Di chỉ khảo cổ với hiện vật gạch được tìm thấy ở khu vực gần sông Tigris (Trung Đông) có niên đại 7.500 trước Công nguyên. Phải là đất sét mới làm được gạch.
Đất trộn với nước, nhồi nhuyễn và đưa vào khuôn đóng thành viên, màu nâu xám, phơi hoặc sấy khô rồi chất vào lò. Lò đốt bằng củi, các loại than trấu, khí đốt…suốt nhiều giờ.
Khi gạch "chín", chuyển sang màu đỏ hoặc nâu sẫm. Trải mấy ngàn năm, hình dạng gạch gần như không thay đổi, ban đầu là gạch chỉ, còn gọi là gạch thẻ (đặc), sau này có thêm gạch tàu (vuông), gạch ống.
Ở Việt Nam, nhiều người chỉ biết lò gạch tưởng tượng qua chuyện tình Chí Phèo và Thị Nở của nhà văn Nam Cao. Ở Hà Nội, trước khách sạn Pullman 5 sao, còn giữ lại ống khói gạch ngất ngưỡng của nhà máy đóng gạch Đại La.
Ở Long An có lò gạch của ông Võ Công Tồn (1841 - 1942), cơ sở kinh tài của cách mạng từ trước 1945, được công nhận là di tích quốc gia. Khắp Nam bộ, ven các con sông lớn, gần như tỉnh nào cũng có lò gạch. Bởi vận chuyển bằng đường thủy là thuận tiện và rẻ nhất.
Các lò gạch ở Nam bộ là loại lò truyền thống hình tròn, mái vòm, đường kính lọt lòng từ 6m3 - 8m1, cao từ 9 - 13m5. Tường lò dày khoảng 1m8 (phần dưới) - 0m9 (phần đỉnh). Các thông số thường tròn 9.
Lò gạch Nam bộ có từ thời mở đất, thường cha truyền con nối, dịch chuyển theo dòng đời. Những lò gạch bao đời tạo công ăn việc làm, giải quyết kinh tế cho hàng ngàn hộ gia đình. Nhiều người ăn học thành tài nhờ những lò gạch.
Có thể nói, cùng với cây lúa, các loại cá tôm và trái cây, những lò gạch đã góp phần phát triển kinh tế cho cả vùng mà Đồng Tháp là trọng điểm. Hàng trăm năm trước, các lò gạch tập trung bên kia sông Sa Đéc.
Sau thập niên 1970, chuyển dần sang vùng An Hiệp, bên này sông, với hàng trăm lò san sát. Cao điểm lên đến hàng ngàn công nhân, nhộn nhịp hơn công xưởng.
Thời hoàng kim có công nhân chuyên nghiệp, sau này suy thoái thì thường là công nhân thời vụ, chỉ cần học sơ vài buổi là thành thạo. Trẻ em dưới 15 tuổi cũng có thể tham gia để đỡ đần cha mẹ.
Nguyên liệu để làm gạch là đất sét phiến, có sẵn khắp nơi. Trong đất có các thành phần Silica 50 - 60o/o (cát), Alumina 20 - 30o/o (sét), Oxit sắt (không quá 7o/o) , Vôi (dưới 5o/o), Magie (dưới 1o/o). Do đặc thù cấu tạo địa chất và thổ nhưỡng, các loại đất lở ven sông, dân gian gọi là đất thủy phá đều là nguyên liệu tốt để làm gạch.
Hết đất thủy phá thì cơ man nào là đất ruộng cao. Cứ mua cả thửa, bỏ lớp đất mặt vài phân, xắn sâu xuống cả mét. Vừa hạ thấp mặt ruộng, vừa rửa phèn, cải tạo đất; chẳng những không tốn mà còn được tiền. Thợ chính sẽ dùng mắt và tay chọn đất chứ không cần máy móc đo đạc, vẫn chính xác đến kinh ngạc.
Đất được chở bằng đường thủy, chuyển lên bờ gần lò bằng sức người, rồi đạp nện bằng chân tay. Tới độ nhuyễn nhất định thì cắt thành viên, phơi khô, rồi xếp vào lò nung. Trước đây, mọi việc đều làm thủ công. Nay đã có máy móc toàn bộ.
Từ máy xúc, cạp đất; băng chuyền chuyển đất lên bờ; đến việc đạp nện và đúc khuôn từng loại gạch. Việc xây dựng các lò gạch khá vất vả, phải có tay nghề.
Lò được chọn ngày khởi công, chọn thợ, chọn hướng. Khoảng 20 - 30 công nhân làm việc cật lực sẽ hoàn thành việc xây lò từ 15 - 20 ngày. Mỗi lò sử dụng từ 200.000 - 250.000 viên gạch. Từng lò có khả năng nung gạch ống tương đương với số lượng xây lò, còn với gạch thẻ thì số lượng gấp rưỡi trở lên.
Từ nào tới giờ, các lò gạch Nam bộ chỉ đốt bằng trấu vì rẻ. Gạch ống đốt khoảng 45 ngày đêm, gạch thẻ 70, còn gạch tàu là 90. Khi nung miệng lò sẽ bít kín, chỉ có các lỗ thoát khí nhỏ, độ nóng lên dần tới 2.500 - 2.800 độ, bỏ xa độ nóng của các loại khí đốt.
Điều này lý giải vì sao chất lượng gạch thủ công được chuộng vì chất lượng ăn đứt mấy lò tunel đốt khí. Các lò truyền thống đốt bằng trấu, mới đốt khói lò có màu trắng, sau chuyển dần thành đen.
Lò đốt xong phải để nguội từ 10 ngày (gạch ống) - 30 ngày (gạch tàu) mới mở lò, xuất xưởng. Gạch được thương lái chở đi tiêu thụ khắp nước và cả xuất khẩu. Tro trấu được đóng bao, bán cho nhà vườn. Lò được vệ sinh và lại tiếp tục vòng đời mới.
Do sản xuất thủ công nên hàm lượng các loại khí độc như HF (axit florhydric), NO2 (nitrogen dioxit), SO2 (sunfua dioxit), CO (cacbon monoxit)... luôn gấp hàng chục lần ngưỡng bình thường. Không chỉ con người mà cả cỏ cây cũng bị ảnh hưởng nặng.
Ngày 1-8-2001, Thủ tướng chính phủ ra nghị định 115/2001/QĐTT "Đến năm 2010 phải xóa hết các lò gạch thủ công để chống ô nhiễm".
Gần đây có thương lái mua lại cả chục triệu mỗi lò gạch cũ, tháo dỡ lấy gạch cổ để xây dựng. Một số chủ lò đành gạt nước mắt, bán đứt, dỡ lò chuyển nghề. Số khác vẫn chần chừ vì tiếc nuối những lò gạch máu thịt cha truyền con nối.
Những lò gạch bỏ hoang, cỏ dại um tùm, dây leo trùm cả lò. Có lò còn nguyên thân dây leo, bò từ đỉnh lò xuống đất, như sợi dây thừng của Thạch Sanh xuống cứu công chúa ngày xưa. Vào trong lò, giật mình vì sự tương đồng với các tháp Chàm cả ngàn năm tuổi.
Đặc biệt là những tháp cổ của quần thể Sambor Prei kuk (Kampong Thom, Campuchia), di sản thế giới, kinh đô đế chế Khmer từ thế kỷ VI - VIII. Chỉ khác là các tháp Chàm, tháp cổ hình vuông hoặc chữ nhật, còn lò gạch thường hình tròn.
Điều an ủi là những lò gạch hoang, vẫn thường xuyên có khách gần xa đến thăm, cả mấy ông tây bà đầm xoe mắt ngạc nhiên vì những tháp gạch độc đáo. Khắp ASEAN và cả thế giới hình như không thấy. Chụp selfie rồi tung lên mạng thì bạn bè mắt tròn mắt dẹt ngạc nhiên. Nếu có flycam thì càng tuyệt.
May mắn là tỉnh Đồng Tháp kịp thời ngăn làn sóng xóa sổ các lò gạch cũ. Mấy chục lò gạch hoang ở An Hiệp, Châu Thành sẽ được giữ lại để làm du lịch.
Trước mắt là phát quang cỏ dại, chống rắn rết cho khách vào tham quan chụp ảnh miễn phí. Trên đường từ Sa Đéc về, có bến tàu qua thăm làng tháp gạch.
Giá vé tàu qua sông chỉ 1.000 đồng/ lượt mỗi người. Xe gắn máy cũng 1.000 đồng. Đi bộ chừng 500m, qua mấy lò gạch tunel mới đang sản xuất mà công đoạn làm gạch thô vẫn như cũ, chỉ khác việc nung, là tới làng tháp gạch.
Tha hồ mà selfie. Đi vào xế chiều là đẹp nhất. Phải chuẩn bị sẵn mấy bộ quần áo màu nóng với các loại nón, khăn để có bộ ảnh để đời. Đồng Tháp đang tìm nhà đầu tư, để biến những lò gạch hoang thành Làng Tháp Gạch độc đáo.
Có cả tháp bán cà phê, quà lưu niệm, ăn nhẹ. Có những tháp sẽ được cải tạo thành chỗ lưu trú qua đêm, không đụng hàng. Có cả tháp bảo tàng về lịch sử các lò gạch.
Các tháp gạch có tường dày gần 2m, không bị tác động bởi khí hậu bên ngoài. Mùa hè vẫn mát rượi, mùa đông vẫn ấm áp.
Trong khi chờ các tháp gạch đổi đời, sao chưa vác ba lô lên đường, ghé Châu Thành, Đồng Tháp; hỏi thăm một vài cô gái Nha Mân gần đó nhờ dẫn đường, để ngỡ ngàng với Làng Tháp Gạch, dân gian gọi nôm na là Làng Lò Gạch. Có khi, bạn sẽ "quên đường về".
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065