Nâng cao nhận thức người dân
Ấp Bào Teng có 172 hộ, trong đó hơn 50% là đồng bào S’tiêng. 9 giờ sáng một ngày đầu tháng 3, chúng tôi được Trưởng ấp Phạm Hồng Thuấn dẫn đi dạo quanh ấp. Khác hẳn với các khu dân cư đồng bào dân tộc thiểu số khác, thay vì tụ tập ở nhà nhậu nhẹt, “tám” chuyện thì ở ấp Bào Teng rất ít khi người lớn ở nhà. “Giờ này mà tìm một hộ có người trong độ tuổi lao động ở nhà là cực kỳ khó, trừ trường hợp đặc biệt. Bởi gần như 100% người trong độ tuổi lao động, kể cả một số người già đều đi làm công nhân ở các khu công nghiệp, cạo mủ cao su tư nhân và một số ngành nghề khác” - ông Thuấn nói.
Gia đình ông Điểu Du ở ấp Ruộng 3 là một trong những hộ có ý chí vươn lên làm giàu trong vùng dân tộc thiểu số của xã Quang Minh. Trong ảnh: Cán bộ xã đến thăm hộ ông Điểu Du (ảnh chụp ngày 5-3-2020)
Các hộ dân tộc thiểu số ấp Bào Teng trước đây thuộc dự án khu định canh, định cư. Mỗi hộ được cấp 1 ha đất ở và sản xuất. Trải qua nhiều năm sinh sống, đất được “chia năm xẻ bảy” cho con, cháu. Vì thế, đến nay phần lớn các hộ dân tộc thiểu số chỉ còn đất ở, rất ít đất sản xuất dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo cao. Ông Thuấn cho biết: Nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, cách làm của người dân, chúng tôi vận động người lớn tuổi đến học lớp xóa mù chữ để nâng cao trình độ. Song song đó, cấp ủy, chính quyền xã, Ban điều hành ấp vận động nhân dân nâng cao nhận thức muốn thoát nghèo, ổn định cuộc sống là từ chính mình chứ không trông chờ, ỷ lại. Năm 2017, ấp có 2 hộ nghèo là Thị Lan và Thị Nhé được Nhà nước hỗ trợ xây tặng nhà đại đoàn kết trị giá 50 triệu đồng/căn. Từ nguồn hỗ trợ, các hộ đã tích góp và vay mượn thêm xây căn nhà rộng rãi, khang trang, sạch đẹp trị giá hơn 100 triệu đồng/căn. Hiện các hộ đã có việc làm ổn định, trả hết nợ, vươn lên thành hộ khá, có điều kiện nuôi các con ăn học.
Năm 2019, các hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn trong ấp được Nhà nước hỗ trợ 39 con bò giống, mỗi hộ 1 con. Thay vì mỗi hộ phải chăn 1 con bò vừa mất công lại không hiệu quả, các hộ đã nghĩ ra cách làm riêng lợi cả đôi đường. Đó là góp tiền thuê 1 người chăn bò, mỗi ngày 10.000 đồng/con. Anh Điểu Ty, người chăn bò thuê trong ấp cho biết: Gia đình nào cũng bận đi làm công nhân, cạo mủ cao su kiếm tiền trang trải cuộc sống. Vì thế, nếu bỏ công ở nhà chăn bò thì mất việc. Tôi nhận chăn bò thuê cho các hộ, chăn 19 con tương đương 190 ngàn đồng/ngày.
Với nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo trong giảm nghèo, năm 2018 ấp Bào Teng có 63 hộ nghèo thì năm 2019 giảm còn 17 hộ và năm 2020 không còn hộ nghèo. “Hiện trong ấp còn 1 hộ khó khăn nhất là ông Nguyễn Phát Kỳ, không nhà, không đất ở và đất sản xuất. Dù vậy, gia đình ông luôn có ý chí vươn lên, thuê căn nhà gần trung tâm xã ở kết hợp mở quán bán hàng ăn vặt đủ trang trải cuộc sống. Cuối năm 2019, vợ chồng ông tình nguyện xin thoát nghèo. Ấp đang kiến nghị và kêu gọi hỗ trợ gia đình ông Kỳ mảnh đất để xây dựng nhà ở” - ông Thuấn cho biết.
Cú huých trong giảm nghèo
Phó chủ tịch UBND xã Quang Minh Drênh Thị Hạnh cho biết: Cùng với việc xây dựng, triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo, xã đặc biệt chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo ý chí, nghị lực cho các hộ dân vươn lên thoát nghèo. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, cán bộ xã, ấp phối hợp tuyên truyền, giới thiệu về kinh nghiệm sản xuất, phát triển kinh tế, kiến thức khoa học - kỹ thuật, cách làm hay, mô hình vươn lên thoát nghèo để nhân rộng.
Là xã khó khăn của huyện Chơn Thành nên Quang Minh được quan tâm hỗ trợ về mọi mặt. Cụ thể, từ năm 2018 đến nay, từ nguồn vốn kết dư trợ cước, trợ giá và dự án mô hình điểm giảm nghèo bền vững, toàn xã được hỗ trợ 85 con bò giống trao cho các hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn, trị giá 15 triệu đồng/con; xây tặng 44 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương tổng trị giá 22 tỷ đồng, bình quân 50 triệu đồng/căn; trích 230 triệu đồng hỗ trợ các hộ nghèo sửa chữa nhà ở, đào giếng, xây nhà vệ sinh, cấp phân bón; trong 2 năm 2018, 2019 cấp 100 triệu đồng tiền điện cho 176 lượt hộ nghèo; vận động tặng 12 tivi và hàng ngàn phần quà tặng hộ nghèo, khó khăn dịp lễ, tết; đào tạo và giải quyết việc làm cho 181 lao động nông thôn.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065