Hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế
Tháng 3-2017, dự án nuôi bò sinh sản được Hội Nông dân huyện Đồng Phú giải ngân vốn cho 30 hộ nông dân xã Tân Lập vay tổng 2 tỷ đồng. Trong đó, mỗi hội viên vay từ 60-100 triệu đồng và sẽ hoàn trả sau 3 năm. Bước đầu 30 hộ mua 52 con bò giống và đầu tư chuồng trại, trồng cỏ chăn nuôi bò. Đến nay, đàn bò đã tăng lên 79 con. Gia đình ông Nguyễn Trung Thân (1964), ngụ ấp 7, xã Tân Lập được vay 60 triệu đồng từ dự án nuôi bò sinh sản. Ông đã đầu tư 45 triệu đồng mua 3 con bò sinh sản; số tiền còn lại dùng cải tạo chuồng trại, trồng cỏ... Gia đình ông còn thường xuyên tham gia tập huấn, hội thảo hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò, dê, trồng cỏ... để phát triển kinh tế. Sau hơn 1 năm thực hiện dự án, đàn bò của gia đình ông đã tăng lên 6 con. Bên cạnh đó, ông còn đầu tư nuôi dê, vịt siêu thịt, gà, cá... nâng tổng thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm.
Công nhân kiểm tra băng chuyền thu gom trứng ở trại gà đẻ của Công ty cổ phần Hùng Nhơn - Ảnh: L.Phương
Để nâng cao giá trị kinh tế, các ngành chức năng ở huyện Đồng Phú đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi. Sau nửa nhiệm kỳ, UBND huyện Đồng Phú đã chỉ đạo mở 10 lớp tập huấn, 4 buổi hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, thu hút 750 nông dân tham gia; 1 hội thảo chăn nuôi bò thịt với 114 người thuộc doanh nghiệp, công ty, chủ trang trại tham dự. Để giảm thiểu rủi ro, ngành thú y huyện đã phối hợp tổ chức tiêm 31.197 liều vắc-xin cho gia súc; thực hiện 3 đợt tiêu độc khử trùng, kiểm dịch động vật và vệ sinh thú y với 984.920m2 chuồng trại và 103.300m2 sàn kinh doanh buôn bán sản phẩm chăn nuôi tại chợ. Hỗ trợ 68 con bò, 123 con dê từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chăn nuôi bước đầu đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, như nuôi gà đẻ trứng, gà thịt ở một số xã Thuận Phú, Tân Hưng...
Hình thành nhiều trang trại chăn nuôi
Hiện nay, các trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện phát triển cả số lượng và chất lượng sản phẩm. Toàn huyện hiện có 41 trang trại, trong đó 12 trang trại nuôi gia cầm, 28 trang trại nuôi heo, 1 trang trại nuôi bò. Nhiều giống vật nuôi mới cho năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất, như: bò ngoại, heo ngoại, các giống gia cầm hướng trứng, hướng thịt... tạo ra khối lượng sản phẩm đủ phục vụ nhu cầu trong huyện và các huyện, tỉnh bạn, xuất khẩu ra nước ngoài.
Gia đình ông Nguyễn Trung Thân, ngụ ấp 7, xã Tân Lập được hỗ trợ nuôi bò sinh sản để phát triển kinh tế
Nhờ nắm bắt tốt nhu cầu thị trường, Công ty cổ phần Hùng Nhơn đứng chân trên địa bàn xã Thuận Phú là đơn vị tiên phong trong việc đầu tư trại gà khép kín. Các dãy nhà nuôi đều lắp máy điều hòa nhiệt độ theo mô hình tiên tiến và máy móc thiết bị của Đức, áp dụng công nghệ chăn nuôi tự động hóa 100%. Mỗi năm, trại gà Hùng Nhơn cung cấp cho thị trường hơn 4.500 tấn thịt gà sạch. Hùng Nhơn còn hợp tác với công ty để bao tiêu gà thành phẩm. Nhằm đảm bảo kinh doanh bền vững và giảm thiểu rủi ro, doanh nghiệp chọn mô hình liên kết chuỗi gồm đơn vị cung cấp thức ăn, cung cấp giống và công ty giết mổ. Đầu năm 2018, Hùng Nhơn đã có lô hàng gà thịt xuất khẩu thành công sang thị trường Nhật Bản.
Những năm gần đây, ngành chăn nuôi của huyện Đồng Phú phát triển mạnh. Toàn huyện hiện có 69.698 con gia súc, tăng 12.143 con so với năm 2015; 1.675.000 con gia cầm, tăng 823.400 con so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng chăn nuôi, giảm tỷ trọng trồng trọt. Năm 2017, tỷ trọng chăn nuôi chiếm 29,06% trong cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp, tăng 4,07% so với năm 2015 và tăng 17,45% so với năm 2010.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, Huyện ủy, UBND huyện Đồng Phú đã làm việc với UBND 11/11 xã, thị trấn; chỉ đạo đảng ủy, UBND các xã, thị trấn đề ra những giải pháp triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm. Huyện cũng phối hợp các công ty, xí nghiệp... để nắm bắt nhu cầu đào tạo nghề và tuyển dụng lao động. Từ đó, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp. Hằng năm, UBND huyện chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành các văn bản thông báo nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn...
Ông Trần Thanh Tâm, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, cho biết: Từ năm 2016 đến nay, huyện đã đào tạo nghề cho 4.729 lao động, vượt kế hoạch giao, với các nghề, như: may công nghiệp, kỹ thuật trồng, chăm sóc và cạo mủ cao su, trồng nấm... UBND huyện đã tạo điều kiện cho vay vốn, hỗ trợ việc làm với tổng 7 tỷ 498 triệu đồng; phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh mở 4 phiên giao dịch việc làm tại địa bàn huyện và đưa lao động tham gia nhiều phiên giao dịch tại tỉnh, huyện, thị lân cận. Qua đó đã thông tin nhu cầu tuyển dụng 8.180 lao động và đã tuyển được 405 lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp... Từ năm 2016 đến nay, huyện Đồng Phú đã giải quyết việc làm cho 9.403 lao động. Nhiều lao động có việc làm ổn định và tăng thu nhập cho gia đình... Điển hình, chị Vừ Y Nhìa (1995), dân tộc H’mông, từ Nghệ An được Nông trường cao su Tân Hưng (Công ty cổ phần cao su Đồng Phú) tuyển vào làm công nhân. Chị tham gia lớp đào tạo kỹ thuật trồng, chăm sóc và cạo mủ cao su do Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn phối hợp UBND huyện Đồng Phú tổ chức. Chị Nhìa hiện nhận 3 phần cây khai thác có địa hình đồi dốc, đi lại khó khăn nhưng nhờ chăm sóc vườn cây tốt, khai thác đúng kỹ thuật nên nhiều năm liền chị khai thác vượt sản lượng. Năm 2017, chị khai thác vượt sản lượng 11%, lương bình quân đạt 7 triệu đồng/tháng.
Định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh
Trong lĩnh vực GD-ĐT, huyện Đồng Phú luôn chú trọng định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh để nâng cao chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực. Ông Hoàng Thanh Sỹ, Trưởng phòng GD-ĐT huyện cho biết: Phòng chỉ đạo các trường THCS, căn cứ vào tình hình thực tế để định hướng cho học sinh đăng ký học vào các trường trung cấp nghề (hệ vừa học vừa làm), khi ra trường các em có cả bằng THPT và trung cấp nghề. Từ năm học 2015-2016 đến nay, huyện đã hướng dẫn, tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và chi hỗ trợ học phí cho 299 học sinh, sinh viên đi học các trường nghề với trên 976 triệu đồng.
Các trường THPT trên địa bàn cũng thực hiện hướng nghiệp để học sinh lựa chọn, định hướng ngành, nghề đào tạo phù hợp với năng lực bản thân và nhu cầu xã hội... Hằng năm, các trường THPT đều mời chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ về nghề nghiệp tương lai..., cung cấp những thông tin về hệ thống ngành nghề và hệ thống các trường đào tạo nghề trong xã hội nhằm giúp học sinh định hướng đúng đắn về nghề nghiệp; giới thiệu những ngành, nghề mà xã hội, địa phương đang có nhu cầu... Qua đó, học sinh và gia đình đã có những nhận thức đúng trong việc định hướng, xác định nghề nghiệp phù hợp cho các em.
Khắc Bảy
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065