Khủng bố, chiến tranh, địa hình phức tạp là những điều khiến Pakistan bị xem là "vùng đất bất an". Tuy nhiên, anh Trần Khắc Tùng (hiện sống ở TP HCM) đã quyết định quay trở lại đây lần thứ 2.
Bén duyên với vùng đất này từ một người bạn, anh Tùng bị hút hồn khi nhìn thấy những cây mơ, táo, đào nở hoa rực rỡ vào mùa xuân ở thung lũng Hunza, phía bắc Pakistan. "Tôi đã đến đây vào mùa xuân và như lạc vào thiên đường", anh kể.
Anh Tùng có visa sau 10 ngày thông qua một công ty du lịch ở Pakistan. Từ Việt Nam, du khách có thể bay sang Bangkok (Thái Lan) rồi nối chuyến đến thủ đô Islamabad. Từ đây, bạn có thể đi xe bus du lịch hoặc bay nội địa tới vùng Gilgit - Batistan ở phía bắc Pakistan, rồi di chuyển bằng ôtô tới các địa điểm bạn muốn đi, thường là các làng mạc quanh thung lũng Skardu, Hunza và Phandar.
Các chuyến bay nội địa từ thủ đô Islamabad tới Gilgit hết tầm 45 phút nhưng có xác suất bị hoãn, hủy chuyến tương đối cao nên các nhà tour khuyên khách đi xe du lịch do họ sắp xếp. Chặng đi bus từ thủ đô tới Gilgit mất khoảng 13-17 giờ đồng hồ, có khi lâu hơn nhiều nếu đường bị sạt lở phải chờ đợi để sửa.
Hành trình của anh Tùng dự định đến các vùng Hunza, Skardu và Chitral nhưng vì mưa tuyết nên xe không qua đèo được nên anh lỡ hẹn với Chitral.
Những câu chuyện về khủng bố, đánh bom, bắt cóc khách du lịch được phản ánh khá nhiều. Tuy nhiên, đó chỉ là một khía cạnh về đất nước này. Anh Tùng cho biết, nếu đi xe buýt lên vùng Gilgit - Batistan, du khách sẽ qua nhiều trạm gác có quân đội kiểm soát. Thậm chí, có những lúc quân đội hộ tống đoàn xe của bạn.
Trong 17 ngày rong ruổi ở đây, anh Tùng cũng 2 lần nhận được sự hộ tống của binh lính Pakistan.
Mùa thu, khung cảnh thiên nhiên ở đây càng trở nên hùng vĩ khi những tia nắng hanh hao phủ vàng lên cây cối và làng mạc. Anh Tùng ấn tượng nhất với hồ Khalti ở thung lũng Gupis trên trục đường Chitral - Gilgit.
"Lúc đó cả nhóm đang trên đường quay về trong tâm trạng thất vọng vì không đi Chitral. Lúc này mặt trời sắp lặn, những tia sáng cuối cùng vương lại trên đám lá vàng in bóng xuống mặt hồ tạo nên một bức tranh quá đẹp", anh nói.
Pakistan hút khách không chỉ bởi là một vùng đất hoang sơ với núi rừng, những dãy núi quanh năm tuyết phủ, mặt hồ trong xanh như ngọc, các loài động vật hoang dã. Nơi này còn chứa đựng một nền văn minh rực rỡ trải qua hàng nghìn năm lịch sử, được minh chứng bởi các công trình kiến trúc từ Phật giáo, Hindu cho đến Hồi giáo vẫn còn tồn tại. Trong ảnh là pháo đài Baltit ở Kirimabad.
Nói về điều đẹp nhất còn đọng lại, anh Tùng bồi hồi nhớ tới sự thân thiện và hiếu khách của người dân những nơi mà anh đã đi qua.
"Buổi sáng hôm đó trời rét căm căm, tôi đi lang thang chụp hình ở làng Khyber thì gặp mưa tuyết. Một cậu bé tầm 10 tuổi đã mời tôi vào nhà trú. Hôm đó, nhà có bà mẹ và 3 con trai, đứa lớn nhất là cậu bé kia, và đứa nhỏ nhất tầm 3 tuổi. Họ mời tôi dùng bữa sáng với họ. Chỉ đơn giản là bánh mì nướng và trà sữa trong căn bếp gần như không có tiện nghi gì, nhưng ấm áp và ngon lạ thường".
Trong hơn nửa tháng ở xứ người, Tùng ăn "liên tục tù tì" những món nấu với cà ri, rất ít rau. Anh chia sẻ, hầu như các món này đều khó ăn so với khẩu vị của người Việt. Tuy nhiên, "một số nhà tour ở đây đã bắt đầu học cách chế biến món ăn hợp với khẩu vị của người Việt hơn".
Người dân Pakistan buổi sáng thường đưa dê lên núi cho ăn, tối lại đưa về chuồng.
Anh Tùng quan tâm nhiều đến nhiếp ảnh, chủ yếu về phong cảnh và cuộc sống của người dân địa phương. Trên mỗi con đường đi qua, anh đều quan sát thật kỹ mọi thứ xung quanh.
Những bức hình phác hoạ chân thực khung cảnh thiên nhiên lẫn nét đẹp của con người. Bầu trời đầy sao ở Pakistan.
"Những lần nhận được sự giúp đỡ từ quân đội nước này, tôi cảm thấy chính quyền Pakistan đang nỗ lực gìn giữ an ninh cho du khách và người dân. Lên tới vùng Gilgit-Batistan, tôi không thấy các trạm gác nữa. Những người dân ở đó hết sức lịch thiệp, mến khách", anh Tùng chia sẻ.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065