“Một phương pháp giảng dạy - học tập mới, trong đó lấy học sinh làm trung tâm, các em chủ động trong phương pháp, tinh thần học nhóm và tính tập thể được phát huy cao”. Đó là nhận xét của cô Lương Thị Quyên, Phó hiệu trưởng, quản lý trực tiếp dự án VNEN của trường Tiểu học Tân Xuân B (TX. Đồng Xoài) khi nói về những ưu điểm của dự án “Trường học mới Việt Nam” được triển khai trong năm học 2012-2013.
Lớp học được gộp thành 5-6 nhóm để thảo luận, giải quyết vấn đề đưa ra
MÔ HÌNH DẠY VÀ HỌC HAY
So với cách học truyền thống, VNEN đã tạo ra bộ mặt mới cho giáo dục. Cô Kiều Thị Thanh, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Long Hà A (Bù Gia Mập) cho biết: “Trước đây giáo viên đóng vai trò chủ đạo của lớp học, bây giờ hoàn toàn ngược lại, học sinh là trung tâm của buổi học”. Về nội dung học, chương trình thí điểm ở ba môn Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên - xã hội và sử dụng sách theo chuẩn của Bộ Giáo dục - đào tạo đưa ra, các môn còn lại vẫn giữ nguyên. Lượng kiến thức ở ba môn thí điểm vẫn như cũ, tuy nhiên được biên soạn và chuyển hóa thành từng bài theo ba hoạt động như cơ bản, thực hành và ứng dụng, tương ứng với bản thân học sinh tự nhận thức về vấn đề, giải quyết vấn đề trong nhóm và về nhà phải giải quyết những công việc nào. Hơn nữa, tài liệu được xếp “ba trong một”, nghĩa là vừa sách giáo khoa, sách giáo viên và sách hướng dẫn học sinh. Với tài liệu này, cha mẹ có thể hướng dẫn con em mình trong hoạt động ứng dụng ở nhà. Các môn còn lại vẫn học theo chương trình cũ, nhưng theo cách dạy của VNEN.
Trường Tiểu học Tân Xuân B (TX. Đồng Xoài) có 5 lớp VNEN với 174 học sinh. Bước vào lớp 22 - một trong những lớp VNEN, chúng ta sẽ ngỡ ngàng với cách học mới: Thay vì bàn ghế được xếp thẳng hàng như trước thì bây giờ được gộp lại thành 4-6 em/nhóm, cả lớp chia thành 5-6 nhóm để học. Ban cán sự được thay bằng một hội đồng tự quản và mỗi nhóm có một nhóm trưởng. Không còn hình ảnh “thầy đọc - trò chép”. Khi nhận câu hỏi từ thầy cô giáo, các em sẽ chủ động cùng nhau thảo luận, giải quyết vấn đề và đưa ra kết luận cuối cùng. Giáo viên sẽ chấm điểm và ghi trên bảng tiến độ học tập để tiện theo dõi từng nhóm. Cô Vũ Thị Thu Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp cho biết: “Dạy theo phương pháp này học sinh là người chủ động, giáo viên chỉ hướng dẫn, định hướng, giải đáp những khó khăn khi các em đưa bảng cứu trợ. Sau khi hoàn thành xong giáo viên rút ra vấn đề cốt lõi để học sinh hiểu và chấm điểm trên bảng tiến độ, qua đó giúp các em tự đánh giá bản thân và bạn bè để phấn đấu”.
HỨA HẸN MỘT GIẢI PHÁP HỒNG CHO NGÀNH GIÁO DỤC
VNEN là mô hình trường học mới được nghiên cứu từ các nhà khoa học giáo dục hàng đầu của Colombia. Năm học 2012-2013, dự án được Bộ Giáo dục - đào tạo tiến hành thí điểm ở 63 tỉnh, thành với 1.447 trường tiểu học.
Hiện nay, VNEN được triển khai tại 28 trường tiểu học ở 9 huyện, thị xã trong toàn tỉnh (Đồng Xoài, Đồng Phú, Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phước Long, Chơn Thành, Hớn Quản, Lộc Ninh và Bù Đốp) với tổng số 6.754 học sinh và 220 lớp (cả hai khối lớp 2 và khối lớp 3). Trong đó, khối 2 có 101 lớp với 3.278 học sinh; khối 3 có 119 lớp với 3.476 học sinh.
|
Trao đổi về những thành công của VNEN, cô Lương Thị Quyên cho biết: Ban đầu khi đưa chương trình vào giảng dạy, cả giáo viên và phụ huynh rất lo lắng. Nhưng sau một học kỳ, kết quả mang lại cho ngành giáo dục là điều không thể phủ nhận. “Học sinh ngày càng năng động và tích cực hơn. Các kỹ năng về học nhóm, hỗ trợ nhau trong học tập được các em làm quen khá nhanh. Từ đó khả năng giao tiếp tốt hơn, học sinh là người dân tộc thiểu số không còn thụ động như trước”. Cô Kiều Thị Thanh cho biết thêm. “So với năm học trước, học kỳ 1 vừa qua, những lớp học VNEN ở trường Tiểu học Long Hà A không có học sinh yếu, kém”.
Tuy nhiên, khi áp dụng mô hình này các trường cũng gặp một số khó khăn. Ở các trường hầu hết cơ sở vật chất đều xuống cấp cũng như thiếu trang thiết bị phục vụ giảng dạy. Cô Quyên cho biết thêm: Dự án thực hiện với yêu cầu là học sinh học 2 buổi/ngày, sang năm chương trình lại gối đầu lên lớp 4 nên trường sẽ không đủ phòng học.
Cô Hồ Thị Chiến, giáo viên lớp 22, trường Tiểu học Long Hà A cho rằng: Đây là mô hình mới, hay và mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên việc ứng dụng công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu nên đồ dùng dạy học còn thiếu. Dạy đến bài nào giáo viên tự làm phiếu bài tập và tranh ảnh bài đó. Hy vọng những khó khăn trước mắt nhà trường sẽ nhanh chóng vượt qua và mở rộng.
Quá sớm để đánh giá những thành công mà dự án VNEN mang lại. Nhưng trên những kết quả cũng như ý kiến đánh giá của các thầy cô giáo, đó là tín hiệu mừng cho nền giáo dục nước ta.
Thanh Nga
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065