Bên lề Quốc hội, các đại biểu đánh giá cao phiên chất vấn nhưng cũng không ít đại biểu vẫn còn cảm thấy băn khoăn, chưa hài lòng với phần trả lời chất vấn của các "tư lệnh" ngành.
Đổi mới là cần thiết
Đại biểu Nguyễn Thái Học, đoàn Phú Yên nhận định, phiên chất vấn lần này thể hiện một tinh thần mới trong hoạt động của Quốc hội. Đó là tính dân chủ, công khai, minh bạch được thể hiện rất cao vì đại biểu Quốc hội có thể nêu bất cứ nội dung, lĩnh vực nào mà mình quan tâm.
Ông Học cho rằng, đây là sự mong mỏi, có thể nói là sự bức xúc của cử tri mà đại biểu tiếp thu được từ các lần tiếp xúc cử tri. Các tư lệnh ngành đến các Phó Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội đến Thủ tướng đã trả lời với tinh thần hết sức trách nhiệm.
"Tôi cho rằng, đây là sự cầu thị, tiếp thu và trách nhiệm xem xét giải quyết các kiến nghị của cử tri cũng được khẳng định rất rõ. Do vậy, có thể nói tính dân chủ, tinh thần trách nhiệm là một nét được thể hiện rất rõ trong hoạt động chất vấn lần này," ông Học nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi tại sao có những đại biểu không truy đến cùng vấn đề mà các đại biểu quan tâm, ông Học nói: "Không thể truy hết được và cũng không thể nào bao quát hết được những vấn đề mà cử tri mong muốn nhưng có nội dung, vấn đề tôi thấy giữa Bộ trưởng, lãnh đạo Chính phủ với các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần tranh luận rất sôi nổi và có thể nói nhiều nội dung đi đến cùng vấn đề. Tất nhiên là chúng ta còn phải đẩy mạnh nội dung này, nhân rộng nội dung này nhiều hơn nữa trong các kỳ sắp tới của Quốc hội."
Đồng ý kiến, đại biểu Lê Thị Nguyệt (đoàn Vĩnh Phúc) cho biết, việc đổi mới phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã tạo sự thoải mái, dân chủ đối với các đại biểu Quốc hội và các Bộ trưởng. Điều cần quan tâm là sau phiên chất vấn, Chính phủ và các thành viên Chính phủ sẽ chỉ đạo, điều hành công việc như thế nào. Cần phải kiên quyết, xử lý dứt điểm các vấn đề còn tồn tại, hoạt động chất vấn mới thực sự mang lại hiệu quả và tác dụng cao.
Cũng theo bà Hạnh, do đây là lần đầu tiên mở rộng nên các đại biểu và người trả lời cũng phải rút kinh nghiệm do mở rộng nhiều nên khi đặt câu hỏi các đại biểu cần đặt câu hỏi ngắn gọn đi thẳng vào vấn đề và cũng là để tạo cơ hội cho những đại biểu khác.
Chủ tọa phải linh hoạt
Mặc dù đánh giá cao phần trả lời chất vấn đã bám vào câu hỏi của đại biểu cũng như vấn đề Quốc hội mong muốn được trả lời nhưng các đại biểu cũng cho rằng, các thành viên Chính phủ nên trả lời trực tiếp vào các câu hỏi không nhất thiết phải dẫn giải các văn bản mà phải đi thẳng vào vấn đề đại biểu đang quan tâm.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng vai trò của người chủ tọa cũng hết sức quan trọng, phải mạnh dạn cắt những câu hỏi cũng như trả lời chưa đi vào trọng tâm. Và làm thế nào để đưa ra các thông tin một cách cụ thể và rõ ràng thì hiệu quả chất vấn sẽ tốt hơn.
Cũng cho rằng việc lên tiếng đề nghị bộ trưởng đi vào đúng trọng tâm là rất cần, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng Chủ tịch Quốc hội đã can thiệp đúng thời điểm. Và việc này, theo ông Lợi thì Chủ tịch dễ thực hiện hơn các phó chủ tịch Quốc hội, cho dù ông không ở vị trí điều hành chính.
Từng băn khoăn khi ngay ở kỳ chất vấn đầu tiên Chủ tịch Quốc hội đã ngắt lời đại biểu hơi nhiều khi đại biểu hỏi dài, song đến phiên chất vấn này, một số vị cho rằng thời gian quá hạn hẹp trong khi nội dung chất vấn không giới hạn, nên rất cần người điều hành “rắn”.
Chưa thỏa mãn
Đánh giá cao phần trả lời chất vấn của Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Thủ tướng và một số Bộ trưởng, nhưng một số đại biểu lại chưa hài lòng với phần trả lời của một số Bộ ngành khác.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) chia sẻ: "Tôi không biết cảm giác của các đại biểu khác như thế nào nhưng tôi thì thực sự không thể nói đến từ thỏa mãn được bởi vì xét cho cùng, cần câu trả lời thế nào đó để giải quyết triệt để. Những vấn đề đại biểu nêu ra được Bộ trưởng tiếp thu từ nhiều nhiệm kỳ rồi nhưng thực ra giải pháp thực sự quyết liệt hay không thì chưa đạt."
Ông Cương cho biết đã nêu ra tại hội trường vấn đề phân bón giả, vật tư nông nghiệp giả, cái cần nhất bây giờ là giải pháp thật sự quyết liệt và hữu hiệu, không thể để tình trạng 7.000 loại phân bón cùng tồn tại trên thị trường mà trong số đó có quá nhiều phân bón trong tình trạng kém chất lượng làm hại người nông dân.
Quan tâm đến vấn đề giáo dục, Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) chia sẻ, tôi rất thông cảm với Bộ Giáo dục và Đào tạo vì đây là công việc rất lớn.
“Chúng tôi luôn lưu ý Bộ trưởng cần rất thận trọng vì đối tượng tác động vào là cả một thế hệ. Không chỉ tác động đến đối tượng học sinh, mà còn là cha mẹ của học sinh, con đường học hành. Nhưng hình như Bộ trưởng đã quá tự tin nên cảm giác đổi mới giáo dục - triển khai một chủ trương rất lớn - mà như là triển khai một dự án, dẫn đến bức xúc không đáng có,” ông Dương Trung Quốc đánh giá.
Ông Dương Trung Quốc cho rằng, điều bất cập của Bộ trưởng chính là cách làm việc. Ví dụ đưa thông tin, nguy cơ dẫn đến khai tử, xóa sổ môn Sử. Bộ trưởng giải trình thời lượng rất nhiều, vẫn là môn bắt buộc, nhưng không thi thì các cháu sẽ không học nữa.
Các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, trong mỗi hoàn cảnh và điều kiện nhất định, không thể một sớm, một chiều giải quyết được ngay nhưng quan trọng là qua chất vấn phải đề cao trách nhiệm cá nhân, nếu cứ còn tình trạng chung chung thì sẽ không khắc phục được tồn tại.
Nguồn TTXVN
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065