Cầu nối giữa Đảng, chính quyền và nhân dân
Bà Ngô Thị Thanh Chung, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQVN huyện Đồng Phú, cho biết: Nhằm nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội, ngay từ đầu năm, UBMTTQVN huyện đã chủ động phối hợp các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng chương trình giám sát trong năm, xác định rõ những nội dung giám sát của từng đơn vị để thông báo, hướng dẫn cụ thể. Đồng thời, tăng cường phối hợp chính quyền, các ban, ngành ký kết các chương trình giám sát với nội dung bám sát tình hình thực tế, nhiệm vụ chính trị, xã hội tại địa phương, được nhân dân quan tâm. Cùng với đó, UBMTTQVN huyện chủ trì thống nhất các nội dung giám sát, phản biện tránh sự trùng lặp và chủ động bố trí đội ngũ cán bộ tham gia đoàn công tác, đảm bảo các cuộc giám sát được thực hiện sâu sát theo đúng kế hoạch. UBMTTQVN huyện cũng đặc biệt chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực hoạt động của các ban thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở các xã, thị trấn nhằm phát huy hiệu quả giám sát từ cơ sở.
UBMTTQVN huyện Đồng Phú tổ chức hội nghị phản biện xã hội
Trong công tác tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021, MTTQ không chỉ tổ chức tốt các bước hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử, tổ chức các cuộc tiếp xúc, mạn đàm tiểu sử ứng cử viên mà còn tuyên truyền vận động thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của công dân trong bầu cử, theo đó tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 99,81%...
Thực hiện quy chế phối hợp giữa thường trực HĐND, UBND với ban thường trực UBMTTQVN, trong nhiệm kỳ, từ huyện đến cơ sở đã thực hiện tốt chức năng, vai trò, nhiệm vụ trong phối hợp tổ chức thành công 30 kỳ họp, các buổi tiếp xúc giữa đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp với cử tri tại 220 điểm, hơn 10.000 cử tri tham dự và gần 1.000 ý kiến phát biểu. Ngoài các ý kiến được đại biểu trả lời trực tiếp tại hội nghị tiếp xúc, những ý kiến chưa trả lời, Ban Thường trực UBMTTQVN huyện tổng hợp, thống nhất cùng với Thường trực HĐND gửi đến chính quyền các cấp để chỉ đạo cơ quan chuyên môn giải quyết, trả lời cử tri. Cụ thể như: một số hộ giải tỏa đường Phú Riềng Đỏ, một số hộ đổi đất nhà văn hóa ở một số ấp tại xã Đồng Tâm... Sau khi bám sát và kiến nghị trực tiếp lãnh đạo huyện, tỉnh đã có hướng giải quyết dứt điểm, thỏa đáng cho nhân dân, từ đó tạo được niềm tin của cử tri với đại biểu dân cử và chính quyền nhân dân.
Thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị, hằng năm, MTTQ các cấp trong huyện xây dựng chương trình, kế hoạch và chủ trì tổ chức các đợt giám sát. Trong nhiệm kỳ, đã chủ trì tổ chức 5 đợt giám sát tại các xã, thị trấn với nội dung: việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2015-2016; an toàn vệ sinh thực phẩm; tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; công tác giảm nghèo; tham gia các đoàn giám sát của Thường trực HĐND huyện, các ban HĐND huyện và Viện kiểm sát nhân dân huyện. Qua đó, những tồn tại hạn chế đã được đoàn giám sát chỉ ra, đề nghị đơn vị có biện pháp khắc phục.
Công tác tham gia xây dựng đảng, xây dựng chính quyền được triển khai góp ý định kỳ hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong ban thường vụ cấp ủy. MTTQ cơ sở đã thường xuyên tham gia giám sát các hoạt động của đảng viên, lấy ý kiến nhân dân đóng góp cho đảng viên sinh hoạt tại nơi cư trú. Qua đó, giúp đảng viên nhận thấy những khuyết điểm của bản thân để sửa chữa, khắc phục. Đồng thời, MTTQ các cấp đã phối hợp tổ chức 9 hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân tại cơ sở. Tại hội nghị, các ý kiến bức xúc của nhân dân đã được lãnh đạo trả lời trực tiếp và bằng văn bản thỏa đáng, qua đó MTTQ đã phát huy vai trò là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và nhân dân.
Tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân
Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được MTTQ phối hợp chính quyền tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt do HĐND xã, thị trấn bầu. Qua đó, nhân dân tham gia đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, để củng cố hệ thống chính quyền, đưa hoạt động của chính quyền cơ sở hoạt động có hiệu quả, hạn chế tình trạng quan liêu, xa dân, góp phần rèn luyện phong cách cán bộ, đảng viên ngày càng tốt hơn theo phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân; nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.
Huyện Đồng Phú hiện có 11 ban thanh tra nhân dân với 88 thành viên, các ban giám sát đầu tư cộng đồng được thành lập kịp thời khi có công trình. Các thành viên được tập huấn nghiệp vụ, nắm vững chức năng, nhiệm vụ, hoạt động ngày càng đi vào nền nếp.
Công tác phản biện xã hội được MTTQ phát huy, lãnh đạo huyện quan tâm chỉ đạo các phòng, ban, ngành lấy ý kiến phản biện trước khi trình HĐND, UBND ký phê duyệt các công trình, dự án có liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân như: quy hoạch khu dân cư, trung tâm hành chính các xã, thị trấn, giao thông... được MTTQ huyện chủ trì cùng các tổ chức chính trị - xã hội, ban tư vấn dân chủ pháp luật phản biện hiệu quả.
Thông qua công tác giám sát, phản biện, MTTQ các cấp giải quyết được nhiều vấn đề bức xúc trong nhân dân, nhiều công trình dự án lớn, đặc biệt là các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, nông thôn mới... được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Điển hình, công trình xây dựng đường Phú Riềng đỏ nối dài đến Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, trong quá trình tuyên truyền vận động, nhiều người dân đến MTTQ và các diễn đàn tiếp xúc cử tri phản đối. Sau đó, được lãnh đạo tỉnh, huyện kịp thời giải quyết thấu tình đạt lý, người dân đã hiểu và đồng thuận. Đến nay, tuyến đường đã hoàn thành, tạo điều kiện cho người dân đi lại, lưu thông hàng hóa, diện mạo đô thị khang trang, kích thích kinh tế phát triển.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ các cấp ở huyện Đồng Phú còn những khó khăn. Đó là nhận thức của một bộ phận cán bộ làm công tác mặt trận chưa nghiên cứu sâu vai trò của mình để tham mưu cách làm hiệu quả; một số cán bộ còn nể nang, e ngại nên chưa mạnh dạn thực hiện và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong giám sát và phản biện xã hội. Chính quyền và mặt trận, các tổ chức thành viên có nơi phối hợp chưa nhịp nhàng, nội dung giám sát tại cơ sở chưa đi vào lĩnh vực khó nên trong thời gian tới cần hướng sâu về cơ sở để thực hiện trách nhiệm của MTTQ trước Đảng và nhân dân trong giám sát, phản biện xã hội.
Bà Ngô Thị Thanh Chung cho biết thêm: Thời gian tới, MTTQ các cấp trong huyện tiếp tục đẩy mạnh giám sát đối với chính quyền về thực hiện quy chế dân chủ, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí tại các cơ quan, đơn vị, làm tốt hơn nữa việc phối hợp với HĐND, UBND và Viện kiểm sát nhân dân huyện trong giám sát, phản biện, để thực hiện hiệu quả cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.
Phạm Văn Tú (Phó chủ tịch UBMTTQVN huyện Đồng Phú)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065