Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử thì các cấp, ngành trong cả nước nhanh chóng lập kế hoạch hành động về xây dựng chính quyền điện tử và đã đạt nhiều kết quả tích cực. Năm 2016, các chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (theo quy định của Liên hợp quốc) ở nước ta đã tăng 10 bậc so với năm 2014 và xếp thứ 89. Đến năm 2018, Việt Nam xếp thứ 88 trong số 193 nước xây dựng Chính phủ điện tử. Tuy nhiên, việc xây dựng Chính phủ điện tử nước ta vẫn còn nhiều khó khăn do dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế. Nhiều cơ quan, ban, ngành, địa phương còn thói quen sử dụng văn bản giấy... Đặc biệt, vẫn còn tình trạng cán bộ, lãnh đạo nhiều đơn vị, các cơ quan hành chính yếu về công nghệ thông tin nên chưa triệt để triển khai và sử dụng văn bản điện tử trong điều hành, chỉ đạo, lãnh đạo. Vì vậy, khi thực hiện trục liên thông, các cơ quan Trung ương và địa phương sẽ được kết nối thông tuyến. Điều này ngoài tăng cường cải cách hành chính, còn làm giảm đáng kể chi phí và thời gian gửi, nhận văn bản giữa các tổ chức, cơ quan nhà nước.
Theo Văn phòng Chính phủ, việc thực hiện Trục liên thông văn bản quốc gia sẽ tiết kiệm hơn 1.200 tỷ đồng mỗi năm về chi phí giấy, mực, photo, bưu chính, chuyển phát nhanh và khoảng 576 tỷ đồng tiết kiệm từ các chi phí lao động. Bên cạnh đó, trục liên thông còn mang lại lợi ích là truyền tải, nhận văn bản rất nhanh. Những người có trách nhiệm dù đi công tác bất kỳ đâu cũng có thể ký được hồ sơ giấy tờ bằng kỹ thuật số, ngay sau đó các cơ quan Trung ương và địa phương đã kết nối trục liên thông sẽ nhận được văn bản điện tử lập tức. Không chỉ vậy, việc chuyển, phát và nhận văn bản điện tử qua trục liên thông sẽ tăng tính công khai minh bạch, giảm hiện tượng “ngâm” văn bản, chấm dứt những tiêu cực hay đổ lỗi cho các sự cố khác.
Tại Bình Phước, Văn phòng Tỉnh ủy đã triển khai quy chế hoạt động của văn phòng không giấy kể từ ngày 1-4-2019. Theo đó, văn phòng không giấy vừa thực hiện tốt chủ trương cải cách hành chính, giảm chi phí văn phòng phẩm; đồng thời khai thác hiệu quả công nghệ thông tin trong hoạt động hành chính công vụ và tạo bước đột phá về xây dựng chính quyền điện tử. Vì vậy, từ ngày 1-4, tất cả văn bản tham mưu của các cấp, ngành, tờ trình các sự kiện liên quan, các chương trình kế hoạch của đơn vị, ngành và địa phương trong tỉnh đều phải bằng văn bản điện tử, Văn phòng Tỉnh ủy không nhận văn bản giấy.
Tuy nhiên, để xây dựng thành công Chính phủ và chính quyền điện tử thì còn rất nhiều việc phải làm, trong đó nền tảng cơ bản là đầu tư hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong các tầng lớp nhân dân và làm thay đổi nhận thức của cán bộ, công chức trong xử lý văn bản điện tử.
Tấn Phong
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065