Để có được lượng du khách đông, đương nhiên phải kết hợp nhiều yếu tố chứ không chỉ có cảnh đẹp. Thái Lan thua xa chúng ta về số lượng cũng như vẻ đẹp danh thắng. Thế nhưng từ nhiều năm qua, ngành kinh tế không khói của họ phát triển cực thịnh. Tôi đã hỏi hai người là hướng dẫn viên du lịch chuyên đưa du khách đi Thái thì cả hai đều chia sẻ, ấy là bởi họ biết nắm bắt xu thế, không ngừng sáng tạo và biết nhìn xa trông rộng để khai thác du lịch bền lâu chứ không “ăn xổi” và mạnh ai nấy làm như chúng ta. Thực tế là trong suốt tour 5 ngày 4 đêm trên đất Thái, đoàn chúng tôi gặp rất nhiều nhóm du khách nói tiếng Việt. Từ Bắc, Trung, Nam đến miền Tây, đủ cả. Tôi đã hỏi một số du khách Việt khi ngồi cùng bàn ăn buffet trong nhà hàng, vì sao lại chọn Thái Lan? Hầu hết câu trả lời đều là: Giá tour đi Thái rẻ hơn các tour trong nước; người phục vụ du lịch thân thiện, không xảy ra cướp giật và đặc biệt là không bao giờ “chặt chém” du khách.
Du khách tham quan Khu di tích lịch sử Chiến khu rừng Sác, huyện Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh)
Trên chặng đường từ Sân bay Băng Cốc đến “thành phố ma quỷ” Pattaya và suốt 5 ngày phiêu du các địa điểm du lịch trên đất Thái, điều mà các thành viên trong đoàn cảm nhận là Chính phủ Thái Lan đã đầu tư rất mạnh cho giao thông công cộng, trong đó có cả hệ thống tàu điện trên cao. Chính phủ còn hỗ trợ các hãng lữ hành phương tiện vận chuyển du khách từ sân bay đến các điểm du lịch miễn phí. Các khu du lịch được ưu tiên đầu tư xây dựng và bảo tồn nghiêm ngặt. Và cho dù không có những tấm biển “cấm xả rác”, “cấm bẻ hoa”, “cấm giẫm đạp lên thảm cỏ”... nhưng ở tất cả điểm du lịch mà đoàn chúng tôi đặt chân tới đều rất sạch sẽ, tươi xanh khiến du khách không thể không hài lòng. Chính phủ Thái Lan còn có chính sách quảng bá du lịch rộng rãi, liên tục tổ chức các hội chợ du lịch, đưa ra nhiều ưu đãi, mời gọi các đơn vị truyền thông quốc tế tới tham quan. Ngành du lịch Thái luôn biết cách tạo ra những sản phẩm mới, hấp dẫn, quy mô hơn để lôi kéo du khách quay trở lại.
Bạn thử nghĩ xem, chỉ một con kênh đào nhân tạo nhỏ ở thành phố Pattaya nhưng người Thái đã biến thành chợ nổi với làng quê ven sông rất đẹp. Dù không thể che hết phần giả tạo nhưng sự bắt mắt đã khiến du khách hài lòng. Họ có nhiều chính sách ưu đãi cho người kinh doanh trên chợ nổi nên thu hút người bán tập trung rất đông với nhiều gian hàng ẩm thực, quần áo, quà lưu niệm... với mức giá phải chăng nên du khách thoải mái lựa chọn. Trong khi ở nước ta, mạng lưới sông ngòi chằng chịt, một số chợ nổi ở miền Tây có tiếng từ bao đời nay như chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ cũng chỉ lèo tèo, thưa thớt du khách. Đó là bởi chúng ta chưa tạo ra được chuỗi dịch vụ liên hoàn để du khách có nhiều lựa chọn và cũng chưa quan tâm đến cuộc sống của tiểu thương.
Ngay tại Bình Phước, với hệ thống di tích lịch sử dày đặc, di tích danh thắng và di tích khảo cổ quý hiếm, độc đáo, nhưng đã qua 22 năm tái lập tỉnh, trừ Khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Tà Thiết (Lộc Ninh), những di tích lịch sử còn lại dường như mới chỉ được lập hồ sơ để công nhận di tích các cấp chứ chưa được khai thác hiệu quả. Nhiều danh thắng, di tích khảo cổ đang bị thời gian, khí hậu bào mòn. Nhiều người dân Bình Phước đi du lịch ở các tỉnh, thành trong và nước ngoài trở về đều có chung nhận xét: Bình Phước rất có tiềm năng du lịch. Tiếc là những tiềm năng ấy chưa được đánh thức nên người dân trong tỉnh cứ phải tìm đến những nơi mà danh thắng còn thua “ao nhà”.
Còn ở Campuchia - đất nước ngay bên cạnh và nghèo hơn chúng ta, nhưng từng người dân ý thức rất rõ cuộc sống của họ sẽ khá lên nhờ khách du lịch nên cách hành xử của họ rất khéo léo và làm cho du khách mát lòng. Nếu xe chở khách du lịch không may va quẹt vào xe tuk tuk của họ thì họ sẽ chắp tay xin lỗi và nở nụ cười cầu thị. Ở cố đô Oudong, đường lên núi Oudong vẫn có cảnh xin ăn và bán hàng rong nhưng tuyệt đối không có cảnh xông đến dí đồ vào tay du khách ép mua hoặc lê lết dưới đất để cầu xin lòng thương hại. Thay vào đó, những người xin ăn sẽ tụ thành từng nhóm để đàn hát, nhảy múa, nếu bạn thích thì cho, không thì mời họ đi.
Tháng 6 vừa qua, lớp phổ thông của chúng tôi tổ chức họp lớp tại đảo Cát Bà. Chúng tôi chọn tour Cát Bà - vịnh Lan Hạ - Làng chài - Đảo Khỉ - vịnh Hạ Long - Kayak của một khách sạn. Suốt 3 ngày tại hòn đảo xinh đẹp này, các thành viên trong đoàn nhiều phen khó chịu vì thái độ thiếu lịch sự của nhân viên phục vụ tour và khách sạn. Còn ở vịnh Hạ Long thì có hiện tượng các chủ tàu đưa khách đi các đảo “chặt chém” du khách vô tội vạ. Ở các điểm du lịch nổi tiếng như Đà Lạt, Hạ Long, Nha Trang, Sa Pa... hiện tượng “chặt chém”, bắt bí du khách diễn ra khá phổ biến.
Nói như thế không phải là chê bai ngành du lịch nước nhà mà để những người làm du lịch nhìn lại mình và có biện pháp khắc phục yếu kém trong tổ chức, quản lý hoạt động du lịch. Dù cơ quan chức năng đã xử lý nhiều vụ việc liên quan đến dịch vụ du lịch nhưng tình trạng “chặt chém” du khách vẫn xảy ra thường xuyên trên khắp các điểm du lịch trong cả nước, làm cho cả khách nội địa và quốc tế ái ngại. Rồi nạn xin ăn, hàng rong chèo kéo làm cho du khách khó chịu, hoảng sợ. Vậy nên nhiều người đến một lần không dám quay lại.
Bao giờ cũng thế, kinh doanh - thương mại phải đi liền với những hành xử văn hóa thì mới lâu bền được.
Thảo Linh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065