không có quyền thẩm định và giám sát các báo cáo này, cho dù các dự án đầu tư nằm tại địa phương họ và nếu có ô nhiễm xảy ra, thì họ chính là đối tượng đầu tiên chịu ảnh hưởng của ô nhiễm.
Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường hiện hành chưa có cơ chế tạo điều kiện cho người dân, công chúng thực hiện việc phản biện, đóng góp ý kiến hiệu quả. Và nếu không có một cơ quan, thể chế độc lập, đứng ra xem xét những ý kiến khách quan của người dân, thì với cơ chế hiện nay, ý kiến, kiến nghị được gửi đến hội đồng thẩm định cơ quan phê duyệt dự án khó có thể được xem xét khách quan và cũng chẳng khác nào việc vừa đá bóng vừa thổi còi.
Ngoài ra, theo suy nghĩ của tôi thì trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi cần có thêm các quy định cụ thể về việc tham vấn các cộng đồng dân cư về các chi tiết của dự án. Vì điều này sẽ giúp người dân hiểu rõ dự án và dự báo được rằng, cuộc sống của họ sẽ chịu ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực bởi dự án như thế nào. Đồng thời, việc công khai các thông tin và dữ liệu môi trường của dự án là một việc làm vô cùng cần thiết. Thế nhưng, trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi vẫn không quy định cách thức công bố các thông tin và dữ liệu này.
NV
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065