>> Bài 1: Viện bảo có, tòa nói không?
BP - Sau khi tòa tuyên án, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã ra quyết định kháng nghị toàn bộ Bản án hình sự sơ thẩm số 28/2015/HSST ngày 24-8-2015 của Tòa án nhân dân tỉnh; đồng thời, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh tuyên hủy bản án sơ thẩm và xét xử Nguyễn Văn Đồng theo quy định tại Điểm n, Khoản 1, Điều 93 của Bộ luật Hình sự.
Trái quan điểm hay… bỏ lọt tội phạm?
Kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đối với toàn bộ bản án sơ thẩm được dư luận đồng tình, nhất là người dân ở khu vực nơi bị cáo và bị hại cư trú. Tuy nhiên, vấn đề dư luận quan tâm ở đây là ngoài sự bất đồng quan điểm giữa hai cơ quan bảo vệ pháp luật thì liệu còn khe hở nào của pháp luật hình sự đã bị “lách” hay vì năng lực của người cầm cân nảy mực có vấn đề?
Quan điểm của tòa và viện
Quan điểm của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho rằng, Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Nguyên Văn Đồng không phạm tội giết người là chưa đánh giá hết toàn bộ chứng cứ và tài liệu khác đã thu thập có từ vụ án. Nhận định và quan điểm của Hội đồng xét xử đưa ra chủ yếu là những lời khai ban đầu được thu thập của quá trình tiền khởi tố vụ án. Vì vậy, không thể xem đó là những vi phạm tố tụng.
Trần Ký Thảo kể lại chuyện đánh bài của cha và bị cáo Đồng (ảnh nhỏ). Đông đảo người dân trong thôn đến tố cáo bị cáo (ảnh lớn)
Viện cũng phản bác lại lập luật của Hội đồng xét xử về việc không công nhận người làm chứng Trần Ký Thảo. Theo Hội đồng xét xử, vào thời điểm xảy ra vụ án Trần Ký Thảo mới 5 tuổi 6 tháng 13 ngày. Theo Điều 21 Bộ luật Dân sự 2005 thì “Người chưa đủ 6 tuổi không có năng lực hành vi dân sự”. Thế nhưng kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho rằng, tại Khoản 1, Điều 55, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Người nào biết được những tình tiết liên quan đến vụ án đều có thể triệu tập làm chứng”. Theo quy định này, Thảo vẫn tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng. Vì điều luật này không quy định độ tuổi người làm chứng.
Hội đồng xét xử cho rằng, biên bản ghi lời khai của cháu Thảo vào lúc 19 giờ ngày 28-1-2013, có ông Chiến Sỹ Cắm là người đại diện cho cháu Thảo do cán bộ công an Nguyễn Xuân Hùng ghi tại xã Đức Liễu là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và tính khách quan của vụ án. Nhưng đây là tài liệu xác minh ban đầu trước khi khởi tố vụ án, được xem xét đánh giá cùng lời khai của cháu Thảo, sau đó cơ quan cảnh sát điều tra ghi và mời người giám hộ như người thân, cô giáo của Thảo tham gia ghi lời khai của Thảo theo quy định tại Khoản 5, Điều 135 Bộ luật Tố tụng hình sự. Từ bản khai đầu tiên đến bản khai tại phiên tòa của cháu Thảo vẫn thống nhất.
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho rằng: Kết quả khám nghiệm hiện trường, tử thi và ghi lời khai của các nhân chứng, thu giữ vật chứng đưa đi giám định cùng các tài liệu, chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án đã đủ căn cứ kết luận có sự việc phạm tội xảy ra. Do vậy, Hội đồng xét xử nhận định “không có sự việc phạm tội” và tuyên bị cáo Nguyễn Văn Đồng không phạm tội là không khách quan, trái quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự...
Và góc nhìn của nhân dân
Chúng tôi đến nhà ông Trần A Ửng vào buổi trưa. Trên bếp tro tàn, nồi cháo trắng lõng bõng nước là bữa ăn chính của 6 mẹ con bà Hà Nàm Cú. Ngôi nhà rách nát, chung quanh đầy cỏ dại, cái giếng nước nơi ông Ửng chết cũng bị cỏ che phủ vì thiếu vắng đàn ông, lao động chính trong nhà. Người trong thôn hay tin kéo đến ngày một đông để tố cáo những hành vi của kẻ mà họ hết sức căm phẫn. Bà Hoàng Thị D ở ấp 1 tố cáo ông Đồng không khác gì yêu râu xanh. Nhà nào có đàn bà, con gái lỡ thì ông Đồng đều tìm tới. Bà D điểm qua gần chục cái tên phụ nữ bị “thả dê”. Ông Trần Nhật Ký, nguyên Trưởng ban Mặt trận thôn khẳng định, lời người dân tố cáo ông Đồng không hề sai. Còn ông Hoàng Đức Thuận, Trưởng thôn 8 nói: “Ở thôn 8 này ai cũng căm ghét ông Đồng vì ba cái chuyện bậy bạ đó”.
Ngược lại, về phía bị hại ai cũng thương xót cho cái chết oan ức của ông Trần A Ửng và tội nghiệp hoàn cảnh của 6 mẹ con bà Hà Nàm Cú. Ông Hoàng Đức Thuận cho biết: “Đây là hộ khó khăn nhất thôn. Chúng tôi phải thường xuyên cứu trợ, kêu gọi mọi người giúp đỡ. Đứa con gái đầu của bà Cú dù chưa đủ tuổi lao động nhưng cũng phải đi bóc vỏ lụa hạt điều thuê. Từ ngày ông Ửng chết, ngày nắng cũng như ngày mưa, mấy mẹ con bà Cú lếch thếch kéo nhau vào rẫy người khác nhặt từng hạt điều sót, mót từng sợi mủ để rau cháo qua ngày”. Tiếng phổ thông bập bẹ nên bà Cú phải nhờ người phiên dịch. Trần Ký Thảo năm nay đã gần 8 tuổi. Dù nhỏ loắt choắt nhưng vẫn diễn tả được những tình tiết mà ông Ửng và ông Đồng ngồi uống rượu, đánh bài... Chắc chắn trong ký ức của Thảo sẽ không phai mờ được hình ảnh ghê rợn về người cha thân yêu của mình bị kẻ thủ ác đánh và đẩy xuống giếng. Dù rất muốn lên tiếng, chỉ mặt kẻ sát nhân, nhưng Hội đồng xét xử không công nhận là nhân chứng hợp pháp nên Thảo đành ngồi yên... Từ ngày ông Ửng chết, ông Trần A Sắt (em trai ông Ửng) trở thành trụ cột của hai gia đình. Nhưng gia đình ông Sắt cũng nghèo nên chỉ đứng ra gánh vác được phần hương khói cho ông Ửng.
Rời thôn 8, chúng tôi mang nặng nỗi ưu tư trước những lời tố giác của nhân dân và hoàn cảnh bi thương của mẹ con bà Hà Nàm Cú. Câu hỏi “ai giết chết ông Trần A Ửng, ai đẩy gia đình bà Cú vào vòng bi thương...?” xin dành cho cơ quan bảo vệ pháp luật làm rõ.
PV Nội chính
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065