Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đồng Phú cho biết: Thực hiện kế hoạch xây dựng huyện Đồng Phú đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2020, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn nâng cao chất lượng, hiệu quả của quy hoạch và lập dự án về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; thực hiện đồng bộ các giải pháp để tạo nguồn thu ngân sách; phân bổ và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, ưu tiên dự án trọng điểm, dự án lớn.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo huyện Đồng Phú trao bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới cho lãnh đạo xã Tân Lợi
Phát triển giao thông nông thôn được xác định là khâu đột phá, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân, do vậy trong những năm qua, huyện Đồng Phú tập trung nguồn lực để đầu tư, nâng cấp các tuyến đường giao thông theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đặc biệt triển khai làm đường theo cơ chế đặc thù từ thiết kế mẫu. Từ năm 2010 đến nay, huyện đã đầu tư xây dựng 172,6km đường giao thông, gồm đường trục xã, liên xã 44,6km, đường trục ấp, liên ấp và ngõ hẻm 128km, với tổng kinh phí 170,26 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 44,818 tỷ đồng, địa phương 104,383 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 21,059 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các ban, ngành, đoàn thể đã vận động nhân dân hiến cây, hiến đất để mở rộng, làm đường giao thông nông thôn với diện tích khoảng 999.600m2, trị giá 17,992 tỷ đồng. Điển hình, nhân dân xã Tân Hưng hiến 9.500m2 đất để mở rộng đường vào nghĩa trang; nhân dân xã Tân Phước hiến 34.700m2 đất xây dựng tuyến đường Xương Bồ; nhân dân xã Tân Lợi hiến 43.760m2 đất xây dựng tuyến đường từ cầu ông Ký sang cầu Mới; nhân dân xã Thuận Phú hiến 12.000m2 đất xây dựng các tuyến đường trên địa bàn xã...
Nhiều gương điển hình trong hiến đất làm đường giao thông như gia đình ông Lưu Văn Út (1958), ngụ ấp Thái Dũng, xã Tân Tiến đã hiến 4,8 sào đất làm đường, đóng góp 180 triệu đồng xây dựng đường tổ 41 nối dài và làm tuyến đường nối từ tổ 41 đi tổ 47. Ông Út cho biết: “Khi biết thông tin những tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn sẽ được bê tông hóa, người dân mừng lắm. Vì điều kiện đi lại sẽ thuận tiện hơn, nông sản làm ra bán được giá. Do đó, gia đình tôi không chỉ hiến đất, tiền, ngày công mà còn vận động người dân chung tay xây dựng NTM”.
Hiện trên địa bàn huyện có 5 chợ nông thôn, gồm chợ: Đồng Phú, Tân Lập, Tân Tiến, Thuận Phú, Đồng Tâm; 2 siêu thị (Co.opmart, Điện máy xanh); 2 hệ thống bách hóa xanh và 5.000 cửa hàng bán lẻ. UBND tỉnh, huyện và ngành điện đã tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống lưới điện trung, hạ thế từ nguồn vốn tự cải tạo và xây dựng mới hệ thống điện nông thôn. Từ năm 2009-2019, toàn huyện đã đầu tư kéo 68,6km đường điện trung thế, 93,7km đường điện hạ thế, 82 trạm biến áp, nâng tổng hệ thống điện trên địa bàn huyện đạt 362km trung thế, 344km hạ thế và 479 trạm biến áp... Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện tăng từ 91,6% năm 2010 lên 98% năm 2018, trong đó 9/11 xã, thị trấn đạt tỷ lệ sử dụng điện trên 99%, còn lại 2 xã chưa đạt tiêu chí về điện là Tân Hưng (97,2%), Đồng Tâm (91,2%). Phong trào xây dựng hệ thống đèn đường được quan tâm triển khai thực hiện. Đến nay, tỷ lệ đường bê tông hóa, nhựa hóa có điện đường đạt khoảng 10%. điển hình xã Tân Lập đạt 15%, Thuận Phú 15%, Tân Tiến 16%, các xã còn lại đạt từ 5% trở lên.
Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đồng Phú đã tham mưu UBND huyện đề nghị UBND tỉnh, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, Công ty Điện lực Bình Phước xem xét bố trí kinh phí đầu tư để hoàn thành tiêu chí điện cho 2 xã Đồng Tâm và Tân Hưng, nhằm hoàn thành mục tiêu xây dựng NTMtại 2 xã này cũng như mục tiêu đạt huyện NTM năm 2020.
Trường mầm non Tân Tiến, xã Tân Tiến được xây dựng đạt chuẩn mức độ 2
Nhận thức rõ “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, đồng thời với mong muốn đổi mới và nâng cao chất lượng GD-ĐT phù hợp với sự phát triển của xã hội, từ năm 2010-2019, huyện Đồng Phú đã đầu tư 226,019 tỷ đồng xây mới 205 phòng học, 72 phòng chức năng, khối hiệu bộ, nhà bếp, hàng rào... Đến nay, toàn huyện có 20 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập THCS mức độ 1, đạt xóa mù chữ mức độ 1, đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non... Cơ sở vật chất văn hóa được quan tâm đầu tư, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu hội họp, sinh hoạt, văn hóa văn nghệ, vui chơi giải trí của nhân dân. Huyện đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị nhà văn hóa các ấp, hội trường xã... với tổng kinh phí 18,016 tỷ đồng. Đến nay, 100% xã, thị trấn có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng và sân thể thao; 100% xã, thị trấn có điểm vui chơi, giải trí, thể thao cho trẻ em và người cao tuổi; 100% khu dân cư có nhà văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng theo quy định.
Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đồng Phú Nguyễn Thanh Tùng cho biết thêm: Với sự chủ động, tích cực, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, sự tham gia có trách nhiệm của nhân dân, công tác đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện Đồng Phú đã đạt kết quả đáng khích lệ; tạo tiền đề cơ bản trong xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và phấn đấu đến năm 2020, Đồng Phú trở thành huyện đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn NTM.
Khắc Bảy
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065