Bà Dương Thị Phượng, bán tạp hóa tại xã Tiến Thành, thị xã Đồng Xoài: Tôi đồng ý việc bỏ đốt vàng mã vì đỡ lãng phí.
Tôi bán hàng tạp hóa nhưng không vì thế mà khuyến khích đốt vàng mã. Bởi tôi thấy đốt vàng mã chỉ gây ra ô nhiễm môi trường, tổn hao tiền bạc, thậm chí hỏa hoạn và nhiều vấn đề tiêu cực khác. Bản thân tôi cũng chỉ thắp nhang, trái cây trong ngày rằm, mồng một chứ không đốt vàng mã.
Bà Dương Thị Phượng
Nếu chỉ dựa vào lời nguyện đơn thuần mà đạt được kết quả thì bản thân tôi và gia đình đã giàu có rồi, đâu vất vả kiếm từng đồng thế này. Và nếu như vậy thì trên đời này cũng không có cảnh thất nghiệp, không có mất mát mùa màng, không thất bại trong công danh sự nghiệp, cũng chẳng có chuyện bất bình... Tôi chỉ tin luật nhân quả nên cố gắng sống tốt mà thôi.
Đại đức Thích Giác Kiên, trụ trì chùa Thanh Khương (xã An Khương, huyện Hớn Quản), Trưởng ban thông tin - truyền thông Giáo hội Phật giáo Bình Phước: Nên loại bỏ hủ tục mê tín dị đoan, gây ô nhiễm môi trường.
Đại đức Thích Giác Kiên
Việc đốt vàng mã được du nhập từ Trung Quốc vào nước ta từ rất lâu đời. Với ngàn năm Bắc thuộc, chúng ta bị ảnh hưởng rất nặng nề tục lệ này, trở thành tín ngưỡng của nhiều tầng lớp nhân dân. Đốt vàng mã ăn sâu vào văn hóa tín ngưỡng của nhân dân với quan niệm: Đó là sợi dây kết nối tình cảm của người sống dành cho người đã khuất. Vì thế, tôi phải khẳng định loại bỏ đốt vàng mã ngay trong đời sống tâm linh của người dân là không dễ. Tuy nhiên, với vị trí, vai trò quan trọng của nhà tu hành trong việc tiếp xúc phật tử đến chùa đốt vàng mã, các tăng, ni cần tích cực tuyên truyền, hướng dẫn để nhân dân, phật tử hiểu. Giúp phật tử hiểu dành tiền đốt vàng mã giúp đỡ người khó khăn là điều Phật thường răn dạy chúng sinh và điều đó mới mang lại phước lành cho họ. Nếu như làm tốt công tác truyền thông, giáo dục để phật tử hiểu rằng điều mình đang làm là vô nghĩa và bỏ đốt vàng mã là có lợi cho cuộc sống, cho bản thân, gia đình thì người dân sẽ ủng hộ, nghe theo.
Năm 2009, Chính phủ có công văn về việc cấm đốt vàng mã nơi công cộng. Năm 2013, Nghị định 157 quy định phạt người đốt vàng mã nơi công cộng 500 ngàn đồng. Năm 2018, Giáo hội Phật giáo ban hành công văn đề xuất hạn chế và từng bước loại bỏ đốt vàng mã sẽ mang lại hiệu quả cao hơn, tạo hiệu ứng tốt hơn trong loại bỏ hủ tục vì theo Phật giáo, người chết thì đều tái sanh hết. Cho nên, việc cho rằng dưới âm phủ có sự sống của người chết là điều không đáng được tin, không đáng khích lệ.
Đại đức Thích Chiếu Pháp, trụ trì chùa Thanh Tâm (xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú), Phó ban trị sự kiêm Chánh thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh: Nên bỏ đốt vàng mã vì tục lệ đã bị biến tướng thành “đổi chác, bán - mua”.
Đại đức Thích Chiếu Pháp
Tôi ủng hộ quyết định của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bởi tục đốt vàng mã giờ đã bị biến tướng. Trước đây ở góc độ tâm linh người ta đốt vàng mã chỉ là tượng trưng một chút lòng thành con cháu muốn gửi gắm tới ông bà, tổ tiên thì giờ đây lại thành suy nghĩ mê tín dị đoan. Cho rằng “trần sao âm vậy” nên họ đốt quá nhiều thứ từ vàng bạc đến nhà lầu, xe hơi... làm mất ý nghĩa tốt đẹp ban đầu của con cháu dành cho ông bà, tổ tiên.
Nếu chỉ đốt tượng trưng một chút gọi là thì không có gì đáng bàn nhưng giờ đây người ta coi vàng mã như một món đồ “đổi chác, bán - mua” với người đã khuất để mong ông bà tổ tiên phù hộ cho bản thân, gia đình thu lại nguồn lợi tương đương với những gì họ đốt đi (vì lòng muốn có) hoặc đáp ứng theo nhu cầu, nguồn lợi nào đó của người sống ở dương gian. Như vậy chẳng khác nào ngầm trao đổi với người chết, không còn thể hiện tấm lòng chân thành với người đã khuất. Tôi khẳng định Đức phật Thích Ca không hề dạy đốt vàng mã để cúng gia tiên mà giáo lý nhà Phật chỉ mong mọi người tiết kiệm những gì mình có, bớt chút ra giúp đỡ người khó khăn hơn mới là chân tu.
Ni trưởng Thích Nữ Nhật Khương, trụ trì chùa Quang Minh (phường Tân Đồng, thị xã Đồng Xoài), Phó ban trị sự, Trưởng ban ni giới Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh: Nên dành tiền đốt vàng mã vào làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo.
Ni trưởng Thích Nữ Nhật Khương
Với quan niệm thông thường, sau cái chết, con người cũng có một đời sống, cũng có các nhu cầu như ở dương thế nên mọi người đua nhau đốt nhiều đồ vàng mã để người thân ở cõi âm sử dụng. Thực ra “xưa bày nay làm” còn chính người đốt cũng không thể nào biết ông bà, tổ tiên mình có nhận được hay không (?!). Tôi khẳng định đó chỉ là mê tín, bỏ tiền thật mua tiền giả một cách mê muội chứ không hề mang ý nghĩa tích cực nào.
Tôi nghĩ rất cần bỏ hủ tục này càng sớm càng tốt, thay vì dùng tiền mua vàng mã đốt một cách lãng phí thì nên tích cóp để làm từ thiện giúp đỡ người nghèo, làm cầu, xây nhà tình thương sẽ thiết thực hơn. Đây là vấn đề “nóng” nên rất cần sự vào cuộc tích cực, kiên trì của các cấp chính quyền kết hợp với các nhà tu hành để đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân. Khi phật tử, nhân dân nhận thấy không đốt vàng mã là bỏ được nhiều hệ lụy từ vấn đề này gây ra, vì cuộc sống tốt đẹp hơn thì tôi tin mọi người sẽ nghe và thực hiện.
Ngọc Tú (thực hiện)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065